29 tháng 12 2012

NGÀY LỄ HỘI

Truyện này mình đã dịch từ rất lâu, được tạp chí Sông Hương in năm 2001, sau đó, khi tạp chí được số hóa, một hôm tình cờ mình thấy nó trên mạng. Nhân dịp mày mò cái blog mới, post lại lên đây để lưu trữ luôn thể.

Ngày lễ hội

09:58 | 03/06/2008
Hanan Al Shaykh sinh ra trong một gia đình theo đạo Hồi ở Libăng. Bà lớn lên ở Beirut và sau đó học tại Cairo; là một phóng viên có tiếng ở Beirut và Cairo . Bà lấy chồng là một kỹ sư người Libăng theo đạo Thiên chúa giáo và có hai con. Từ năm 1982 do nội chiến nên họ chuyển tới sống ở London . Bà đã viết ba tiểu thuyết được hoan nghênh nồng nhiệt, Câu chuyện của Zahra, Những người đàn bà của cát và Myrrh. Truyện Myrrh đã được thời báo Publisher's Weekly chọn là một trong số 50 cuốn sách hay nhất năm 1992, và gần đây nhất bà xuất bản cuốn Những nữ học giả ở Beirut . Bà còn là tác giả của một số tập truyện ngắn.

Ngày lễ hội



Vị hôn phu của tôi – Farid – khăng khăng đòi tôi đi cùng anh và gia đình tới thăm khu mộ gia đình vào hôm trước ngày hội. Tôi thì luôn nghĩ rằng phong tục này chỉ thích hợp với những người già hay những người cô đơn, những người cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi ngồi bên cạnh những người thân đã chết của họ. Họ nói rằng không có gì làm vơi đi sự muộn phiền dễ dàng hơn là đi thăm nghĩa địa. Tôi không hề biết cha mẹ tôi đi thăm mộ những người thân vào những ngày đặc biệt như thế nào, dù rằng đã có một lần khi còn bé tôi đã cầu nguyện rất nhiệt thành, cầu xin cho một người họ hàng xa trong gia đình mà tôi không biết chết để tôi có thể đi vào bên trong những ngôi nhà mọi người xây nên xung quanh các ngôi mộ. Tôi đã cùng chị nấu bếp về chơi nhà chị, một ngôi nhà nhìn ra nghĩa địa. Việc đó để lại dấu ấn mạnh mẽ trong trí óc tôi. Và từ đó tôi hình dung những người chết sống trong những buồng chôn đó giống như chúng ta sống trong các căn nhà, chỉ có điều khác chút ít, có thể là giống như những pharaon chẳng hạn. Tôi nghĩ có lẽ họ đi lại không gây nên tiếng động nào, hoặc là luôn luôn nằm trên giường.
Vào thời đó, những nhà mồ màu xỉn có bia mộ chạm trổ rất xa lạ đối với tôi. Chúng thường nằm giữa vài cái cây tàn lụi và những gò đất lẫn cát, nơi thuận tiện cho bọn trẻ lăn trườn. Tôi tin chắc rằng bọn mèo, chó tôi nghe thấy là người canh những ngôi nhà mồ này.
Chúng tôi đến nhà cha mẹ Farid. Khi tôi đang đáp lại câu thăm hỏi của bố anh thì mẹ anh bỗng xuất hiện và hỏi sao tôi không đeo đôi hoa tai kim cương.
"Đeo hoa tai kim cương ra nghĩa địa á?", tôi hỏi:
"Tại sao lại không!" – bà gật đầu – "Tất cả mọi người đều ra đấy, mẹ biết vậy và họ sẽ nói, tại sao anh lại chỉ tặng cô ấy nhẫn khi họ đã đính hôn".
Rồi sau đó bà biến đi và quay trở lại với một chiếc trâm cài làm bằng đá quý. Bà đi thẳng lại chỗ tôi để cài nó lên váy tôi. Tôi lùi một bước, cương quyết từ chối một cách khéo léo nhất mà tôi có thể rằng tôi không thích đeo trâm. Quay người đi về phía phòng mình bà bực bội nói, "Thôi được. Thế thì hãy đeo đôi hoa tai maccazit (1)của mẹ vậy. Nhưng tất cả mọi người ai cũng sẽ nhận ra nó đấy".
Tôi nhìn Farid cầu xin và anh nói với bà, "Con không thích cô ấy đeo bất cứ đồ trang sức nào cả".
Chỉ khi đó bà mới chú ý tới bó hoa hồng trắng tôi đang giữ. Bà cầm nó từ tay tôi, ngửi và thốt lên "Trời!" vẻ vô cùng mãn nguyện. Sau đó bà chạy đi cắm bó hoa vào bình cùng vài bông hoa khác. Giá những bông hồng khiến tôi do dự nhưng chúng nhìn tôi dường như đang chờ đợi tôi đánh giá vẻ đẹp cao quý của chúng. Tôi biện bạch rằng tôi mua những bông hoa này không phải cho bản thân, và rằng từ nay trở đi tôi sẽ không còn phải cảm thấy cắn rứt lương tâm mỗi khi mua cái gì đắt tiền bởi tôi sắp lấy một người đàn ông giàu có. Farid nói với mẹ rằng hoa để mang ra mộ. "Sao lại thế được? Hoa đẹp quá!", bà trả lời, vẫn tiếp tục cắm hoa vào bình.
Farid ra hiệu cho tôi và tôi hiểu rằng không nên tiếp tục theo đuổi chuyện hoa hoét nữa. Tôi nhìn quanh, cố gắng che giấu sự lúng túng do hành động của bà gây nên và giả vờ quan tâm tới những chiếc làn đặt ở cửa: bánh nướng ngày lễ, bánh mỳ có hình dạng đặc biệt và quần áo, giày dép cũ.

Tôi ngồi bên cạnh vị hôn phu của tôi trên ghế trước, bố, mẹ anh và cô em gái mới lớn ngồi hàng ghế sau. Hôm trước ngày hội cũng giống như ngày hội vậy, đường phố đông đúc, rộn ràng âm thanh và náo động. Khắp nơi nghe có tiếng pháo. Tôi còn nhớ như in khi còn nhỏ chúng tôi đi lang thang trên phố suốt những ngày này. Chúng tôi chơi đu, chúng tôi chạy sầm sập vào nhà để dốc những hạt cát màu hồng nhạt ra khỏi túi quần và giày ngay khi chúng tôi vào đến nhà. Mỗi năm khi sắp đến ngày hội, tôi luôn có cảm giác như chúng tôi kỷ niệm ngày hội đó lần đầu tiên trong đời. Mẹ tôi chuẩn bị làm bánh ngày lễ và mang nó tới lò nướng. Chúng tôi đứng đó chờ rất lâu, mắt dán vào người thợ nướng bánh đến mức ông ta nhớ cái khay của chúng tôi. Ông thường lấy nó ra muộn và bánh của chúng tôi cứng như đá. Dù vậy chúng tôi vẫn ăn ngấu nghiến. Tôi nhớ chiếc túi đặc biệt tôi dành cho dịp lễ, đôi tất tôi vẫn đi thậm chí giữa mùa hè, đôi giày sáng bóng, nơ buộc tóc. Chúng tôi thường đi thăm tất cả họ hàng, cả những người sống ở xa và chỉ có họ rất xa. Chúng tôi gõ cửa và chúc họ mọi điều tốt lành mà thực sự chẳng để ý bao nhiêu đến điều mình nói. Chúng tôi biết rằng ông chú, mà ông luôn nói ông chẳng có thay đổi gì, vẫn hay nằm và sẽ ngồi hàng thế kỷ trên bậc thềm nhà ông trước khi chúng tôi lao đi chơi đu và trò chơi bán hàng, bàn luận lời đồn rằng năm nay lễ hội sẽ kéo dài hơn một hai ngày cho bọn trẻ con vui chơi.
Mọi người dành cả ngày trước ngày hội ngoài nghĩa địa. Bọn trẻ con mặc quần áo đẹp nhất. Từ loa công cộng, từ đài phát ra tiếng đọc kinh Côran và các bài hát phổ biến. Có những người phụ nữ bán lá chà là và lá cọ. Người này hút thuốc, người kia thưởng thức câu chuyện cười, cằm họ rung lên vì cười, Đậu nấu, falafel (2), nước hoa quả, các loại quả ngâm được bày bán trên lối vào nghĩa địa. Tôi nghĩ tôi sẽ trưng ra những lọ ngâm như vậy ở chính nhà tôi.
Mẹ Farid dừng lại ngay khi gặp người bán hàng đầu tiên, một phụ nữ thiếu chiếc răng cửa và bà chọn khá nhiều cam, quýt, lá cọ. Bà mặc cả một lát rồi sau đó đưa bà ta một khoản tiền và bỏ đi. "Thưa bà! Thưa bà! ", người đàn bà gọi với theo. Khi người đàn bà cố gắng đứng dậy, tôi van nài Farid trả cho bà ta số tiền bà ta yêu cầu. "Người đàn bà đáng thương. Trong một ngày như ngày hôm nay thì điều đó thật đáng xấu hổ".
Chúng tôi rảo bước để đuổi kịp mẹ Farid. Bà trông rất trang nhã dù rằng hơi béo. Chúng tôi nhảy qua bùn, đất và các nấm mồ như những con linh dương. Bà xách những thứ bà mới mua, để lại những chiếc làn cho Farid, bố anh và cô em gái. Hôm nay trông cô ta đặc biệt ủ ê. Tôi thấy mình đang đi bên bà. Bà nhìn đồng hồ và hỏi liệu tôi có nghĩ mặt trời sắp mọc không, sau đó, hạ thấp giọng bà giải thích, "Mẹ muốn đến câu lạc bộ. Bơi một chút rồi nằm phơi nắng".
Tôi cười lại với bà. Xung quanh tiếng động đinh tai nhức óc. Có tiếng loảng xoảng của soong chảo và tiếng bếp lửa reo nơi những người phụ nữ đang nấu nướng trên lối đi chật hẹp và ở khoảng trống giữa các nhà mồ. Tiếng la hét inh tai của bọn trẻ con hoà lẫn với giọng những người đọc kinh Côran đang đi từ ngôi mộ này tới ngôi mộ khác, vào rồi ra khỏi nhà mồ. Họ cố cao giọng một cách vô ích và đám thính giả của họ – các gia đình muốn đọc kinh riêng cho những người thân của mình – phải chú ý hết sức mới hiểu họ nói gì. Phần lớn những người đọc kinh hăng hái nhất là những người đã đứng tuổi, dù rằng cũng có những người trẻ tuổi đọc kinh thuê đang đứng tựa lưng vào hòn đá nhà mồ trông hết sức rầu rĩ. Tôi dõi theo mẹ Farid đi từ người này tới người khác. Tất cả bọn họ đều hứa trước sau sẽ nhờ người trông coi nghĩa địa đưa đến chỗ bà. Khi một người trong số những người trẻ hơn đến gần bà đề nghị được đọc, bà làm ra vẻ như không thấy anh ta. Giận dữ, Farid hỏi tại sao bà lại làm mất mặt người ta như vậy thì bà trả lời: "Những người đứng tuổi trong con mắt của Đức Chúa có giá trị hơn".
Có lẽ bà định nói rằng những người trẻ tuổi không mang chiếc mặt nạ sầu khổ bằng những người đàn ông đứng tuổi.
Chúng tôi đi vào mảnh sân có vườn nhỏ bao quanh, nơi có những ngôi mộ bên trên đặt những phiến đá trang trí màu hồng. Farid nói đây là mộ cụ anh và hai anh em trai của ông, họ cũng yêu cầu được chôn ở khu vườn này. Khu vườn trông xanh tốt và ẩm ướt như vừa được tưới nước chưa lâu. Sau đó chúng tôi đi qua sân vào ngôi nhà mồ chính và thấy ở trong đó đầy đủ các thành viên của gia đình, một người đọc kinh Côran cùng những đĩa quả chà làn, dưa chuột và quýt. Bản thân phần mộ được trang trí bằng lá cọ. "Tại sao chúng ta lại ngồi đây, ngay bên cạnh ngôi mộ?". Tôi ngạc nhiên hỏi.
Tôi nhìn thấy sự thất vọng, sau đó là sự giận dữ trên khuôn mặt mẹ vị hôn phu của tôi mà bà không thể giấu được. "Nhà mình có lẽ đã ở đây cả đêm" là lời đầu tiên bà nói với đám đông đang tụ tập. Chẳng ai trả lời bà nhưng trước sự sững sờ của bà họ đứng dậy chào chúng tôi không chú ý gì tiếng đọc kinh Côran: ba cô về đằng nội, ông nội, chồng của hai cô và đám con cái. Họ dành chỗ cho chúng tôi trên chiếc ghế gỗ đã bị biến dạng theo thời gian và sự quên lãng. Tất cả chúng tôi đều ngồi xuống chỉ trừ mẹ Farid. Bà bắt đầu trải thêm lá cọ lên phần mộ cho tới khi ngôi mộ gần như bị che kín hết. Sau đó bà lấy ra bánh nướng, quả chà là, dưa chuột, quýt và cốc uống chè. Bà đặt vài chiếc bánh nướng và mấy quả chà là vào một chiếc túi, đi về phía người đọc kinh Côran, ấn nó vào tay ông ta. Ông ta dừng lại giữa câu đọc để lầm bầm câu cảm ơn và đưa chiếc túi cho cậu bé ngồi dưới chân ông lúc này đang đếm những tờ tiền giấy và những đồng xu trước khi cho nó vào túi.
Bất chợt mẹ Farid hỏi ông ta mỗi gia đình ông lấy bao nhiêu tiền. "Phụ thuộc vào chuyện họ muốn đọc trong bao lâu", cậu bé trả lời vẻ ranh mãnh.
"Bao nhiêu", bà cứ khăng khăng hỏi. "Ví dụ như năm ngoái ấy?", "Năm ngoái là năm ngoái", cậu bé trả lời. Sau đó, nhìn vào trong túi cậu đọc số tiền làm mẹ Farid kinh ngạc. "Bằng một lần đi khám bác sỹ", bà nhận xét. Tôi gặp ánh mắt vị hôn phu của tôi và chúng tôi gần như cười thành tiếng.
Có tiếng lao xao ở bên ngoài rồi sau đó người trông nghĩa địa xuất hiện và theo sau ông là một người đọc kinh. Khi nghe thấy tiếng đọc kinh họ cố gắng rút lui nhưng mẹ Farid nắm lấy tay ông ta kéo vào. Dù gia đình tỏ vẻ không đồng tình bà vẫn kéo ông tới chỗ con gái đang ngồi trong khi ông lẩm bẩm, "Tôi không được phép xâm phạm chỗ người khác".
Bà sốt ruột trả lời, "Thì cứ nghỉ ngơi đi. Ông ta sẽ có phần của ông ta và ông sẽ có phần của ông".
Ông ta đành nghe theo và ngồi nghe đồng nghiệp của mình, gật gù theo điệu kinh trong khi khuôn mặt các cô lộ vẻ ngao ngán. Một người thở dài và người khác quay mặt đi. Mẹ Farid tuyên bố "Không phải ngày nào cũng là ngày hội và chúng tôi muốn những người thân của chúng tôi được lên thiên đàng".
Sau đó bà đến chỗ người trông coi nghĩa địa, cảm ơn ông và dúi một ít tiền vào tay ông, nói ra số tiền bằng giọng một người có thể nghe thấy. "Tôi hy vọng nơi này sẽ không được mở ra ngay sau khi chúng tôi đi khỏi đây", bà lạnh lùng yêu cầu.
"Thế tôi mang súng để làm gì?", người trông coi nghĩa địa đối đáp lại.
"Không! Ông biết tôi muốn nói gì rồi đấy", bà nói. "Chúng tôi nghe nói người trông coi nghĩa địa cũ để nhà mồ của chúng tôi cứ như nó là khách sạn ấy".
"Đấy chính là lý do vì sao ông ta là người trông coi nghĩa địa cũ. Bà biết rằng tôi thậm chí không cho bọn trẻ con đi ngang qua đây".
Tôi nghĩ mình sắp được giải thoát rồi khi từ ngoài đưa vào mùi thịt nướng khiến mũi tôi rung rung. Người đọc kinh mù đứng lên và cậu bé dắt ông đi trong lúc người mới đến bắt đầu đọc. Tôi nhìn xung quanh phòng, nhìn những khuôn mặt, đặc biệt là khuôn mặt các cô. Họ chuyển cái nhìn của họ từ tôi sang mẹ Farid, sang em gái anh và lại quay lại. Khi mắt chúng tôi gặp nhau chúng tôi cười với nhau cứ như họ biết tôi đang nghĩ gì và đồng tình với tôi: "Chuyện mẹ Farid khó tính không có nghĩa lý gì hết và tôi thì chẳng quan hệ gì đến bà cả. Tất cả mọi người trong gia đình Farid đều yêu anh cho dù anh luôn làm theo những điều mẹ nói".
Người đọc kinh dừng lại để lấy giọng và ngay lập tức một cô quay lại phía tôi nói cô không ngờ tôi xinh đẹp đến vậy dù đã được nghe tả. Cô còn nói thêm chỉ vì bị ốm nên cô mới không có mặt ở buổi lễ đính hôn của chúng tôi. Cô khác thì hỏi chúng tôi đã tìm được nhà chưa và chúng tôi muốn nhà rộng bao nhiêu. Đầu tiên tôi ngây thơ trả lời những câu hỏi này nhưng từ những biểu hiện của họ và từ cách Farid cố gắng tìm mắt tôi, tôi cảm thấy rằng tôi phải thận trọng khi nói về những vấn đề liên quan tới mẹ Farid.
Hiển nhiên bà ngắt ngang lời chúng tôi và nói rằng chẳng có gì phải vội vã trong việc thuê căn hộ, nhà bà có nhiều phòng to và Farid có quyền ngang bà trong những vấn đề liên quan tới ngôi nhà.
Khi tôi trả lời rằng chúng tôi dự định một đám cưới đơn giản, chỉ trong gia đình thì mẹ Farid, cứ như không nghe thấy tôi, nói rằng đám cưới sẽ được tổ chức tại một trong các khách sạn lớn. Khi tôi nói với họ rằng váy cưới của tôi là đồ đi thuê và người ta đã mặc chiếc váy đó lần đầu tiên vào những năm 20 thì bà gần như không giấu được sự giận dữ. Chính khi đó là lúc tôi nhận thấy tình trạng chiến tranh giữa mẹ Farid và các cô và thấy tiếc nuối là đã mở miệng. Từ những câu hỏi không ngớt của họ và cách họ nhìn nhau sau mỗi câu trả lời của tôi, tôi có thể nói rằng họ sử dụng tôi để tấn công bà vào nơi dễ bị tổn thương nhất. Bà phản đối, gần như hét lên, "Lạy Chúa! Cô sẽ mặc chiếc váy cưới cũ trong đám cưới của cô a? Chuyện này thì không thể!".
"Váy trắng à?", một cô trả lời, càng kích động mẹ Farid hơn.
"Trắng hay đen thì khác gì nhau?", bà hét lên. "Không thể có chuyện đó. Marisa sẽ may áo cưới. Tôi đã hứa với cô ấy vậy. Cô ấy sẽ rất buồn nếu tôi không đặt nữa".
"Buồn á!", một cô nhận xét và cười. "Marisa thừa việc. Cô ấy sẽ vui sướng thì có".
"Tôi biết các cô ghen tỵ là Marisa sẽ may áo cưới", mẹ Farid gào lại.
Trong một giây tôi quên mình đang ở đâu. Những bức tường xám xịt và những chiếc ghế của những người đến viếng chắn bia mộ và những chiếc lá cọ. Có thể nghĩ chúng tôi đang ngồi trong một phòng khách. Bố Farid và chồng cô thứ ba ngắt ngang cuộc tranh cãi, đến đứng sau lưng ghế vợ họ. "Thế còn quần áo thì sao? Có phải em định mang nó cho người trông nghĩa địa không?", bố Farid cố gắng chuyển đề tài.
Vợ ông thở dài, chán nản. "Em quên tiệt mất", bà trả lời. "Hãy hy vọng rằng em sẽ được tha tội!". Sau đó bà thì thầm gì đó vào tai chồng. Chẳng thấy ai nói gì bà hỏi: "Có ai muốn uống chè không?" Bà đi về phía cuối phòng nơi có chiếc bếp mà trước đó tôi không để ý. Vừa rót trà bà vừa hỏi, "Thế mọi người nghĩ thế nào về chuyện xây thêm lên nhà mộ? Một phòng nữa chẳng hạn, một cái bếp nhỏ, một phòng tắm?".
Không ai trả lời. Họ đang bận mải với những câu chuyện của riêng họ. Bà nhắc lại, "Chúng ta cần phải mở mang nhà mộ. Ông Farid đồng ý rồi. Còn các cô thế nào?".
"Mở mang!", một cô chế giễu. "Nghe chị nói người ta sẽ tưởng nhà mộ là nhà ở đấy!".
"Điều tôi định nói là", mẹ Farid chữa, "là chúng ta phải mua một khu hầm mộ bỏ hoang khác".
Một cô khác nối lời ngay: "Và để cho người thân chúng ta nằm cùng những người lạ? Có hoạ là điên!".
"Tôi định nói là chúng ta phải mua một khoảnh đất khác, dù nó có xa chút ít".
Những giọng nói cao lên rồi trầm xuống. Các anh chị em họ Farid thì thầm với nhau vẻ khinh bỉ. Farid mang lại cho tôi một cốc trà. Trong lúc đó mẹ anh tiếp tục càu nhàu hỏi: "Mọi người nghĩ thế nào?".
"Thế nào à?", cuối cùng thì một cô cũng trả lời, "Chẳng ai có tiền bỏ ra cho nhà mộ và những chuyện tương tự cả, đó là điều chúng tôi nói".
Mẹ Farid thở ra chiến thắng: "Nhờ ơn Chúa, Farid có một công việc rất tốt, và...".
Tôi bối rối nhìn Farid, anh đang gật đầu giống như khi người ta cần sự giúp đỡ. Anh nói vẻ ngượng ngùng, "Tại sao mẹ lại phải nói chuyện này ra thế?".
Chắc qua câu nói này mẹ anh phải cảm thấy anh đang về phe với các cô chống lại bà nhưng bà tiếp tục, "Mẹ định nói là Chúa cho con đủ tiền để mua một khu nhà mồ mới".
Bà dường như đang thu thập sức lực từ sự im lặng của anh. Lúc này trông bà như con mèo khi đã đuổi được con chuột vào góc. Nhưng cái nhìn khinh bỉ của những người đàn bà khác làm biến mất vẻ chiến thắng của bà. "Chúng tôi biết chuyện chị rồi", họ có vẻ như nói vậy. "Chị muốn khoe với bạn bè chị rằng chị mới có một khu nhà mộ mới. Một cái biệt thự hẳn hoi! Một biệt thự ba tầng cầu thang tuyệt đẹp và cổng sắt".
"Các chị có bao giờ thấy ai đi thăm mộ gia đình và gần như ngồi lên trên mộ không?", mẹ Farid hét lên. "Chúng ta phải có những phòng riêng để ngồi".
"Chúng ta thường ngồi ở chính nơi mà chị cho người trông nghĩa địa dùng", một cô ngắt lời bà.
"Ít nhất thì cũng chỉ có ông ta và vợ", mẹ Farid phản đối. "Rõ ràng như thế tốt hơn là cả một gia đình nào đó vào đây, bọn trẻ con thì trèo lên bia mộ như khỉ và sau đó không thể đuổi chúng đi được?".
"Thế có gì không phải trong việc chôn ngoài sân?", một cô tiếp tục bằng giọng cao hơn. "Chị không cần phải ở trong phòng".
"Cụ chị thích được chôn ngoài vườn, đó là chuyện của cụ", mẹ Farid hét lên, "Tôi và gia đình của tôi muốn được chôn ở trong hầm mộ!".
Bằng giọng thì thầm như tiết lộ bí mật, bố Farid nói, "Nghe tôi nói đây! Giá đất đang lên. Người ta còn định sống trong những ngôi nhà mồ như thế này. Và dù sao đi nữa, có gì không phải trong việc gia đình ta có được cái tốt nhất?".
"Em biết vậy", em ông trả lời. "Nhưng có hợp lý không khi anh trả tiền còn chúng em thì đứng khoanh tay? Anh biết đấy, bọn trẻ đang đi học, phải trả tiền hàng tháng và còn bao thứ khác nữa...".
"Tôi thì thế nào cũng được", chồng cô nói.
Sự chen ngang của ông dường như kích động mẹ Farid và bà đập lại, "Dù sao thì vợ ông cũng sẽ không được chôn ở đây đâu. Cô ấy sẽ đi cùng gia đình ông".
Vợ ông tảng lờ bỏ qua bà và nói, "Nhìn xem! Nhìn xung quanh xem! Ngôi nhà mồ này khá to. Chị không thể gọi nó là nhỏ được!".
Nhưng bà trả lời ngay bằng một câu làm tôi choáng giống như bị một cú đấm. Bởi tôi không thể tin được một gia đình lại có thể gào thét, cãi nhau bên trên nấm mộ thanh bình giữa lúc cần phải nghiêm túc. Tôi nói với bản thân có lẽ đây là một câu chuyện đùa, và dù sao, nó cũng chẳng liên quan gì đến tôi, thậm chí cả khi Farid trả tiền.
Đứng giữa phòng, mẹ Farid tuyên bố, "Không! Không to như chị tưởng đâu. Tôi ở đây, đây là chỗ cho chồng tôi, giờ đây Farid đang chuẩn bị thành hai, rồi sau đó là con nó".
Những lời của bà làm tôi hoảng sợ. Cái chết đã không còn xa như trước đây nữa. Tôi chưa bao giờ nghĩ về nó. Giống như một đứa trẻ con, tôi nghĩ nó là cái gì đó không xảy ra với mình. Cố gắng đùa, tôi nói, "Liệu chúng con có phải lo cho cái chết không khi mà chúng con còn chưa cưới?".
"Chúng ta đang nói rằng giá cả cứ tăng", bố Farid cắt ngang, bám vào lý do cũ.
Tôi biết mọi ánh mắt đang dồn vào tôi, đặc biệt là các cô, van xin tôi cứu họ khỏi nanh vuốt mẹ Farid. Nhưng tôi không có sức lực dù là để cứu chính bản thân mình và tôi thả mình vào ý nghĩ kinh hoàng rằng một ngày nào đó tôi sẽ nằm đây, trong căn phòng này, dưới một cái bia mộ giống thế này, một cái khác bên cạnh cho Farid và mỗi cái khác cho những đứa con của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều sẽ kết thúc ở đây và cháu chắt chúng tôi sẽ ngồi như thế này, uống chè, bàn cãi, ăn thanh trà.
Đám đàn ông cao giọng lên, hòa cùng giọng với những người phụ nữ và họ đưa tôi trở lại thực tại. Farid cứu tôi, cầm tay tôi trong đôi tay mềm mại của anh, và tôi lẩm bẩm, "Thật là rồ dại khi nghĩ về cái chết vào lúc này!".
Tôi không biết làm sao mẹ Farid có thể nghe được điều tôi nói; tôi hầu như không nghe thấy, nhưng bà nói ngay, "Cuộc sống chúng ta nằm trong tay Chúa".
Điều này làm tôi nổi giận, không nhận thức được điều mình nói, giống như đứa trẻ phản đối chỉ để phản đối tôi nói lại, "Cháu không muốn bị chôn ở đây!".
"Cháu không có sự lựa chọn nào khác", bà trả lời. "Khi cháu trở thành thành viên của gia đình, đó là điều cháu phải làm! Thậm chí cả gia đình cháu cũng sẽ không đồng ý chôn cháu cùng với họ đâu".
Tôi cảm thấy như bà đang chuẩn bị đắp đất lên người tôi, "Không!", tôi thét lên. "Không!" Tôi đứng bật dậy và chạy ra cửa. Mẹ Farid không hề phản ứng gì thậm chí cả khi Farid giữ tôi và nói vẻ trách móc. "Bây giờ thì mẹ thấy sung sướng chứ?".
"Con trai yêu quý, cô ấy phải hiểu rằng ai sống cùng chúng ta thì cũng phải chết cùng chúng ta", bà nói.
Tôi giật ra và chạy. Anh chạy theo tôi. Ra ngoài, đến khu đất trống giữa nghĩa địa tôi dừng lại thở và dựa vào một bia mộ để buộc chặt lại đôi xăng đan. Bọn trẻ con chơi bóng ở đây, không để ý đến lời quở trách của mẹ chúng và những người phụ nữ đứng tuổi đang ngồi nghỉ sau công cuộc nấu ăn. "Những người chết phải điên lên vì bị kích động ở dưới này".
Cuối cùng thì tôi cũng trấn tĩnh lại, có thể là do hình ảnh cuộc sống thường ngày này, hay bóng lướt qua của một con chim thả mình bay vút vào khoảng không đẹp đẽ làm lãng quên hết những gì đang xảy ra dưới này. Chúng tôi dừng lại bên chiếc xe. Tôi biết chúng tôi sẽ phải chờ gia đình anh. Tôi cảm thấy muốn được giải thoát khỏi tay anh đang nắm chặt tay tôi. Tôi quay mặt đi, ngắm những vệt vôi đang khô, chiếc bát nằm trên một ngôi mộ, chiếc nồi ở trên một ngôi mộ khác, cứ như đó là cái bàn vậy, và những chủ nhân của nó – những nạn nhân của việc khủng hoảng nhà ở đi đâu đó, bận rộn với công việc của họ. Tôi nhìn những người ngồi xổm trong những ngôi nhà mồ bị bỏ hoang, hay họ thuê với giá cứ tăng mãi, hay đơn giản những ngôi nhà mồ thuộc sở hữu gia đình, và họ biến đổi nó cho thích hợp với cuộc sống của họ. Tôi nhìn thấy tivi, đài. Thế mà mẹ Farid muốn một chỗ to hơn cho ngôi mộ của bà.
Khi tôi nhìn thấy mẹ Farid, bố anh và cô em gái hiện ra ở phía xa, tôi cảm thấy như nghẹt thở. Vậy ra chúng ta là một gia đình, sống cùng nhau, chết cùng nhau?
Chắc bố Farid đã nói với vợ giữ im lặng vì bà không nói một lời nào từ khi bà bước vào xe. Em gái anh cố gắng gây hòa bình với tôi, và kể cho tôi nghe về một người bạn của cô ta là nhà xã hội học đang tiến hành một nghiên cứu về những người sống bên cạnh người chết. Cô nói về chuyện những người phụ nữ vui mừng như thế nào khi có một đứa trẻ sinh ra và họ bất chợt trở nên câm lặng khi phát hiện thấy một đám ma đang đến gần. Tiếng ầm ĩ vui vẻ của họ biến thành tiếng kêu thảm thiết trong khi những người đàn ông vội vã đi tìm xem có tiếng nhạc từ ngôi nhà mồ nào không, hay nơi nào đang bật đài để họ có thể tắt nó đi. Ngay khi tang lễ xong xuôi, cuộc sống lại trở về bình thường.
Nhưng tôi vẫn im lặng. Bị bao vây giữa những giọng nói ầm ĩ của họ, tôi cảm thấy mình giống như con kiến tôi phát hiện thấy ở nền ngôi nhà mồ. Nó đi lang thang không cố định, không biết rằng nó có thể bị giẫm chết bất cứ lúc nào. Tôi hiểu rằng tôi đã thay đổi ý định về chuyện hôn nhân, và tôi muốn ra khỏi xe ngay bây giờ, trước khi bị mẹ Farid làm cho ngạt thở. Tôi nhìn thấy hình ảnh các cô giống như ba mụ phù thủy chuẩn bị trao tất cả chúng tôi cho quỷ.
Tôi nghĩ tôi sẽ nói với Farid rằng lý do làm tôi thay đổi quyết định về chuyện cưới xin chẳng liên quan gì tới nhà mộ hay nơi tôi sẽ bị chôn. Ngược lại, tôi thích những chuyện nổi loạn, và bản thân nghĩa địa cũng giống như một nơi lễ hội. Dù sao, tôi cũng không muốn cô đơn khi tôi còn đang sống.
Sau đó tôi lại nghĩ lại về câu cuối cùng này. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cảnh gia đình trong hầm mộ, và những giọng nói của họ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Tôi quyết định thử yêu thích việc được đơn độc một mình, dù khi còn sống hay khi đã chết.
ĐẶNG TUYẾT ANH dịch
HANAN AL SHAYKH (nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Đồng thời, đã in trong Tuyển tập 29 truyện ngắn nữ thế giới, người dịch Đặng Tuyết Anh, Nhà xuất bản Lao động, 2002



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét