Annie
Saumont
Annie Saumont đã in sáu cuốn tiểu
thuyết và mười hai tuyển tập truyện ngắn. Bà đã hai lần nhận giải thưởng Goncourt,
lần thứ nhất năm 1981 và lần thứ hai năm 1990. Bà còn dịch nhiều tác phẩm từ
tiếng Anh sang tiếng Pháp. Hiện bà sống tại Paris.
Sương
mù phủ trên mặt sông. Giống như một tấm màn đăng ten mỏng. Bạn có thể nhìn thấy
những dòng chảy hình thành. Những dòng chảy nhẹ nhàng.
Nước
chậm rãi trôi ra biển.
Nhưng đầu tiên, dòng sông chảy dọc
theo hết cánh đồngnày đến cánh đồng khác, dọc theo những vườn rau, sau đó qua
một cây cầu đá nhỏ có vòm cong bên trên đã bị rêu phủ xanh.
Những con chuồn chuồn bay trong
không khí, bay qua những đám cây xanh trong buổi sáng có phần hơi lạnh lẽo,
trong buổi bình minh cuộc đời chúng, cuộc đời chỉ bằng một ngày của đời người.
Con người không tức giận. Con người vui vẻ dễ chịu, con người đang nghỉ ngơi
khỏi công việc vất vả, nghỉ ngơi trong suốt quãng đời một con chuồn chuồn.
Khi nào thì lũ chim đang mổ những
hạt ngũ cốc vương vãi lung tung quanh chiếc bình đất nung sẽ ăn hết những gì
trong đó? Chúng vừa xù lông, lắc mình rồi bắt đầu nhảy lách tách xung quanh thì
một ngọn gió nhẹ làm đổ cái thang.
Một ngọn gió nhẹ. Sau đó là
sự im ắng. Trên tít bầu trời cao, giữa những đám mây có một vệt vàng.
Nhưng đó là trước kia. Đó là hôm Chủ
nhật. Người lớn đã đi lễ nhà thờ về. Và không khăng khăng đòi tất cả phải dạy
sớm để đi cùng. Còn bây giờ, vào lúc khoảng mười một giờ mẹ nói:
- Trời đẹp quá, đi píc níc được đấy. Danilo, giúp mẹ xếp túi nào!
Trên
mặt bàn đã có bánh mì và pho mát, hoa quả và những lát thịt ướp.
- Danilo, đưa cho mẹ con dao!
- Danilo, đừng có mơ màng nữa nào, mở hộp mỡ lợn ra!
- Đừng có chùi ngón tay vào quần như vậy!
- Nào! Con còn có thể đưa mẹ cái này nữa. Rồi chúng ta sẽ đem đi.
Bố bảo:
- Nào! Xem con khỏe như thế nào, chàng thanh niên.
Chiếc làn nặng trĩu thức ăn nhưng trong lòng chúng tôi thật thanh bình.
Khi đi dọc theo bờ sông họ nghe thấy
tiếng lá cây rì rào, tiếng cười khúc khích của ai đó và những lời thì thầm. Mẹ
bảo đó là Wara tóc dài sống trong ngôi nhà màu xám. Còn bố nói đấy là Terzine,
anh ta từ nơi khác đến, là con trai người làm thuốc lá. Mẹ nói:
- Đi khỏi đây đi! Nhẹ nhàng thôi để không quấy rầy họ.
Bố bảo: - Như thế sẽ dạy họ phải cư xử đúng đắn hơn ở những nơi công cộng.
Mẹ nói: - Bờ sông không phải là nơi công cộng.
Mẹ nói đúng, vương quốc này chẳng thuộc về riêng ai nhưng ai cũng bí mật
chiếm đoạt nó. Mẹ nói: - Chúng ta hãy đi thêm một đoạn nữa! Ở đây có đủ chỗ cho
tất cả mọi người mà.
Danilo không ngại đi tiếp nhưng cái
làn nặng quá. Cậu bực bội kêu ca. Bố nâng cậu lên, đặt xuống vai mình. Cánh tay
to khỏe sạm màu nắng gió của bố giữ cậu. Mẹ kêu lên:
- Chờ em với! Em bị tuột mất chiếc
xăng đan.
Đó là hôm Chủ nhật. Đó là trước kia.
Suốt cả tuần ở trường học Danilo ngồi cạnh Mirela, cô bé từ bên kia sông. Một
chiều, sau giờ học, Danilo ngồi nói chuyện với bà ngoại. Cậu kể với bà và cậu
không thể đừng được. – Chờ đã! Bà đang làm cháu phát rối đầu. Terzine có Wara
của anh ta, đúng, và họ bí mật hôn nhau, đúng, vậy thì chẳng có gì là ngạc
nhiên nếu Danilo có Mirela của mình. Đó là cuộc sống, đó là điều bình thường.
Khi nào lớn lên thêm chút nữa chúng sẽ hôn nhau bên bờ sông. Chỉ nghĩ về chuyện
đó cậu cũng nóng bừng cả người lên, cảm thấy sợ hãi. Bà bảo:
- Đừng nghĩ về chuyện đó! Ngồi xuống
ăn súp đi! Rồi sau đó ăn bánh pútđinh. Không, không phải bánh nhân táo hái
trong vườn đâu. Một cái đặc biệt cơ, một điều bất ngờ.
- Bà! Cháu biết rồi – Danilo nói và
cậu thật mừng thấy mình vẫn còn là trẻ con.
Mẹ cầm đôi xăng đan trong tay, đi
chân đất qua cánh đồng. Bố nói mẹ thật là ngốc nghếch. Bố bảo ở đây có rắn. Danilo
không tin rắn dám tấn công đôi chân xinh dẹp của mẹ vào một buổi sáng đẹp trời
như thế này. Danilo thì thầm hát và kéo tóc bố. Ôi, chẳng mấy chốc đầu bố sẽ
trọc sạch, hói như quả trứng, bố nói.
Họ lại nghe thấy tiếng cười lặng đi của một Wara khác trong cánh đồng cỏ
cao phía sau rừng cây, rồi âm thanh giọng cao của một Terzine khác giờ đây đã
đứng lên. Họ dõi theo anh ta đi đến bờ sông và anh ta hét lên, chẳng vì lý do
gì, chẳng với ai cả. Có lẽ với một ai đó trong tầm nghe ở bờ bên kia.
Một đám cây. Một hàng rào thơm ngát. Một con đường vươn tới cây cầu và ở
phía cuối con đường, trên một con dốc là cánh đồng cỏ ba lá. Mẹ tuyên bố không
cần tìm nơi nào xa hơn nữa. Lúc đặt cả Danilo và chiếc làn xuống, bố nói, chẳng
mấy chốc bố sẽ không thể cõng con được nữa, con đã gần thành đàn ông rồi. Mẹ đã
kịp trải mảnh nilông to xuống dưới bóng bụi cây.
Nhưng đó là trước kia.
Trước kia, khi bầu trời xanh và con sông hiền hòa, khi chiếc làn píc níc đựng
đầy thức ăn, họ ăn những thứ trong đó, biết rõ rằng tuần sau họ lại có cái để
chất đầy làn.
Khi Wara chờ Terzine và thấy Terzine đi qua cây cầu thì mẹ cười. Hãy nhìn
xem, họ yêu nhau biết bao. Còn bà vui vẻ tuyên bố rằng bà hy vọng sẽ sống lâu
để đến dự đám cưới và múa với đám thanh niên dưới âm thanh những cây vĩ cầm vào
một ngày Chủ nhật, khi con gái người coi rừng lấy con trai người làm thuốc lá.
Một hôm, đó là trước kia, một hôm Chủ Nhật, bố nói điều mà lẽ ra bố không
nên nói, bởi mẹ trở nên bực mình, nhăn mày và miệng mím lại, cơn giận dữ hiện
lên trong mắt. Mẹ thường bình tĩnh và dịu dàng. Bố nói rằng ở bên kia sông
không giống như bên này. Họ không phải là họ nữa. Mẹ phản đối. Thật là những
chuyện vô lý, phải không? Liệu có phải cụ nội cũng từ bên kia sông đến, từ nơi
mẹ nói, một nơi nào đó trong số những nơi tổ tiên của mẹ từng ở? Bố nhún vai.
Bố bảo, Ừ! Bố chỉ bảo, Ừ!
Nhưng khi người ta tập hợp trên quảng trường trước cửa nhà thờ và nói những
bài phát biểu buộc tội những người phía bên kia sông xử sự như đám mọi rợ thì
bố cũng lại ừ. Mẹ và bà ở nhà. Bố quyết định rằng những chuyện này không phải
chuyện của phụ nữ. Ông cũng ở nhà, để không bỏ qua buổi chợp mắt mỗi sáng. Bố
đã ra lệnh.
-
Còn con, Danilo, con ra vườn rau tỉa thưa
luống củ cải cho bố!
Danilo ăn ba củ cải, sau đó cậu trèo qua hàng rào, đi qua các phố tới quảng
trường. Ở đó cậu nhìn thấy những người đàn ông đang nổi giận, mặt họ đỏ bừng
bừng giận dữ. Bố là người mặt đỏ nhất và giận dữ nhất. Ông đang giơ giơ nắm đấm
về phía những người chống đối.
Nhưng dù sao đó cũng là trước kia.
Trước kia, khi mà Terzine thường hay qua sông để gặp Wara. Khi Terzine háo
hức mong được ôm War trong vòng tay, vì thế anh thường chạy như điên theo bức
tường chắn. Cô đi về phía anh, đón anh ở giữa đường. Wara, với đôi chân dài,
nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, thường chạy nhanh bằng người đàn ông trẻ tuổi của cô,
hay đó chính là Terzine luôn cố tình chậm lại để họ gặp nhau giữa cầu, dưới sự
che chở của thiên thần có đôi cánh dang rộng. Hai kẻ đang yêu ôm nhau trong một
cái ôm dài không dứt. Những người khác đi ngang qua chỉ cười. Họ cười và cúi
xuống hay đưa mắt đi nơi khác.
Đó là trước kia.
Cuộc tập hợp đã phá tan mọi thứ. Những lời nói ra đã ngăn chia vùng quê làm
hai, vùng quê mà thực sự chưa bao giờ bị con sông chia cắt. Kể từ khi có cây
cầu. Và người ở bờ bên này thường hay trồng cấy lúa mì, tìm tình bạn, tình yêu
ở bờ bên kia. Những lời nói ra trong cuộc tập hợp là những lời nói của sự thù
ghét, giận dữ. Cho đến tận bây giờ, chúng chưa bao giờ được bất cứ bên nào sử
dụng; những từ đó trước kia chỉ có thể tìm thấy trong sách vở. Và bây giờ, bỗng
nhiên chúng được nói ra, hét lên, gào lên, và mỗi người đều hiểu rằng sẽ chẳng
có gì giống như trước kia được nữa.
Nhưng đó là trước kia.
Trước khi các nòng súng săn xuất hiện. Và sau đó là súng trường. Rồi súng
canon. Trước khi những vỏ đạn san phẳng chỗ vòi nước, những viên đạn găm lỗ chỗ
những bức tường và mặt trước các tòa nhà. Bố cứ nhắc đi nhắc lại mãi, - Tôi đã
bảo mà. Bọn bên kia sông luôn luôn là lũ độc ác.
Mẹ bảo bố không có quyền đưa ra những lời nhận xét như vậy. Chỉ đổ thêm dầu
vào lửa thôi. Ai ai cũng đang mụ người đi. Cả trong lời nói và hành động. Chính
chiến tranh đã gây nên những thay đổi như vậy. Trong lớp học bàn ghế bỏ không,
những chiếc bàn của bọn trẻ đến từ bên kia sông, khi cây cầu vẫn chưa nằm dưới
làn đạn của cả hai phía như bây giờ. Mirela không đến trường nữa. Danilo nói với
mẹ điều đó vì Mirela là bạn gái của cậu. Mẹ bảo Danilo sẽ gặp lại cô bé khi
chiến tranh kết thúc. Mẹ cười, nhưng đó là nụ cười gắng nén không cho nước mắt
trào ra. Và mẹ cố chặn những dòng nước mắt cứ chực trào ra. Trong lúc gọt rau
bà cũng khóc. Và bà lau đôi mắt bằng chiếc khăn dùng khi uống chè.
Mẹ bảo rằng Wara chẳng thể nào gặp được Terzine nữa. Những người lính ngày
đêm canh giữ cây cầu và những chiếc thuyền nên Terzine và Wara chẳng có cách gì
trao đổi được với nhau. Đầu tiên, họ cố gắng hét lên với nhau những lời âu yếm,
họ hét to đến mức nghe như cãi nhau. Sau đó thì Wara không nói nữa. Đôi khi,
môi cô động đậy, nhưng chẳng có lời nào thốt ra được.
Danilo muốn kể cho Mirela biết rằng cậu đi câu nòng nọc trong những vũng
nước sót lại sau trận mưa trong khu mỏ. Ở đó đầy những con nòng nọc. Cậu bắt
mấy con rồi thả vào cái lọ. Khi nào Mirela quay trở lại thì chúng đã biến thành
ếch rồi. Cậu và Mirela sẽ làm một chiếc thang con bằng những cành cây nhỏ cho
lũ ếch. Bọn ếch sẽ mang lại thời tiết ấm áp.
-
Ngày hôm qua lẽ ra phải là ngày cưới của họ.
Terzine và Wara. Mẹ nói, giá họ làm lễ cưới ngay đừng trì hoãn. Mẹ bảo với bố,
Làm sao bây giờ? Anh nhìn thấy bụng Wara chưa?
Bà đang đan, mày nhíu lại. Danilo đi đến bên bà và hỏi, Bố đã nhìn thấy
bụng Wara chưa? Bà cau mày, đánh rơi chiếc kim đan. Bà lại nhặt nó lên rồi bảo:
- Cháu đừng hỏi những câu ngớ ngẩn thế.
Trong khi phơi những tấm khăn trải giường dưới mái nhà của khu nhà giặt bên
sông, giữa những cây cao, Wara thường hay hát. Cô hay cười. Nhưng đó là trước
kia.
Cây bách xù có mùi giống như mùi cây bạc hà. Không, mẹ nói, chúng có mùi
riêng của mình, mùi đặc trưng của chúng là mùi ấm áp của tháng Sáu. Danilo
cương quyết bảo vệ rằng chúng có mùi giống như mùi cây bạc hà mọc bên kia sông.
Bà bỏ đi và nói rằng cậu đang mơ, cậu đang tưởng tượng.
Wara không còn giặt bên bờ sông nữa. Cả Wara, cả những người phụ nữ bên kia
sông, cả những người phụ nữ vẫn hay đi ngang qua con cầu theo sau con lừa chất
đầy những thứ cần giặt giũ, ghế quỳ và chày. Mẹ bảo Danilo: - Con đừng đi ra
gần sông!
Bà nói, - Cháu đừng đi lung tung đấy. Bà sẽ kể chuyện cho cháu nghe.
Ông đằng hắng và thở dài.
Ông đằng hắng và thở dài.
Bố rủa, - Cái lũ con hoang bên kia sông.
Mẹ nói, - Họ đã từng là bạn của chúng ta.
Wara nhìn thẳng về phía trước. Wara trở nên rất kỳ dị, mặt cô gục xuống
trên cái bụng to. Bây giờ Wara chẳng cười nữa. Ở trường, chỗ ngồi cạnh Danilo,
nơi Mirela vẫn ngồi giờ đây bỏ trống. Về nhà, Danilo mở nắp chiếc lọ và thả lũ
nòng nọc đi. Mẹ nói lũ nòng nọc sẽ chết nếu cứ bị giam cầm mãi.
Có những người đã chết. Những người cô gắng vượt sông. Vẫn còn cây cầu qua
sông nhưng nó chẳng còn phục vụ cho mục đích gì nữa cả. Có những người nằm trên
cỏ và bùn dọc theo bờ sông. Những thi thể mà những người sống bờ bên này và bờ
bên kia đến đêm sẽ đến và mang đi.
Bụng Wara đầy máu. Mẹ bảo Wara đi ra bờ sông để hét lên cho Terzine biết
con họ sắp ra đời và Terzine phải có mặt ở đó để ôm nó và đặt tên cho nó. Wara
nói đứa trẻ sẽ tên là Danilo. Giống như tên con, mẹ bảo vậy. Danilo, cái tên mẹ
thích. Terzine không trả lời. Wara đứng hơi lâu bên cạnh ngôi nhà giặt. Một quả
đạn nổ giữa những cây bách xù.
Nơi người ta chôn Wara cùng với đứa bé trong bụng là ở cuối cánh đồng cỏ,
chỗ mẹ làm tuột chiếc xăng đan vào hôm Chủ nhật, khi chúng tôi đi píc níc. Họ
phải chôn Wara ở đó vì đạn thường nổ ngay nghĩa địa, đào đất lên, bật tung
những ngôi mộ. Mẹ bảo, thật là một thời kỳ khủng khiếp cho đất nước chúng ta.
Bố nói, nước mắt chẳng thay đổi được điều gì cả. Danilo hỏi khi nào thì Mirela
sẽ lại đến, và bố trả lời, - Khi nào lợn bay, khi thế giới trở nên trung thực,
khi thợ cạo không lấy tiền cạo râu, khi chúng ta giết hết bọn phản bội.
Mẹ hét lên.
-
Trời ơi ! Anh không thấy xấu hổ với
bản thân mình à!
Bố thôi không nói nữa và lẩm bẩm một mình.
-
Có thể, một ngày nào đó, sau một khoảng
thời gian rất dài nào đó.
Ông đang ngủ. Ông ngồi bên bàn, đầu gập trong đôi tay. Bà ngừng đan. Bà
đóng cánh cửa sổ nhìn ra sông và lén kéo rèm cửa lau mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét