23 tháng 12 2021

LẶNG LẼ SAPA

 Sau chuyến lên Sapa cùng một nhóm bạn bè từ tháng 4, suốt từ đó đến đầu tháng 12 mình không về lại Sapa. Thỉnh thoảng có những khoảng lặng của dịch bệnh nhưng mình luôn ngại ngần không dám về, nhỡ mang bệnh tật về cho ông bà, còn thời gian cuối này thì số ca nhiễm của Hà Nội thực sự tăng cao, thậm chí dẫn đầu luôn. Dù thế, đầu tháng 12 có một việc giấy tờ cần phải giải quyết nên mình thoáng về qua nhà.

Bây giờ thì các hãng xe khác nhau đã bắt đầu chạy lại, tiếng là đều đặn nhưng khá thưa thớt. Mình chọn loại xe chỉ có 9 ghế, đưa đón tận nhà. Xe đón lúc hơn 7h và gần 11h rưỡi thì mình đã có mặt ở Lao Cai, hôm đó dân tình đang nháo nhác với hơn một chục ca dương tính. Công việc giấy tờ mất khoảng gần 1 tiếng và đến gần 2h thì mình đã có mặt ở Sapa.

Thị trấn vắng tanh. Nhưng cách gì nó cũng không còn là thị trấn của mình ngày xưa nữa. Dù vắng tanh thì toàn thị trấn vẫn là những hộp beton xếp chồng lộn xộn. Những cửa hàng tạm thời đóng cửa vì không có khách nhưng các con đường thì vẫn chỗ này chỗ nọ bị đào bới, bẩn thỉu. Thị trấn nên thơ ngày xưa với những vườn đào, mận, lê và các luống rau xanh mướt đã gần như biến mất ở khu vực trung tâm thị trấn. Ở ven hồ, ngay chỗ bắt đầu đường Xuân Viên, một cái cây giả lá bằng nhựa lấp lánh, đánh lừa những đôi mắt vốn đã kém và hai năm nay còn kém đi nhiều vì màn hình máy tính. Cây mận cổ đẹp nhất Sapa ở dốc Otel ngày nào (cách người dân gốc Sapa gọi một con dốc nhỏ do chỗ này từng có một khách sạn tên là Grand Hôtel de Chapa, hay đơn giản Metropole, được xây từ năm 1932) đã bị chặt, nhường chỗ cho khách sạn Mường Thanh thô kệch, xấu mù. Sapa của mình những ngày này trở lại lặng lẽ, nhưng đâu có còn Lặng lẽ Sapa của Thành Long.

Chỉ có trọn vẹn một ngày ở Sapa nên mình thậm chí còn không bước chân ra khỏi cửa. Sau nhà, vườn rau mùa đông kém xanh. Giàn su su lá đã tàn, chỉ còn vài quả cuối mùa mình hái nốt. Su hào, cải bắp của mẹ năm nay hơi kém, mà cũng đã phục vụ ông bà gần hết. Cây ngân hạnh ngày nào bé tý giờ đã cao vút, lá trút sạch không còn chiếc nào. Mẹ bảo ít bữa trước lá vàng rực, làm mình nhớ mùa thu 2011 ở Hàn Quốc, đúng vào dịp lá ngân hạnh đổi màu. Ở nơi góc sân yêu thích của mình những cây mai đang ấp nụ, để rồi chỉ vài tuần nữa những bông mai đầu tiên sẽ bung ra trắng muốt. Chục năm trước, khi ông còn khỏe, khu vườn lúc nào cũng đầy màu sắc, giờ thì đã chả còn những màu sắc đó nữa. Ừ, mà tiếc nuối làm gì, trên đời này đâu có gì là vĩnh viễn. Rồi một ngày nào đó, hoàn toàn có thể khu vườn đó sẽ thuộc về một chủ khác, hôm nay mình thấy chị mình bảo cậu thuê khách sạn đã báo trả nhà rồi. Đã hơn hai năm nay không có khách, chắc hẳn cậu ấy đang tìm đường xoay xở. Bà bảo, hôm nọ M. nó có mấy khách, nghe tiếng người rộn ràng được một tý, rồi lại thôi. Khách sạn mà lâu không có người cũng ẩm mốc hết.

Cho đến bây giờ thì có thể nói bằng sự quản lý ngu xuẩn người ta đã hoàn toàn thành công trong việc phá tan cái thị trấn xinh đẹp của mình ngày nào. Mình tin hoàn toàn có thể phát triển một cách hài hòa và vẫn giữ lại được quy hoạch đẹp đẽ. Nhưng điều đó đòi hỏi tâm và tầm, hai thứ thiếu triệt để trong não trạng đám lãnh đạo ngu dốt.

Những ngày này, khách du lịch loáng thoáng quay lại Sapa. Nhưng những người mình biết thường chọn đi xuống bản chứ ít ở lại trung tâm. Chỉ mùa hè tới thôi, Sapa sẽ lại đông đúc như trước dịch hoặc gần như vậy, người ta sẽ lại tiếp tục chen chúc nhau trong những nhà hàng và con phố trung tâm. Mẹ mình sẽ bớt lo lắng vì sẽ thu được tiền cho thuê nhà.

Và Sapa thì hết lặng lẽ. Nhưng dù có những ngày lặng lẽ tạm thời này, Sapa tuổi thơ của mình nào có còn! Cũng như một Sapa của những năm đầu thế kỷ, nơi có những nhà trọ mang tên như Madeleine, Rose, hay các biệt thự les Marguerites/biệt thự hoa cúc, les Hibiscus/biệt thự hoa dâm bụt, les Génariums/biệt thự hoa phong lữ thảo đã tàn lụi theo thời gian.

Mình đã bảo đâu cần tiếc nuối vì trên đời đâu có gì vĩnh viễn. Vậy mà viết đến đây chẳng kìm nổi sự nhớ thương cứ trào lên. Một ngày duy nhất ở Sapa không cho phép mình đi tìm lại những dấu tích của một Sapa xưa, sờ tay vào những trụ đá làm cổng những biệt thự, khách sạn xưa cũ. Và cả những con người của một Sapa xưa cũ như mẹ mình, bố mình và những người cùng lứa, chẳng mấy chốc rồi cũng sẽ rời xa cuộc sống này, mang theo những câu chuyện, hiểu biết của họ về Sapa, vĩnh viễn!


Sapa những năm đầu 1990 (Ảnh: Internet)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét