13 tháng 4 2015

GIỖ Ở QUÊ



“Nơi chôn rau cắt rốn của tôi là một xóm nhỏ an bình, khi tôi mới lớn chỉ có 7 hộ, cách con sông Hoạt hiền hoà gần 1 km. Cánh buồm bên sông khi có gió, những đêm trăng, tiếng hò khoan vẳng tới nhịp nhàng. Làng được bao quanh bởi luỹ tre, xao xác những chiều chim về tổ.” Đấy là những dòng văn bố mình viết về quê hương, làng Tứ Thôn, xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, trong cuốn hồi ký của ông in năm 2010. Những dòng văn hết sức trữ tình, tha thiết, gợi nhớ một vùng quê yên bình đẹp đẽ. Và nó đúng là như vậy trong ký ức của mình.
 
Khi mình còn chưa được hai tuổi thì mẹ đã sinh em Thực. Năm đứa con lít nhít, trứng gà trứng vịt, chả đứa nào cách đứa kia được 2 tuổi mà chỉ toàn khoảng 20-21 tháng. Chị Yến nhà bác Quang lên thăm, ông bà ở Thanh Hóa nhắn nhủ bố mẹ gửi mình về quê để ông bà trông đỡ. Khi đó mình còn chưa được hai tuổi. Chuyến đi đầu tiên về quê. Chỉ vài tháng, em cứng cáp bố mẹ lại đón mình về Sapa. Tất nhiên khi đó mình còn quá nhỏ, không thể có ký ức nào. Ít lâu sau thím Phong lên thăm, khi đó mình đã đâu đó khoảng 3 tuổi và lại nhiệt tình đòi về quê. Bố mẹ ngần ngại, còn mình thì nghe lỏm câu chuyện của người lớn nên nằng nặc đòi đi, tất nhiên chỉ từ ý thích vớ vẩn của trẻ con là được đi xa. Khi người lớn bảo không cho đi thì mình tuyên bố sẽ trốn đi. Bị dọa không biết đường sẽ lạc thì mình bảo đường ở mồm. Câu chuyện này bố mẹ kể đi kể lại rất nhiều lần, bảo mình là con bé hết sức ghê gớm. Vụ này chắc mẹ nhầm rồi, hì hì :-)

Lần thứ hai về quê khi mình đã lớn hơn chút, có lẽ hơn 4 tuổi. Kỳ lạ, mình vẫn còn nhớ hình ảnh mình mặc chiếc quần yếm, đi từ nhà ông bà sang nhà bác Quy, bác Miên. Cái bờ rào dâm bụt dọc lối đi đối với mình ngày đó sao mà cao, khoảng đường sao mà dài. Thỉnh thoảng gặp mình, bác Miên vẫn kể câu chuyện mình tranh vét xoong bột của chị Chi. In hằn trong ký ức là những cảnh chơi đùa với em Phong ở góc vườn, rút những bông hoa đao màu đỏ để hút chút mật ngọt trong đó. Một hôm vươn người với quả ối chín vàng của cây ổi cạnh ao, mình ngã lăn tùm xuống đó, được mọi người vớt lên và bèo tấm dính đầy đầu. Rồi một hôm nào đó sau giải phóng, bố mới đi miền Nam thăm chú Nhân, quà mang về cho tụi mình là chiếc vòng ốc với những con ốc nhỏ tý xíu. Mình ngồi trên bờ ao xem người lớn đánh cá, chiếc vòng đeo ở cổ mà rơi đâu mất, tìm mãi chẳng ra. Con bé khóc sưng cả mắt. Và một hôm khác, bố về thăm, đòi theo bố lên nhà bác Quang chơi mà không được, con bé lại ôm gốc dừa khóc một trận ngon lành khác.

Ngôi nhà của ông bà nhỏ, là cái người ta để lại sau cải cách ruộng đất. Chiếc cửa sổ tròn. Ông thường ngồi trên chiếc giường trong nhà, thò đôi chân đã bị cụt một bên sau trận bom năm 68 ra ngoài cửa sổ. Vào vụ gặt, lúa chất đống bên dưới cửa sổ. Có hôm ông ngồi vuốt râu vuốt được một con sâu. Rồi hình ảnh ông chống nạng đi từ nhà xuống bếp, tay cầm rổ trứng gà nhỏ. Hình ảnh ông gọi gà, cho gà ăn. Những mảng ký ức lộn xộn đọng lại trong mình.

Suốt một thời gian dài mình sống bên Nga, mối liên hệ với quê trở nên thật nhạt nhòa. Rồi cả những năm đầu mới về nước mình cũng ít về quê, phần vì công việc, phần vì mang bầu, sinh con, nhưng có lẽ hơn cả là do mình không đặt việc về quê làm ưu tiên hàng đầu. Nhưng những năm gần đây, chắc do dấu hiệu của tuổi tác, mình chăm chỉ về quê hơn nhiều, năm nào cũng 1-2 chuyến.

Ông nội mất năm nay đã được 35 năm. Ngoài việc năm nào con cháu cũng làm giỗ chạp hết sức chu đáo, thường là ở Hà Nội, tại nhà cháu đích tôn của ông, năm 2009 bố mình đã cùng các bác, cô, chú xây ngôi nhà thờ ông bà trên nền nhà cũ ngày xưa. Năm nay, để kỷ niệm 35 năm, bố mình muốn tổ chức một bữa giỗ to hơn bình thường, tại ngôi nhà thờ đó ở Thanh Hóa, mời đông khách khứa hơn, và có lẽ cũng là lần cuối bố mình có thể đi tận từ Sapa về Thanh Hóa dự.

Chả cần bố mẹ nhắc nhở, cả mấy chị em mình đều thấy có nghĩa vụ và thực lòng muốn cùng ông bà về quê. Tối thứ Hai ông đã từ Sapa đi tàu về nhà mình. Sáng thứ Ba, vừa về đến nhà, nghỉ ít phút ông đã vội vàng đi Bỉm Sơn để lo mọi công tác chuẩn bị cho bữa cỗ. Rồi thứ Sáu ông lại vào Bỉm Sơn trước làm tổng chỉ huy.

Sáng sớm thứ Bảy, phu quân chở bà, bác Tú và mình về quê sớm. Bác Vân và bác Lĩnh đi xe thẳng từ Lao Cai về Bỉm Sơn. Bác Kiều cũng muốn đi lắm nhưng bị bác Lĩnh tranh. Rồi bác Thạnh cũng gợi ý bác Tú ở nhà để bác đi thay. Tất nhiên bị bác Tú từ chối thẳng thừng :-). Lúc mình về đến nhà, gần 10h thì phần nghi lễ đã bắt đầu. Hic, vụ này thì mình ân hận quá, lẽ ra cả nhà phải đi sớm hơn. Bố mình phát biểu, nhớ lại những kỷ niệm với ông bà, giọng ông cứ nghẹn lại, rồi thỉnh thoảng lại lau nước mắt. Bài văn của anh Như, mặc dù moi rất nhiều nước mắt của nhiều người, mình đánh giá không bằng một số bài khác của anh mà mình đã nghe. Khoảng 10.45 thì phần nghi lễ kết thúc, đám con cháu bắt đầu bê mâm ra. Khá đông khách, tổng cộng 21 mâm, với rất nhiều người là con cháu bên ngoại (tức họ hàng của bà nội mình). Rất nhiều con cháu từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Các chú dì mình từ Hà Nội. Bố mẹ mình chắc hài lòng lắm vì gần như đầy đủ 5 đứa con, thiếu mỗi bác Kiều bị bác Lĩnh tranh phần.  

Mấy anh chị em họ của mình thật đảm đang. Hơn 20 mâm thế mà mấy chị em làm veo veo, lại còn rất ngon là đằng khác. Mình ăn uống nhiệt tình, sau đó cùng mọi người dọn dẹp, đi thăm bác Quy gái giờ đã rất yếu, chỉ còn nằm trên giường.

Phần tiếp theo cả nhà kéo ra thăm mộ ông bà. Đám con cháu gồm bố mẹ mình, tụi mình, nhà chị Thái, anh Túc, bố con nhà Phong… đứng trong khuôn viên ngôi mộ. Dù bố mình lại lau nước mắt, mình cảm giác giây phút đó thật quý báu, thật ấm cúng.

Hành trình không thể thiếu tiếp theo là vòng lên Bỉm Sơn để vào thắp hương cho cô Lan, thăm bác Phương thời gian này đã rất yếu, chỉ còn nằm trên giường. Sáng hôm trước ở nhà, ông nằm trên ghế, buồn bã nói với mình, hôm trước anh Hưng gọi điện bảo bố, mẹ cháu hôm nay không nói gì, rồi hôm sau lại bảo, mẹ cháu hôm nay không ăn gì, bố hình dung chẳng lâu nữa sẽ đến lượt các con gọi điện cho họ hàng nói tương tự như vậy. Nghe bố nói mình thấy mắt cay cay, nhớ lại một ngày cách đây vài năm, khi bố suýt bị tai nạn, chị Tú gọi điện cho mình khóc bảo phúc nhà mình còn to lắm, chứ nếu không giờ này chị em mình đã chẳng còn bố rồi.

Bố mình, một mặt rất vui vì bữa giỗ rất thành công. Rất đông con cháu từ xa đã về và từ gần cũng đến để tôn vinh ông bà. Mặt khác, đám tang bác Hàm ngay trước hôm giỗ đôi ngày, rồi bác Quy, bác Phương đều trong tình cảnh chỉ tính bằng ngày hoặc tháng, bác Duyên đã rất yếu, bác Tân, bác Miên cũng vậy, khiến ông có đôi phần buồn. Ngay trước hôm giỗ ít ngày, bố mình gọi điện cho chú Nhân, nói bác Phương đã rất yếu, không về thì có thể chẳng còn được gặp chị. Bố mình nói đi nói lại, không về được chắc chú khổ tâm lắm, nhưng chú giờ đã 83 tuổi, và xa xôi cách trở đến như vậy. Ừ, bóng câu qua cửa. Từ cái ngày nào bố tiễn chú lên đường vào Nam, giờ đã mấy chục năm, và chú thì giờ ở một phương trời thật xa, chả biết bố và chú mình có còn nhìn thấy nhau lần cuối. Nghĩ như vậy thấy thật buồn.

Mình hơi tiếc đã không tha lôi bọn trẻ đi vì không muốn tụi nó bỏ học. Nhưng có lẽ mình sẽ phải tìm cách cho bọn trẻ về quê nhiều hơn, để bọn nó hiểu được hơn, gắn bó hơn với quê hương. Mà mình thì hoàn toàn tin “quê hương nếu ai không nhớ/sẽ không lớn nổi thành người”.

Hôm qua vừa được bà thông báo một đám cưới tiếp theo, ở Mậu A, quê ngoại, vào dịp nghỉ lễ sắp tới. Lại chuẩn bị lên đường thôi. Mình đã có một kế hoạch khá hay ho cho dịp đó rồi, mà chắc mấy đứa cháu tha hồ ghen tỵ đây, kakaka.
Trước cửa nhà thờ. Anh Như chị Nghĩa chen bằng được vào tấm hình của nhà mình :)
Phía xa xa sau lưng mình là cái mà bố mình mô tả là dòng sông Hoạt hiền hòa, mà chính mình đã được ngắm những cánh buồm xuôi ngược. Giờ thì nó chỉ còn bé tý, và nông choèn, chẳng còn thuyền nào có thể nổi trên đó.
Ông bà lại trêu nhau gì mà cười như địa chủ thế này nhỉ :-)
Cùng các em con cô Lan, những đầu bếp chính của bữa giỗ

2 nhận xét:

  1. Ngày bé, chị cũng thường về quê giỗ Cụ tức là bố của bố chị. Mãi đầu năm vừa rồi chị mới lại về giỗ Cụ. Thế hệ chị giờ là cao nhất đấy, còn bao nhiêu là con cháu không thể biết hêt. Mỗi lần về quê, bao kỷ niệm ùa về thân thương tha thiết lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng thấy thế. Nhưng mặt khác, bao nhiêu năm, vật đổi sao dời, giờ chẳng còn nhận ra những khoảnh vườn, con đường, ngõ nhỏ ngày xưa.

      Xóa