“Осень, осень! Над
Москвою
Журавли, туман и
дым.”
Sang đến Minsk vào một ngày cuối hè năm 1990, nhóm 6 anh em bọn mình cùng nhau về ký túc xá của trường ĐHSP Minsk trên
con phố Rumianseva. Chỉ ít hôm nữa thôi sẽ có thêm một nhóm khá đông các em học
sinh sang theo diện đoạt giải trong kỳ thi Olympic tiếng
Nga, nhưng đó là câu
chuyện về sau, còn bây giờ thì 6 anh em chẳng mấy chốc đã trở
nên hết sức thân thiết, nấu nướng ăn uống cùng nhau. Vậy nên vào
khoảng cuối
tháng 10, khi Thắng bé phải vào viện, do trong đợt khám sức khỏe đầu năm cậu ấy bị
phát hiện có vấn đề về phổi, cả bọn thực sự buồn. Nội quy bệnh viện khắt khe,
dù muốn tụi mình cũng chẳng thể vào thăm thường xuyên. Câu chuyện hay trở đi trở
lại mỗi bữa tối là bao giờ Th. khỏi, liệu cậu ấy có phải về Việt Nam không,
đôi lúc thoáng qua cả nỗi niềm lo sợ, cả tháng ăn cùng mâm vậy, không biết có
ai bị sao không nhỉ. H., một trong số các em học sinh trong nhóm Olympic sang
sau, lúc đó đã là bạn gái của Th., khóc hết nước mắt. Cả bọn thì thầm, bọn nó kiss nhau, có khi còn lây ấy chứ. Thật đúng là trẻ con hết sức.
Mấy lần vào
cuối tuần cả nhóm chúng mình cùng nhau vào viện thăm Th. Bệnh viện nằm tít nơi
ngoại ô, đi xe bus cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Con đường cuối thu, lá rụng gần
hết, hàng cây đứng trơ trọi, buồn rầu. Chuyến xe đi mãi, đi mãi, ngang qua những
ngôi nhà đặc trưng cho làng quê Nga đã chuẩn bị vào đông, nhỏ nhoi trong những làng nơi
ngoại ô. Có thể viết rất thi vị về con đường và những ngôi làng, nhưng ngày đó
mình hoàn toàn không cảm nhận thấy điều đó. Trời đã trở lạnh. Thỉnh thoảng những
chú chim lẻ đàn vội vã bay đi tránh rét. Và suốt cả chặng đường, những câu thơ
của Olga Bergolts cứ văng vẳng.
“Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa
Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi”
Cái tâm trạng
buồn rầu của bài thơ thật phù hợp với buổi chiều cuối thu ấy, với tâm trạng của
mỗi người trong nhóm, phần thì thương và ái ngại cho người bạn, phần thương
chính bản thân mình, những đứa trẻ non nớt, lẻ loi, cô đơn nơi xứ người, đã trải qua sự
náo nức ban đầu, và giờ chỉ còn lại sự buồn rầu, hoang mang trước một tương lai
đầy bất định, nơi một nước Nga đang quằn quại trong cuộc khủng hoảng.
Dù trước đó
đã chép khá nhiều thơ của Olga Bergoltz bằng tiếng Việt, nhưng trình tiếng Nga
khi đó của mình vẫn chưa đủ để đọc bản gốc. Chỉ khi đã trưởng thành hơn,
mình mới tìm về lại với nhà thơ yêu thích, cố gắng đọc bản gốc, cố gắng hiểu ý
nghĩa từng từ ẩn sau những câu chữ của bà, trong cái mùa đông tuyệt vọng năm 94
ấy. Những bậc thang xuống căn phòng đọc dưới hầm. Chiếc ba lô trĩu nặng những
cuốn sách của Olga Bergolts. Con đường tuyết trắng dẫn ra ga. Mình đã lang
thang, đã lau nước mắt, đã cảm thấy tuyệt vọng biết chừng nào. Bây giờ nghĩ lại
thấy những điều đó chả đáng để mình phải đau khổ như vậy. Dù sao thì mình đã vượt
qua, nhờ sách vở, nhờ những vần thơ, mà mãi về sau, khi đọc Phùng Quán, mình
càng hiểu hơn. “Có những phút ngã
lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Phải chăng, bà cũng có tâm trạng như vậy. Trong lúc lang thang trên
con phố hoàn toàn có thể là quen thuộc mà như xa lạ, đau khổ với tình yêu tan vỡ,
người đàn bà đã rút ruột gan ra những câu thơ da diết, vịn vào nó mà đứng dậy. Hay ẩn sau những câu chữ
tưởng như chỉ toàn nói về tình yêu chính là dự cảm của bà về một tương lai đen
tối – những tháng ngày tù tội trong nhà tù Sô viết, vào cái thời mà có tới ¼
dân số Leningrad được Soljenitsyne mô tả là “những dòng sông người chảy vào tù
ngục”. Và cả nhà thơ Nguyễn Đỗ, liệu ngày đó anh đã đọc Quần đảo ngục tù, để
nhìn thấy đằng sau những câu chữ thường được coi là những lời da diết của một
bài thơ tình, một nỗi đau khác, lớn hơn rất nhiều, hay đơn giản là sự đồng cảm từ
trái tim, của những con người đã từng trải qua mất mát, khổ đau, để viết “Đất nặng những gì thơ mỗi chữ cắn chặt
môi”.
Bao năm
tháng đã trôi qua, từ những buổi chiều xa xưa ấy. Những kỷ niệm tuổi trẻ như
sương, như khói, thỉnh thoảng lại trở về. Để hôm nay, giữa một chiều đông Hà Nội
mà như thể chiều thu, trời xanh biếc, nắng dịu dàng, chẳng cơn cớ gì mà sao mình
cứ nhớ và thương về những buổi chiều “sương
mù và khói tỏa/Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi” tít tắp 25 năm trước!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét