Bài viết suốt từ chuyến đi công tác hôm tuần trước, vậy mà cả tuần mình chẳng tìm được thời gian để post. Hôm mình đến đập thủy điện, hồ nước cạn, đứng từ trên cầu nhìn xuống sâu hun hút. Qua mấy trận mưa, chắc hẳn bây giờ mà quay lại, mình sẽ chẳng nhận ra dòng sông, hồ nước ấy.
Nhân một
chuyến công tác mà nhiệm vụ chính của mình là đóng vai con kiến trong hai cuộc
họp, mình kết hợp đi giám sát tại một đôi điểm, nơi các hoạt động của dự án
đang diễn ra. Mình chọn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đơn thuần vì sự thuận
lợi về thời gian và khoảng cách, còn nếu có nhiều lựa chọn hơn nữa, chắc mình sẽ
muốn đi xa hơn, các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang chẳng hạn. Thế mà cuối
cùng mình đã có một chuyến đi thật thú vị.
Bắc Trà
My là một huyện miền núi, nằm về phía nam tỉnh Quảng Nam, cũng chính là Đông
Trường Sơn với khu di tích Nước Oa, nơi đặt bộ tư lệnh chỉ huy khu V trong những
năm kháng chiến chống Mỹ.
Giáp với
Trà Bồng, trên thực tế trung tâm hai huyện cách nhau chỉ 30km, cả hai huyện đều
trồng nhiều quế nhưng cây quế của Bắc Trà My không nổi tiếng như cây quế Trà Bồng,
vậy nên cũng không có một bài hát mang tên Hương quế Trà My :). Thời gian cuối này, Bắc Trà My nổi tiếng về một việc khác
– đập thủy điện sông Tranh, con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh, với phần hạ
nguồn được gọi là sông Thu Bồn.
Lâu nay
mình ít đọc thấy tin tức về những trận động đất tại khu vực này liên quan đến đập
thủy điện sông Tranh. Cứ tưởng mọi việc đã có vẻ yên hơn, nhưng theo người bạn
đồng hành của mình, “báo không động chứ đất thì vẫn động”, và trận động đất gần
đây nhất vừa mới xảy ra hôm cuối tháng 8, ngay sau trận tổng diễn tập ứng phó với
động đất ở Bắc Trà My hôm 28/8, nghe nói tiêu tốn đến hơn 40 tỷ với 2.000 người
tham gia. Người ta chuẩn bị rất lâu, xây dựng đủ thứ, rồi hôm đó phá hủy, diễn
tập cảnh cứu hộ với sự tham gia của cả trực thăng.
Nằm
cách thành phố Tam Kỳ khoảng 55km, tụi mình đi mất hơn tiếng rưỡi thì đến trung
tâm huyện vào lúc 11 rưỡi. Chén xong bữa trưa rất ngon miệng, với món ngon nhất
chắc là cá nấu chuối chát và măng chua, thêm món cá suối rim khô, lẫn trong đó
có cả cả cá niên, món cá đặc sản của
các con sông khu vực này, mình tranh thủ đi thăm con đập, cách trung tâm huyện
khoảng 8km. Đứng
trên thân đập vĩ đại, nhìn mặt nước sâu hun hút bên dưới, mình rùng mình vì độ
cao. Cả 6 cửa xả đều được nâng lên, mà nâng lên hay hạ xuống cũng có ý nghĩa gì
đâu, chưa đến mùa mưa, nước cạn, mặt nước sâu hun hút dưới chân, còn rất rất
lâu mới đến mức có thể tràn qua cửa xả. Đập ngăn nước, giữ lại nước cho thủy điện,
vậy nên con sông phía bên dưới đập, hẳn ngày trước thơ mộng lắm, giờ chỉ còn là
cái xác một con sông, nhìn từ xa cảm giác như nước thậm chí không chảy, vì có
gì đâu mà chảy. Nhưng chỉ cần vài trận mưa thôi, chắc hẳn nước hồ lại dâng lên
nhanh chóng, cái hồ lại treo đó, lơ lửng như một quả bom nổ chậm. Mình chả hiểu
gì về xây dựng, về thủy điện, chả dám bàn gì. Chỉ hóng hớt được rằng từ thời Mỹ
người ta đã làm khảo sát và quyết định không xây nhà máy thủy điện ở đây do
không an toàn. Rồi bây giờ, nhờ có thủy điện, hàng năm tỉnh Quảng Nam thu tới mấy
trăm nghìn tỷ tiền bán nguồn tài nguyên nước (năm 2012 là 535 tỷ).
Đập thủy điện nhìn từ xa
Hồ chứa nước
Dòng sông phía bên dưới con đập :(
Ngoài hồ
thủy điện sông Tranh hiện đang là mối lo cho nhiều vạn dân, hồ Phú Ninh cũng là
một mối lo ngại khác khi mà nếu sự cố xảy ra toàn bộ thành phố Tam Kỳ, rồi đến
tận Thăng Bình cách đó hơn 30km cũng sẽ chìm trong mênh mông biển nước. Nghe
nói trong trận lụt lịch sử năm 1999, người ta đã đưa ra phương án chủ động gây
vỡ hồ Phú Ninh để hướng dòng nước đi hướng khác, cứu nguy cho Tam Kỳ nhưng ông
chủ tịch tỉnh khi đó cương quyết liều, và cuối cùng Tam Kỳ không bị ngập và hồ
nước cũng còn nguyên. Câu chuyện khi đó đã có một happy ending, nhưng đâu phải
lúc nào cũng happy ending, và cái tình trạng nơm nớp không biết sống chết khi
nào có thể làm người ta vỡ tim không chừng. Mình cứ mường tượng gia đình, đất
đai, nhà cửa mình ở đó, rồi một ngày đẹp trời, bằng một con dấu lạnh lùng, người
ta xây một con đập khổng lồ, và cuộc sống của mình bất an từ đó. Chẳng thể bỏ
đi đâu, cứ phải sống, và hàng ngày đối mặt. Và những tiếng nổ ùng oàng là có thật, đến cả ở Tam Kỳ cũng
nghe thấy, và những cơn động đất là có thật, mà trận cuối mới cách đây chưa đầy
một tháng.
Thôi,
giờ sang mấy chuyện vui hơn. Trong chuyến đi, mình hóng hớt được nhiều điều rất
thú vị. Ví dụ như trong số 92 học sinh người dân tộc của trường phổ thông dân tộc
nội trú năm nay tốt nghiệp lớp 12, có tới 12 em đỗ đại học. Rồi Trần Lê Phương,
gương mặt nữ duy nhất lọt vào vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 trước
là học sinh Bắc Trà My. Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú thường có tỷ
lệ đỗ đại học khá cao. Khâm phục thật. Chả bù cho cậu cả nhà mình, mẹ kèm cặp
suốt ngày mà điểm số hết sức bình thường. Mình còn lo chả biết cậu có đỗ được đại
học không ấy chứ. Haiza.
Lẽ ra
mình còn có thể ghé chơi Bình Dương, đoạn sông quê hương của Tế Hanh, nguồn cảm
hứng để ông viết bài Nhớ con sông quê hương, nhưng vì một cái hẹn khác, mình
đành bỏ qua dịp đó. Mà chưa cần đến tận đoạn sông đó thì mình vẫn luôn phải
lòng những con sông dịu dàng tha thướt miền Trung rồi.
Năm 2007 mình có ghé hồ Phú Ninh, rừng ngày đó còn đẹp lắm. Nhưng nhớ nhất là trong lúc phóng xe máy qua rừng lên đập thủy điện, chồng để "rơi" mất vợ, hì hì.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn ghé thăm. Ai đấy nhỉ?
XóaHấp dẫn quá TA, phải có một lần anh được đến Bắc Trà My mới được ....
Trả lờiXóaKhông chắc ai cũng thích đâu ạ. Thị trấn nhỏ, buồn buồn. Chỉ là tính em luôn nhìn sự việc theo hướng tích cực thôi ạ.
Xóađọc bài nào của TA cũng thích. Chưa biết nhưng nghe em đã thấy những con sông miền Trung thướt tha dịu dàng rồi. Thương những người dân miền quê ấy. Cảm ơn em, coi như mình đã đến Bắc Trà My! :)
Trả lờiXóaHì hì, coi như đã đến là được chị ạ :). Vì dự án bọn em ở những vùng đó nên em hay đến những vùng xa xôi chứ bình thường rất ít người bỏ công đến những nơi đó. Mà có khi đến mọi người cũng chưa chắc thấy gì hay ho, chỉ vì em luôn AQ ấy mà.
XóaThật tuyệt nếu đi đựoc đi cùng huớng dẫn viên du lịch này...
Trả lờiXóaCảm ơn bạn :)
Xóa