10 tháng 8 2024

HÀNH TRÌNH CON GÁI HỌC ĐẠI HỌC_02_VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

Do cố tìm mua vé rẻ hơn và cũng do tính toán có đôi phần nhầm lẫn, con gái dự kiến bay sang đến nơi từ tối 5/8, trong khi 7/8 ký túc xá mới chính thức mở cửa đón sinh viên. Rất may chỉ sau một lá thư yêu cầu thì con gái được cho vào ký túc xá sớm, từ ngày 6/8. Tuy nhiên, vì chuyến bay hạ cánh tối muộn ngày 5/8 nên vẫn cần có người đón và tìm nơi nghỉ cho đêm đầu tiên đó. Ban đầu dự kiến con gái của cô Tâm sẽ đón và cho con ngủ nhờ một tối, nhưng do đến gần phút cuối mới nhờ nên con gái cô không thu xếp được. Hai mẹ con tìm hiểu thêm và được biết có một loạt khách sạn gần trường, liên kết với trường hẳn hoi và con có thể nghỉ lại đó đêm đầu tiên. Đã tưởng được thở phào nhẹ nhõm thì đến lúc tiến hành đặt phòng mới biết người check-in vào phòng phải trên 21 tuổi. Thật may đến phút cuối cùng bạn con nhờ được người quen sinh sống ở đó ra sân bay đón, đưa con về khách sạn và check in hộ để con có phòng nghỉ. Máy bay bị muộn, quá nửa đêm con mới về đến khách sạn. Khi đó mẹ mới thực sự thở phào con đã sang đến nơi an toàn.

Con gần như là người đầu tiên vào ký túc xá. Một căn phòng nho nhỏ dành cho ba người với ba chiếc giường chân cao như giường tầng, phía dưới gầm giường là bàn học. Trong phòng chỉ có chiếc bồn rửa mặt, khu vệ sinh và nhà tắm dùng chung với các phòng khác. Học sinh chưa đến, canteen chưa mở cửa, cả khu vắng ngắt vắng ngơ. Thật may mẹ nhắc và con gái mua một bộ ga gối Everon mới mang theo, cả mấy món thú bông nữa nên giường con trông khá ấm áp. Các bạn cùng phòng đã hẹn nhau từ trước rằng sẽ mua tủ lạnh, lò vi sóng, gương, trang trí phòng..., nhưng vì hai bạn cùng phòng chưa đến, đồ đạc chưa có gì, nên ngày đầu tiên đó con thậm chí chẳng thể đun nước nấu một món ăn liền mang theo. Kèm theo đó là cảm giác buồn chán, vậy nên con gái bảo con chẳng thấy đói, cũng chẳng muốn ăn gì. Mẹ nhớ lại cảm giác của mình khi đặt chân xuống nước Anh gần 20 năm trước, cũng là sự chán nản tột độ, kèm theo nhớ con gái bé bỏng khi đó mới vừa tròn một tuổi đang ở nhà với bà. Mẹ nhớ lại mỗi khi nhìn thấy trẻ con là mẹ nhớ đến con và nước mắt trào ra, ước giá được lên máy bay quay thẳng về Việt Nam. Con gái kêu ca về việc nhà vệ sinh dùng chung, về việc đồ ăn rất chán, bảo "như đi đày." Động viên con mà mẹ thương con vô cùng. Bảo con cố gắng ít bữa là sẽ quen, rồi chỉ vài tháng nữa con có thể về nhà trong dịp nghỉ đông.

Cái ngày đầu tiên dài dằng dặc đó rồi cũng qua. 7/8 là ngày chính thức nhập trường và các con được phát đồ ăn tạm - hamburger, bánh ngọt... Con gái đã đi mua được một số món đồ cần thiết - ấm đun nước, mắc áo, ruột chăn, gối..., và gặp được một bạn người Việt. Đời tươi hơn một chút 😊.

Đến ngày thứ ba thì mẹ yên tâm rồi. Con gặp gỡ các bạn cùng khóa, con tham dự các buổi giới thiệu về nhà trường, về chương trình học, về các cơ hội làm thêm... Con cho mẹ xem chương trình học và khoe chương trình hay lắm, có các việc làm thêm khá thú vị, con đang định nộp thế này thế kia, trường to và đẹp lắm... Con chụp ảnh bữa trưa cho mẹ xem, bảo có nhiều món lắm, ăn được, và quan trọng nhất là có rau. Con đã phát hiện ra một quán Hàn Quốc ở ngay cạnh ký túc xá, giá cả phải chăng, cũng như ở Việt Nam thôi và “tối con sẽ đi ăn ở đó, mấy hôm vừa rồi kham khổ quá.” Sau bữa tối nàng gửi ảnh âu cơm và bảo, "sao hạt cơm, miếng rau ngon thế!" Mẹ trêu nàng, đấy, giờ thì cảm nhận rõ đi Tây thì sống như ta, đến khi về nhà lại sống như Tây là thế nào rồi nhé :). Một bạn cùng phòng đã đến, vậy là con hết ở một mình.

Đi đến một đất nước xa lạ, bắt đầu cuộc sống mới thực sự không dễ dàng gì. Thật may con là đứa trẻ rất tự lập và đã có kinh nghiệm 2 năm rưỡi năm sống xa nhà nên con có thể dễ dàng làm quen với cuộc sống mới. Đến hôm nay, mới 3 ngày kể từ khi đặt chân xuống một nơi cách mẹ đến nửa vòng trái đất, có vẻ như con đã thu xếp cuộc sống của mình khá ổn thỏa, giờ chỉ còn chờ gặp cô giáo và bắt tay vào việc học.

Vạn sự khởi đầu nan. Con đã vượt qua cái “khởi đầu nan” này một cách khá nhẹ nhàng và mẹ tin chẳng mấy chốc con sẽ hoàn toàn quen với cuộc sống, khéo mà đến nghỉ đông lại không muốn về thăm mẹ ấy chứ.

Chúc mừng con gái với mỗi bước tiến trong chặng đường hứa hẹn còn rất dài này. Cứ đi rồi sẽ đến con gái nhỉ. Còn nhiệm vụ của mẹ là cày cuốc để trả tiền học cho con. Vì tương lai của con, mẹ không ngại điều đó đâu 😊.

Cùng các bạn trong những ngày đầu nhập học


06 tháng 8 2024

CHÚC MỪNG SINH NHẬT TUỔI 18 CỦA CON GÁI

 

Thế là con gái đã tròn 18 tuổi, một cột mốc quan trọng trong cuộc đời con. Khi con đi Hàn Quốc cùng dàn nhạc năm 2022 mẹ cẩn thận làm giấy ủy quyền cho chú L., sợ nhỡ gặp trục trặc khi xuất nhập cảnh. Đến năm 2023, khi con đi diễn ở Nhật Bản mẹ đã không làm giấy ủy quyền nữa vì đọc thì thấy ở tuổi đó không cần giấy ủy quyền, dù vậy trong lòng vẫn đôi phần lo lắng. Và vừa mấy hôm trước đây, ngày 1/8 khi con tiêm phòng một mũi vaccine bắt buộc trước khi đi Mỹ người ta còn gọi yêu cầu mẹ xác nhận vì con chưa đủ 18 tuổi. Vậy nên khi con bước qua sinh nhật tuổi 18 mẹ thở phào nhẹ nhõm, từ bây giờ trở đi các thủ tục sẽ đơn giản hơn nhiều, con hoàn toàn được tự do đi lại, quyết định nhiều vấn đề, thậm chí tự mua nhà cũng được ý chứ, nếu có tiền, và cả có quyền lấy chồng nữa, nếu muốn, hehe.

Tuổi 18 của con được đánh dấu bằng một năm nổi loạn, sôi động và đáng nhớ. Đó là một năm con miệt mài với các chương trình biểu diễn như suốt mấy năm nay vẫn thế và còn có phần bận rộn hơn. Dù mới là sinh viên năm 3 của nhạc viện nhưng con đã thực sự khẳng định được năng lực của mình và có khá nhiều lời mời biểu diễn. Phạm vi diễn của con dần mở rộng, không chỉ với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia mà còn cả những nơi khác, thậm chí đã có hôm chạy show với một cái giá rất ra gì và này nọ 😊.

Năm nay cũng là một năm cuối cấp bận rộn của con gái. Thực sự mẹ chẳng hiểu con học hành thế nào vì con nghỉ học đi diễn rất nhiều, vậy nhưng con đạt mọi yêu cầu cần thiết và hơn mong đợi khá nhiều. Ngoạn mục nhất có lẽ phải kể đến vụ đi thi và được giải ba học sinh giỏi cấp thành phố môn Địa, thi chứng chỉ IETLS và điểm thi tốt nghiệp đủ để vào một số trường đại học tương đối. Bên cạnh đó là vụ nộp hồ sơ du học, một việc mà các gia đình thường lên kế hoạch từ vài năm trước, bỏ rất nhiều công sức, thậm chí là tiền bạc để làm hồ sơ, hai mẹ con thì chơi chơi vậy thôi, tốn ít công sức nhưng kết quả phải nói là rất đáng tự hào.

Tuổi 18 con gái đã hoàn toàn tự lập. Đến những bước cuối cùng của việc đi du học – đăng ký phòng ký túc xá, mua vé máy bay, hẹn người đón ở sân bay bên kia... con đều tự làm. Không tránh khỏi có những điều không như ý, ví dụ như con muốn ở phòng đơn mà trường lại xếp cho con phòng ba vì con đăng ký hơi muộn, đường bay không thuận tiện lắm..., nhưng đó là một phần tất yếu để con trưởng thành. Mà việc con ở phòng ba cũng có những điểm lợi ý chứ, con sẽ dễ có bạn hơn, hiểu về cuộc sống bên đó tốt hơn.

Bận rộn với đám bạn bất tận và thường xuyên không ăn cơm ở nhà suốt cả tháng đó, buổi tối trước ngày sinh nhật con ưu ái dành thời gian cho mẹ và anh Tuấn, ba mẹ con hẹn bác Ánh đi ăn lẩu gà nấm. Nàng bảo không cần bánh và thổi nến. Cũng đúng thôi, hình như cả tuần nàng miệt mài thổi nến với hết nhóm bạn này với nhóm bạn khác, đến mức tối ngày sinh nhật nàng xin phép ngủ lại ở Hà Nội, hôm sau ngày sinh nàng triệu hồi mẹ đi xe sang Nhà hát lớn “mang đồ biểu diễn sang cho con và xách đồ của con về hộ”. Đồ của con hóa ra là 2 hộp bánh sinh nhật đều đã cắt dở và một bó hoa rất đẹp. Bà mẹ trợ lý ngoan ngoãn xách về và đến hôm nay, 4 ngày sau hôm sinh nhật của con, khi con đã đang hạ cánh “ở bển” rồi thì chỗ bánh đó vẫn còn non nửa 😊. Vì quá đau ví với các khoản chi chuẩn bị cho con đi học, mẹ chẳng mua cho nàng món quà nào mà bảo nàng rằng hình xăm đôi chính là món quà dành cho con nhân dịp sinh nhật. Chắc nàng hiểu mẹ.

Mẹ rời nhà sang Nga học khi 18 tuổi 5 tháng, còn con thì rời đi khi vừa tròn 18. Khi mẹ đi học như vậy điều hiển nhiên là phó mặc tất cả cho nhà nước, chỉ biết mơ hồ địa danh mình đến, chả rõ trường nào, ra làm sao, sẽ sống thế nào và khả năng về thăm nhà giữa kỳ hầu như là không có. Còn con bây giờ trước khi đi đã biết rất rõ ngôi trường, thành phố mình sẽ đến, thậm chí đã gọi là quen biết cô giáo và hai mẹ con có thể giữ liên lạc với nhau hầu hết thời gian trong chuyến bay của con. Vậy mà đêm con bay đi mẹ mất ngủ và chảy nước mắt mấy lần, nghĩ lại chắc hẳn khi mẹ rời nhà đi bà cũng khóc, cũng lo lắng nhiều lắm.

Những khó khăn mẹ phải đối mặt ở tuổi mười tám đôi mươi thực sự rất kinh khủng nhưng nó đã giúp mẹ trưởng thành, để bây giờ nhìn lại mẹ hoàn toàn có thể tự hào về việc mẹ đã vượt qua một chặng đường dài biết bao. Mẹ tin những khó khăn nho nhỏ mà con đối mặt ở tuổi 18 hôm nay cũng sẽ giúp con trưởng thành, vững vàng bước tiếp trong cuộc sống. Mong con gái một tuổi mới bình an hạnh phúc, nhưng cũng mong con luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách để từ đó trưởng thành hơn. Và luôn nhớ, dù mẹ chẳng “là cánh chim, đưa con đi thật xa” được, thì mẹ luôn ở phía sau, hết lòng yêu thương và luôn sẵn sàng hỗ trợ con. Yêu con gái của mẹ rất rất nhiều!


05 tháng 8 2024

HÀNH TRÌNH CON GÁI HỌC ĐẠI HỌC_CHUẨN BỊ VÀ LÊN ĐƯỜNG

 

Ban đầu, khi nghĩ đến việc con đi học xa vậy, một môi trường mới hoàn toàn, mẹ định đưa con đi. Chia sẻ với một cô bạn, cô ấy bảo, cậu đi làm gì, nó sang đến nơi đã có trường đón, sau đó vào ký túc xá ở ngay còn cậu không được vào ký túc xá. Đường xá không biết, cần mua bán gì cũng chả biết, cậu sang chỉ vướng chân nó chứ được tích sự gì, ở nhà cho tiết kiệm, bao giờ con bé thành thạo thì sang thăm rồi nó đưa đi chơi. Con gái cũng bảo, con tự đi được, làm sao mà phải đưa, con có người quen đón về trường rồi. Ừ, mà ở ngay trường đó thì mẹ con mình cũng có người quen, có thể nhờ vả được cơ mà. Vậy thì mẹ khỏi đi, đỡ được một khoản tiền tương đối ấy chứ. Tốt quá.

Vụ chuẩn bị giấy tờ để xin visa mất rất nhiều thời gian. Trong số những giấy tờ để xin visa có một biểu mẫu gọi là Form I-20 do nhà trường cấp. Ban đầu thì tài khoản của con trên trang web của nhà trường gặp trục trặc, không vào được để điền thông tin xin cấp Form I-20. Mất tới mấy tuần e-mail qua lại để xử lý, khi vào được rồi thì do đọc hướng dẫn không kỹ nên giấy tờ chứng minh tài chính không theo hình thức họ yêu cầu nên phải nộp lại. Tiếp theo, cũng vì không tìm hiểu kỹ nên mẹ điền vào mẫu đó số tiền nhỏ hơn một chút so với số tiền họ yêu cầu. Cứ mỗi một lần làm lại như vậy là 7-10 ngày chờ đợi họ phản hồi. Đến cuối tháng 6 thì mẹ thực sự sốt ruột, chỉ sợ con gái bị lỡ, không kịp làm visa để bay vào đầu tháng 8 như đã định trong khi vé đã mua rồi. Cuối cùng thì trước hôm con thi tốt nghiệp đôi hôm cũng nhận được form đó. Form xin visa đã điền, những giấy tờ cần thiết đã được upload lên, giờ bổ sung thêm form I-20 và bấm một nút là xong. Rất may dịp này lịch phỏng vấn visa không phải chờ lâu, con đặt được lịch phỏng vấn sau có hơn một tuần.

Mẹ dặn con gái chuẩn bị giấy tờ thật cẩn thận, dù nhiều khả năng họ sẽ chẳng hỏi đâu. Ngoài các giấy tờ cơ bản – hộ chiếu, giấy khai sinh, chứng minh tài chính... mẹ dặn nàng mang theo hợp đồng với dàn nhạc, brochure chương trình biểu diễn có tên con. Vừa phỏng vấn xong, con gái gửi tin nhắn báo cho mẹ ngay, con phỏng vấn có 5’ mẹ ạ. Con gái náo nức kể, ui cái anh đứng trước con một chút nói tiếng Anh hay cực, IELTS 8.0 vậy mà trượt visa, bạn đứng ngay trước con trên form I-20 điền mỗi năm gia đình hỗ trợ 100k. Cô phỏng vấn có vẻ rất ấn tượng với việc con học nhạc, đến cả bác đang phỏng vấn ở ô bên cạnh khi nghe thấy con trả lời con học trường nhạc, rồi học đàn harp cũng quay sang trầm trồ kiểu, ôi ngầu thế. Đến khi cô ấy hỏi ai sẽ chi trả chi phí cần thiết, con bảo mẹ, rồi cô hỏi mẹ làm ở đâu, con bảo mẹ làm ở Peace Corps thì con thấy cô ấy kiểu wow, thế là con biết con đậu visa rồi 😊.

Chỉ 2 ngày sau khi phỏng vấn thì con đã có visa cầm vào tay, trong khi nhiều người phải chờ cả chục ngày, thậm chí tới hai tuần. Là lá la la, giờ chỉ còn mỗi việc chuẩn bị lên đường thôi.

Mùa hè cuối cùng trong đời học sinh, con về nghỉ được vỏn vẹn 1 tháng trước khi bay, vậy nhưng lịch của con kín mít. Con chỉ có thể đi Sapa thăm bà trong vòng 3 ngày, thêm một hôm về bên nội và đôi hôm đi thăm họ hàng với mẹ. Thời gian còn lại con thường xuyên dành cho việc tập đàn và hẹn hò với đám bạn bất tận của con. Mẹ ngạc nhiên sao lại tập, con thi xong hết rồi mà. Cô giáo ở bên kia giao bài nên con phải tập từ bây giờ. Wow, vì học đàn một thầy một trò nên cô giáo chả chờ đến năm học đã giao bài cho con luôn. Bên cạnh đó là 3 buổi biểu diễn trong vòng 1 tháng nữa. Chả thế mà con gái ở nhà cả tháng nhưng những bữa con ăn ở nhà với mẹ đếm được trên đầu ngón tay. Một chiều thứ 6, nhân có một khoản thu nho nhỏ, cô con gái gửi cho mẹ 1tr, dặn dò mẹ và anh ra ngoài đi ăn tối, lát sau lại dặn thêm, nếu không thì mẹ mua gì ngon ngon về ăn nhé. Nàng cảm thấy có lỗi với mẹ đây mà. Mẹ trêu, con dùng tiền để đấm mẹ đấy à :P.

Đêm Chủ nhật bay nhưng tối thứ 7 con vẫn diễn cùng dàn nhạc trong chương trình Hòa nhạc Toyota. Nàng bận [với bạn bè :P] đến mức tối thứ 6 xin phép ngủ lại ở Hà Nội, sáng thứ Bảy gọi điện cầu cứu mẹ mang bộ váy diễn sang Hà Nội và mang hộ con một mớ đồ về, rồi diễn xong lại tót đi chơi với bạn, để lại túi đồ nhờ mẹ và anh mang về.

Mẹ không tránh khỏi những nỗi lo rất vặt vãnh trước chuyến đi xa của con gái, nhưng nàng thì vô tư lắm. Nàng đang quá vui vẻ ở Hà Nội nên chẳng hề náo nức đi, bảo phải đi thì con đi chứ con thích ở Việt Nam hơn. Nàng không muốn mẹ đưa sang đã đành, đến cả người đón ở bên kia nàng cũng không cần mẹ nhờ người quen, thậm chí nàng không muốn mẹ đưa tiễn ra sân bay luôn. Chỗ này thì hơi căng thẳng một chút, mẹ lo nhỡ có trục trặc gì phút cuối, nhưng cô con gái ra sức thuyết phục rằng chẳng có gì trục trặc cả, nàng đã đi rất nhiều lần (đúng), rằng nếu có gì trục trặc thì mẹ vẫn có thể phóng ra (cũng đúng.) Hóa ra nàng có một đám bạn rất đông đi đưa tiễn và nàng ưu tiên việc bạn tiễn. Mẹ thực sự cảm thấy đôi chút tổn thương nhưng đành đổ cho sự ương bướng của tuổi dậy thì và để con được tự do với đám bạn của mình. Ngoài điều bướng bỉnh đó thì nhiều khi nàng cũng đáng yêu lắm, nhất định chờ mẹ để hẹn gặp một đôi người bạn của mẹ mà con hoàn toàn có thể gặp riêng. Rồi đề nghị mẹ đi xăm một hình đôi cùng con. Vụ này đòi hỏi đôi chút dũng cảm nhất định của mẹ. K cho chị Anne nghe, chị bảo chị đang hình dung em rủ mẹ đi xăm hình đôi với em, thế là hai chị em phá lên cười. Em bé xăm hình cho mình bảo, chị là người lớn đầu tiên em xăm đấy. Wow, tự thấy mình cũng ngầu phết J.

Giờ thì con đã đi rồi. Trong lúc con ở ngoài sân bay hai mẹ con vẫn tiếp tục ý ới dặn dò, hỏi thăm nhau chuyện này chuyện kia. Trước giờ lên máy bay chút xíu mẹ chợt nhớ chưa dặn con về việc roaming nên gửi tin nhắn, nàng trêu mẹ, nhớ con quá không ngủ được à. Hình như thế thật. Dù con đã sống xa nhà mấy năm nay, nhưng chuyến đi này vẫn là một chuyến đi rất khác mà nếu muốn mẹ cũng không cách gì có thể bay ngay đến với con được như khi con ở Sài gòn. Nghĩ đến con gái, đến những năm tháng đã qua, những năm tháng sẽ tới, nước mắt mẹ ứa ra. Chỉ mong con một đời hạnh phúc và bình an. Dù không thể cho con mọi điều trọn vẹn, mẹ tin mẹ đã cố gắng hết mình và chắc hẳn con không trách mẹ nhiều.

Chuyến bay của con dài dằng dặc với hai chặng chuyển tiếp. (Chả hiểu đâu ra mà nhiều bạn thế. Ngày mai con có 8 tiếng chuyển tiếp ở sân bay Nhật và con đã kịp hẹn một người bạn đến đưa ra ngoài đi chơi một lúc.) Một cuộc sống hoàn toàn mới đang chờ đón con trước mắt. Rồi sẽ có những giây phút rất nhớ nhà và cả buồn chán nữa. Nhưng mẹ tin con sẽ vững vàng vượt qua tất cả. Chân cứng đá mềm con gái nhé. Chúng ta cứ bình thản đón chờ từng chặng đường, trước mắt là dịp nghỉ đông, rồi mấy năm học sẽ qua nhanh thôi. Yêu con gái thật nhiều!