16 tháng 12 2021

"CHỈ MỘT VÀI HÔM NỮA THẾ RỒI..."

 Sáng thứ Hai đầu tuần, lại trùng với lễ tang của nhạc sỹ Phú Quang. Mình vốn không cuồng, chỉ thích một số bài của nhạc sỹ, và về sau thì thích nghe thêm một số tác phẩm khí nhạc của ông, nhưng vì có một người bạn phương xa nhờ đặt hộ vòng hoa, nên quyết định đến tận nơi viếng ông, cũng là để đảm bảo vòng hoa được mang vào tận nơi một cách cẩn thận.

Đám tang khá vắng, nếu so với đám tang Nguyễn Huy Thiệp gần đây chẳng hạn, hay từ những cơn sóng trên mạng mấy ngày cuối, người ta có thể hình dung một đám tang chắc hẳn chen đặc người. Không hề. Từng đoàn nhỏ đi viếng, mọi người phần lớn đứng cách xa nhau, khoảng sân phía trước nhà tang lễ vắng vẻ. Hà Nội se se lạnh, bầu trời quang đãng, một bầu không khí lãng đãng như trong những bài hát của ông. Trong lúc chờ chị H.A đến để cùng vào viếng, mình đứng ở một góc xa, tiện thể thực hành bài tập quan sát mà ngày nào, khi đi tập huấn các cô giáo mầm non, tụi mình yêu cầu các cô cố gắng quan sát thật chi tiết. Rất nhiều vòng hoa, và nhiều vòng hoa rất đẹp, kết hoàn toàn bằng hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa ly…, nhưng cũng có những vòng hoa mà 9/10 nguyên vật liệu là nilon, giấy bóng kính các màu. Vòng hoa của chủ tịch nước là một trong số đó, vòng tròn bé xíu ở giữa được kết bằng hoa cúc và một bó hoa phía trên cùng được kết bằng hoa lan. còn lại tất cả là nguyên vật liệu tái sử dụng – trắng, đỏ và vàng đến lóa mắt. Tất nhiên lá thì là lá thật! Không rõ vòng hoa của chủ tịch nước là tiền riêng hay tiền ngân sách. Nhiều khả năng tiền ngân sách và chắc định mức chi tiêu cộng với việc bớt xén chỉ cho phép mua một vòng hoa như vậy. Nhưng mình nhớ lại, đã có lúc này lúc khác mình bù tiền túi vào khoản định mức để đặt những vòng hoa cẩn thận khi đi viếng.

Rất nhiều người nổi tiếng đến viếng. Người nổi tiếng được xướng tên là ca sỹ, nghệ sỹ này nọ. Và khá thường xuyên mình được nghe xướng tên những nhân vật mà khi ghi vào tờ đăng ký viếng người ta không quên nhét vào đó đầy đủ học hàm, học vị, chức danh…, nhiều chức danh giờ chỉ còn là “nguyên”. Chị H.A sau đó cười bảo mình, đi viếng đám tang và đọc sổ tang luôn là một điều thú vị, hôm nay tao liếc qua thấy có một người viết vài dòng mà rõ ràng cho thấy mối quan hệ chả thân thiết gì, nhưng bên dưới chữ ký thì dằng dặc chức danh người đó, rồi lại có người viết, thương em quá mong em được bình yên, kakaka. Khi chuẩn bị đọc điếu văn, phần lớn đã đứng nghiêm túc chờ đợi nghe, thì một cặp vợ chồng đứng tuổi ngay cạnh mình vẫn cố tình loay hoay cùng tự sướng cảnh dự lễ tang. Rồi gần như suốt lúc đọc điếu văn thì một thanh niên đi đi lại lại ngay trên hàng đầu để livestream. OMG, làm sao người ta có thể làm những điều kinh khủng như vậy trong một lễ tang. Mình nhớ ngay đến câu thơ trong cuốn truyện của Lê Đạt, “Khốn khổ là thân con người/Dưới mồ đội đất trên đời đội danh.” Danh to, danh nhỏ, tất cả vùi con người trong những nấm mồ của họ, mà việc trưng ra vô vàn những "nguyên" hay động tác cố tình tự sướng để thu được cảnh quan tài, dòng chữ phía sau nhiều khả năng cũng chỉ với mục đích kiếm được vài lời khen ngợi hoặc like sau đó.

Mình dự đến tận khi di quan ra xe. Nhạc trong lễ tang phần lớn là những bản nhạc của ông, gợi cảm giác nhẹ nhàng (sau đó chị H.A bảo, trừ người nhà ra tao chả thấy ai có bộ mặt tiếc thương, kakaka) nhưng bài điếu văn thì giống hệt một bản sơ yếu lý lịch không chút cảm xúc. Mình phẫn nộ quá, bảo làm sao người ta có thể viết một bài điếu văn khô đến mức như thế, còn đưa vào cả chi tiết ba vợ làm gì. Khác hẳn bài điếu văn Nguyễn Huy Thiệp, đầy cảm xúc, đầy sắc màu và khiến người ta phải nhớ. Chợt nhớ ra lúc đứng ngoài sân chờ chị H.A, dù đứng khá xa mà vẫn nghe thấy một nhóm ba người bàn tán về cuộc sống riêng tư của ông với người vợ thứ ba. Trời ơi, cái thói tọc mạch của người Việt thật là kinh khủng.

Chỉ một vài hôm nữa thế rồi

(Người ta thương nhớ có ngần thôi)

(Nguyễn Bính)

Hôm nay, mới chỉ một tuần qua kể từ khi Phú Quang mất, thì những dòng thương nhớ ông đã trôi xa đến tận phương trời nào của thế giới mạng rồi và người ta lại đang mải mê với những hot news mới, chả biết còn bao nhiêu người nghĩ đến ông, sau khi đã tung hô những ngôn từ vô cùng to tát mà có lẽ bản thân ông cũng ngại ngần phải nhận.

Trong làn sóng những dòng ngợi ca bất tận, bất chợt, một người bạn đưa ra câu hỏi, giữa Lam Phương và Phú Quang, ai là người có ảnh hưởng lớn hơn. Thật khó để mà so sánh, hai dòng nhạc khác nhau, hai bối cảnh khác nhau. Mình chả muốn phải chọn ai cả, dù cũng chả là fan cuồng của nhạc sỹ nào, nhưng nếu dựa trên những tiêu chí định lượng như số lượng tác phẩm, số lượng băng đĩa phát hành, độ nổi tiếng, phổ biến của bài hát, hay thậm chí việc bị nhại lời đi… thì phải chăng Lam Phương chiếm vị trí cao hơn, trong khi những tác phẩm của Phú Quang có phần định hình ông với nhóm khán giả dường như chọn lọc hơn.

Hôm nay mình nghe lại tác phẩm này của Phú Quang. Dường như có giai điệu nào của Nga, của những ngày tuổi trẻ vọng về! Và mình nhớ về ông như nhớ về tuổi trẻ của mình!

Tác phẩm "Tình yêu của biển" cùng dàn nhạc Mùa thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét