Nhưng rồi chẳng
mấy chốc Raghu cũng bỏ đi. Tiếng chân Raghu đi vòng quanh nhà để xe một lần nữa
rồi mất hẳn. Ravi đứng chết lặng trong nhà kho. Rồi cậu rùng mình. Có cái gì đó
đang cù vào phía sau cổ cậu. Phải mất mấy giây cậu mới có đủ can đảm đưa tay
lên khám phá. Đó là một con côn trùng, có lẽ con nhện đang thăm dò cậu. Cậu
dùng tay dí nát con vật và nghĩ không hiểu còn bao nhiêu con khác đang theo dõi
cậu – một người xa lạ.
Chẳng còn gì
nữa cả. Sau khi đứng ở tư thế như vậy – tay vẫn đặt trên cổ, cảm thấy chất nước
nhờn của con nhên dần dần khô – hàng phút hay hàng giờ, chân cậu bắt đầu run
lên vì sự cố gắng, vì không hoạt động. Giờ đây cậu đã quen với bóng tối để phân
biệt chiếc tủ cũ, chiếc làn hỏng, khung giường chất đống lên xung quanh cậu.
Cậu nhận ra cái bồn tắm cũ – những mảnh men vỡ nhìn cậu, và cuối cùng cậu cúi
ngồi xuống bên cạnh cái bồn tắm cũ đó.
Cậu suy nghĩ
về chuyện chui ra khỏi nhà kho, nhập cuộc vào trận cãi nhau. Cậu tự hỏi liệu có
tốt hơn không nếu như bị Raghu bắt và túm cổ quay trở lại đám đông ầm ĩ, vì như
vậy cậu có thể được ở dưới ánh mặt trời, khoảng không tự do của khu vườn và
những khuôn mặt của anh chị em ruột và bè bạn. Chẳng mấy chốc đã tối. Lúc đó
chúng sẽ được phép chơi đùa. Cha mẹ chúng sẽ ngồi ngoài bãi cỏ trên những chiếc
ghế mây, nhìn chúng chạy xung quanh vườn hay tụ tập lại để chia nhau những quả
dâu chín, những quả mận đỏ hái trong vườn. Người làm vườn sẽ cắm ống tưới vào
vòi nước, nước sẽ chảy phung phí qua không khí xuống đất, thấm qua đám cỏ khô
vàng, thấm qua đám sỏi đỏ và làm dấy lên mùi ngọt ngào đến điếc mũi của nước
trên nền đất ẩm – mùi đáng yêu nhất trên đời. Ravi khịt mũi tìm luồng hơi. Cậu
nhỏm người lên khỏi cái bồn tắm, sau đó nghe thấy âm thanh đang xa dần của một
cô bé bị Raghu bắt. Có ai đó bị túm, tiếng chạy vòng quanh các bụi cây, sau đó
là tiếng la hét và tiếng khóc.
-
Em chạm vào
cây cột rồi!
-
Chưa!
-
Em chạm rồi!
-
Nói dối, mày
chưa chạm!
Sau đó những
giọng nói xa dần, tất cả trở nên im ắng.
Ravi lại ngồi
xuống mép gồ ghề của chiếc bồn tắm, quyết định ở đây thêm một lát nữa. Thật
buồn cười biết bao, nếu tất cả đều bị tìm thấy và bắt giữ trong khi chỉ một
mình nó không bị túm cổ! Nó chưa bao giờ được biết mùi vị cảm giác đó. Chưa bao
giờ có chuyện nào hay ho hơn xảy ra với nó, trừ một lần nó bị ông chú tóm cổ,
rồi một lần khác nó được mua cho cả một hộp sôcôla, hay lần khác nữa nó bị
quẳng vào chiếc xe ngựa nhỏ, được người lái xe thân thiện có chòm ria màu đỏ
với đôi tai vểnh chở đến tận cổng. Chiến thắng Raghu - chiến thắng cái anh
chàng vô địch bóng đá, râu rậm, giọng khàn khàn đó - và trở thành người chiến
thắng trong cuộc chơi của những đứa trẻ lớn hơn, to hơn, may mắn hơn – đó là
điều ngoài sức tưởng tượng. Nó ôm gối và mỉm cười một mình, gần như thẹn thùng
bởi ý nghĩ về một chiến thắng như vậy, vinh quang như vậy.
Nó ngồi cười
một mình, đầu gối tựa vào thành cái bồn tắm cũ, thỉnh thoảng lại đứng lên đi ra
phía cửa, đặt tai vào lỗ thủng nghe ngóng những âm thanh của trò chơi, người săn
đuổi và người bị đuổi, rồi sau đó lại quay về chỗ của mình với một quyết tâm về
chiến thắng trong tầm tay, về người phá vỡ kỷ lục, về nhà vô địch.
Nhà kho tối
dần khi ánh sáng ở cửa trở nên yếu ớt, mờ mờ, biến thành một màu phấn hoa vàng,
sau đó thành màu lông chim vàng nhạt rồi chuyển sang gam xanh nhạt, xám nhạt.
Đã chiều. Đã chập choạng. Âm thanh của nước vọt ra, đổ tràn xuống. Mùi đất được
tưới nước tỏa hương, làm dịu đi cái khát và làm toát ra mùi tươi tắn, mát mẻ.
Qua lỗ hổng, Ravi nhìn thấy bóng dài màu tím sẫm của nhà kho và nhà để xe trải
ra đến tận sân. Bên ngoài đó là những bức tường trắng của ngôi nhà. Cây hoa
giấy đã mất đi màu tím bầm, mờ đi trong những chùm màu tối. Hàng đàn chim sẻ
đang bay về tổ. Bãi cỏ ở ngoài tầm nhìn của cậu. Liệu cậu có nghe được tiếng
bọn trẻ không? Cậu thấy hình như nghe thấy bọn trẻ con cãi nhau, hát, cười.
Nhưng còn trò chơi thì thế nào? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Liệu đã kết thúc chưa?
Tại sao trò chơi lại có thể kết thúc, khi bọn nó vẫn chưa tìm ra cậu?
Cậu chợt nghĩ
ra rằng mình đã có thể ra khỏi đây từ lâu rồi, chạy nhanh qua sân tới thềm hè
và chạm vào chỗ đó. Cậu quên mất. Cậu chỉ nhớ một phần của trò chơi là trốn và
cố gắng trốn khỏi người đi tìm. Cậu đã làm việc đó rất thành công. Sự thành
công hoàn toàn xâm chiếm cậu, làm cậu quên rằng thành công còn là chạy tới chỗ
quy định và hét lên: “Chạm!”
Vừa khóc thút
thít cậu vừa chui ra khỏi lỗ hổng, quỳ xuống rồi lại gượng đứng dậy, loạng
choạng trên đôi chân cứng nhắc, tê liệt, đi qua chiếc sân đầy bóng tối, khóc òa
khi vào đến thềm nhà, đến nỗi khi cậu chạy vào đến cột tường tráng và nói: “Chạm!
Chạm! Chạm!” thì giọng cậu vỡ ra giận dữ do bị ghét bỏ và cậu cảm thấy thật khổ
sở, mắt đẫm nước.
Bên ngoài bãi
cỏ bọn trẻ đã ngừng cãi vã. Bọn chúng đều quay lại nhìn cậu ngạc nhiên. Mặt
chúng tái và méo đi trong bụi cây. Những cây cao và đám cây bụi cây xung quanh
đó đen sẫm, đổ bóng dài lên lũ trẻ. Chúng nhìn, ngạc nhiên vì sự xuất hiện của
cậu, cảm xúc mạnh mẽ của cậu, tiếng gào điên dại của cậu. Từ chỗ chiếc ghế,
đang ngồi đan, người mẹ đứng dậy đi tới bên cậu, lo lắng, chán nản:
-
Thôi! Thôi
nào! Ravi! Con đừng trẻ con thế! Con bị đau à?
Thấy cậu đã
bình tĩnh, bọn trẻ trở lại với trò chơi, vỗ tay và hát: “Cỏ xanh, hồng, trắng…”
Nhưng Ravi
không cho bọn chúng chơi. Cậu vùng ra khỏi vòng tay mẹ, chạy qua bãi cỏ tới
giữa bọn trẻ, cúi đầu lao vào chúng làm chúng sợ và tản ra.
-
Em thắng! Em
thắng! Em thắng! – Cậu gào lên, lắc đầu để những giọt nước mắt rơi xuống –
Raghu không tìm thấy em! Em thắng! Em thắng!
Phải mất cả
phút bọn chúng mới hiểu Ravi nói gì, thậm chí biết cậu là ai. Bọn chúng hầu như
đã quên mất cậu. Raghu đã tìm thấy hết những đứa khác từ lâu. Rồi bọn chúng
tranh cãi xem tiếp theo ai phải làm người đi tìm. Chúng cãi vã ầm ĩ đến mức mẹ
chúng phải ra phải phòng tắm và bắt bọn chúng chơi trò khác. Bọn chúng chơi một
trò rồi lại một trò nữa, bọn chúng đã bẻ dâu và ăn dâu, giúp người lái xe rửa
xe khi bố bọn chúng đi làm về, giúp người làm vườn tưới cây cho tới khi ông la
hét, mắng mỏ và dọa sẽ mách bố mẹ chúng. Bố mẹ chúng đã ra khỏi nhà, ngồi trên
những chiếc ghế mây. Bọn chúng lại bắt đầu chơi, hát và đọc những câu vè. Suốt
thời gian đó, chẳng ai nhớ tới Ravi cả. Biến khỏi tầm mắt, nó đã bị biến khỏi
trí nhớ của bọn chúng. Hoàn toàn biến mất.
-
Đừng có ngốc
nghếch! – Raghu nói dứt khoát, đẩy nó sang một bên, và thậm chí Mia cũng nói –
Thôi đừng gào nữa, Ravi! Nếu em muốn chơi, em có thể đứng ở cuối hàng – và nó
dứt khoát ấn cậu vào đó.
Trò chơi tiếp
tục. Hai đôi tay vòng lên nối vào nhau tạo thành hình vòng cung. Bọn trẻ đi qua
đó hết lần này đến lần khác trong một vòng tròn méo mó, cúi đầu xuống và ngân
nga:
Cỏ xanh, hồng, đỏ
Hãy nhớ tôi khi tôi chết, chết, chết, chết...
Vòng cung của hai
đôi cánh tay rung rung trong ánh chạng vạng, những cái đầu cúi xuống buồn bã,
những đôi chân bước nặng nề trong điệp khúc buồn thảm giống đám ma biết bao, vô
vọng biết bao, đến mức Ravi không thể chịu đựng được điệp khúc đó. Cậu sẽ không
đi theo bọn chúng nữa, cậu không muốn chơi trò đám ma này. Cậu muốn chiến thắng
và vinh quang chứ không phải đám ma. Nhưng cậu đã bị quên lãng, đã bị loại ra
ngoài và cậu sẽ không tham gia cùng bọn chúng nữa. Nhục nhã vì bị quên lãng, làm
sao cậu có thể đối mặt với nó được? Cậu cảm thấy trái tim trong ngực đập nặng
nề, đau đớn đến không chịu đựng nổi. Cậu nằm xuống, duỗi dài trên đất ẩm, vùi
mặt vào cỏ. Cậu không còn khóc nữa, chết lặng đi vì một nhận biết kinh khủng về
sự vô nghĩa của bản thân...
Hết
(Người dịch: Đặng Tuyết Anh, đã in trong
tập 29 truyện ngắn nữ thế giới, NXB
Lao Động, 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét