Đầu xuân nhà nhà rộn ràng đi lễ. Mình thì luôn tin mình rất có tâm, nhưng lại chả chịu đi lễ đầu năm cuối năm gì cả. Năm nay lên Lao Cai dịp đầu năm mới, bà chị kéo đi Đền Thượng, rồi hôm sau lại dành cả buổi sáng chở mình đi Đền Ông Hoàng Bảy, những nơi mà dân trong Nam ngoài Bắc nườm nượp kéo đến. Đọng lại trong mình chỉ là cây đa đẹp tuyệt vời ở Đền Thượng mà mình rất nên đến ngắm lại, vào một ngày trời đẹp chứ không phải buổi tối, và phong cảnh khá đẹp từ Đền Ông Hoàng Bảy nhìn xuống. Mình luôn nhớ lời mẹ dặn, thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ thứ ba tại chùa.
Nhưng chuyến đi làm mình nhớ lại một chuyến đi khác của cả gia đình, vào những ngày cuối của năm 2010. Giật mình nhớ lại, thế mà đã hơn 4 năm trôi qua.
THEO BƯỚC ĐƯỜNG
TĂNG
(Đăng lần đầu 12/1/2011)
Mình bận quá, cứ định viết entry này
cả tuần nay mà không lúc nào hở ra được. Tiếp theo vụ Phan xi pan ký, giờ mình
lại có một vụ ký khác đây.
Ngày gần cuối cùng của năm mình có
chuyến công tác xuống Mạo Khê, Đông Triều. Đã đến Quảng Ninh khá nhiều lần mà
mình vẫn chưa có lần nào đi Yên Tử. Dịp này có vẻ là thuận tiện nhất đây. Vậy
là mình làm việc ở đó hai ngày, thứ Năm và thứ Sáu. Tối thứ Sáu ông chồng mình
đưa 2 đứa trẻ con và thêm cô cháu Phúc xuống đó để hôm sau đi Yên Tử.
Mạo Khê là một thị trấn của huyện
Đông Triều, có thể gọi là cái rốn than cũng được. Mỏ khai thác chỉ cách cái
khách sạn nơi mình ở có 2km. Chẳng thế mà cả thị trấn chìm trong màu đen. Các
đoạn đường, các vỉa hè, các bề mặt nhà cửa, công sở, chỗ nào cũng một màu đen
mờ. Tuy thế, đời sống người dân nơi đây khá ổn. Ngoài những công việc liên quan
đến than thổ phỉ, đây còn là một địa điểm trung gian trong cung đường “đánh
hàng” từ Móng Cái về.
Cậy đã có mặt ở một nơi chỉ cách Yên
Tử có khoảng 20km, cả nhà cứ việc ngủ thoải mái, chẳng phải như đi trong ngày,
lên đường từ 4h sáng. Vậy là 7h30 nhà mình xuất phát từ khách sạn, trên đường
đi còn dừng ăn sáng, tóm lại là loanh quanh mãi, phải tới hơn 8 rưỡi mới đến
nơi.
Chặng 1: Từ chân núi lên chùa Hoa
Yên
Chẳng nhẽ đi Yên tử mà không leo
trèo gì, đi cáp treo từ đầu đến cuối thì vô duyên quá. Vậy là cả nhà quyết định
sẽ leo bộ đoạn đầu tiên, từ chân núi lên chùa Hoa Yên. Tất cả hăm hở lên đường,
gồm nhà mình có 4 thành viên, thêm Phúc và anh Triều (anh lái tắc xi quen đã đi
với nhà mình 6-7 năm nay). Cảnh đẹp quá, con đường bậc đá gọn gàng, duyên dáng.
Tuấn và cún tung tăng, lúc thì tranh nhau xem ai đi nhanh hơn, lúc thì trêu
chọc nhau. Nhà mình lúc mới bắt đầu đi đây.
Cún tỏ vẻ sung sướng vô cùng, lâu
lắm mới lại được đi ra ngoài thiên nhiên, rừng núi như thế này. Cô bé tự nhận
là cả nhà đang đi lấy kinh. Cún phân công mỗi người một vai. Hehe, hay nhất là
đi được một đoạn, mỏi chân rồi, cún phán: Ngựa của sư phụ đâu rồi? (Chả
là dạo này cún đang xem Tây du ký và bị ám ảnh bởi các nhân vật trong
đó). Cả nhà cứ bò lăn ra cười.
Dạ, sư phụ và ngựa đây ạ:
Còn đây là hai anh em đang tập làm
Tarzan.
Từ chân núi lên chùa Hoa Yên dài
1.6km, cả nhà đi nhịp nhàng, đôi lúc dừng lại chụp ảnh. Đường tùng ấn tượng vô
cùng với những cây tùng hai bên đường, rễ cây bò ra mặt đường, xù xì, lưu bao
dấu ấn thời gian, bao dấu chân những người đi qua. Liệu 700 năm trước, khi vua
Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng đi lên đây, những cây tùng này cao ngần nào nhỉ?
700 năm, biết bao thời gian đã qua, cuộc đời dâu bể, cảnh cũ đổi thay. Mà nào
có cần đến 700 năm, bây giờ, chỉ 7 năm thôi thì nhiều nơi đã thay đổi đến chẳng
nhận ra nổi. Mình cố gắng hiểu tại sao lại có thể dứt bỏ cuộc sống để đi đến
một nơi hoang vu đến chừng ấy? Không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của nhà
vua trong việc tạo ra một dòng Phật giáo mới, nhưng liệu đây có phải là một sự
trốn tránh không nhỉ? Và nếu đây là một sự trốn tránh thì có phải là nhà vua
chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình không nhỉ? Eo ôi, sợ quá, mình sẽ không tiếp
tục suy diễn nữa. Dù sao, vô cùng cảm phục những người dám làm điều mình muốn.
Cả nhà dừng lại khấn ở chỗ tháp Phật
tổ, cún cũng nhiệt tình cầu xin, mẹ nhắc cún chỉ cần cầu xin ngoan ngoãn.
Đường tùng trầm mặc, cổ kính.
Chặng 2: “Cứ vừa đi vừa cầu”
Từ chùa Hoa Yên còn phải đi một đoạn
nữa mới đến cáp treo. Đoạn cáp treo này nhiều chỗ khá cao, cũng có hoa trà như
ở Bà Nà nhưng rất ít thôi. Lên đến bến cáp treo thì mọi người nói là còn 700
mét nữa mới đến chùa Đồng (nhưng trên thực tế thì đoạn đó dài đúng gần 1km).
Hic, lúc đó đã hơn 11h, bọn trẻ đòi ăn bánh kẹo (may quá, trong balô anh Triều
đeo có một gói bánh Choco pie, món khoái khẩu của Tuấn) và cả nhà mới nhớ ra là
túi đồ ăn mang theo đã để quên hết ở dưới xe. Nước thì có thể mua trên núi
nhưng ngoài ra thì chẳng có gì nhiều. Đoạn này không còn hăm hở như trước nữa,
sư phụ thỉnh thoảng lại đòi cưỡi ngựa. Tuấn ngoan ngoãn vô kể, không hề kêu ca
gì. Mẹ Tuyết hay nhắc con, “Cứ vừa đi vừa cầu. Quan Thế Âm Bồ Tát. Là tha hồ đi
mau”. Rồi mẹ động viên hai anh em: Các con đang tập luyện để ít nữa trèo
Phanxipan đấy. Có lúc mẹ kêu mẹ mệt lắm, rồi, con trai bảo, để con dắt tay mẹ.
Ôi, cảm động quá. Mẹ nghe thấy thế thì tỉnh cả người. Một hồi rồi đến 12h cả
nhà cũng lên được đến đỉnh. Mọi người nhìn cún và Tuấn vẻ hâm mộ lắm. Tuấn bảo,
Mẹ ơi con muốn sờ vào mây. Cún cũng gào ầm lên, con cũng muốn sờ vào mây cơ :)
Trên đỉnh Yên Tử, gió thổi ào ạt.
Phía đằng sau ngôi chùa là một vực dốc khá sâu, nhìn ra xung quanh hùng vĩ lắm.
Tuấn hỏi mẹ về Phanxipan, mẹ bảo ở đó cao hơn nhiều. Bây giờ cái gì mình cũng
cứ hay so sánh với Phanxipan.
Ngôi chùa đúc hoàn toàn bằng đồng,
còn khá mới, từ 2007, dáng rất đẹp. Mình đứng chắp tay, chỉ cầu mong một điều
duy nhất là cả nhà được mạnh khỏe. Các con thân yêu, chỉ cần các con mạnh khỏe
và bố mẹ mạnh khỏe để nuôi dạy các con thôi, mẹ không dám ước mong điều gì
nhiều. Thật may là nhà mình chọn đi dịp này, thời tiết thuận tiện, không đông
người nên có thể đứng trên đó được. Mọi người nói rằng vào mùa đi lễ, chẳng còn
chen chân nổi ở đây. Cả nhà loanh quanh “trên đỉnh Phù Vân” độ 10’ rồi bắt đầu
xuống núi.
Cả nhà đứng cạnh chùa Đồng:
Đường về: “Mầm đá là đây”
Dù là đi toàn xuống dốc thì cũng mất
tương đối thời gian mới xuống được đến chỗ cáp treo, rồi lại chuyển sang ga cáp
treo kế bên để xuống chân núi. Từ chỗ cáp treo ra xe ôtô là đoạn đường gần nửa
km. Ôi ôi, tóm lại là cho đến khi ra được bãi đỗ xe thì đã gần 2h sau khi đã
vượt đoạn đường tổng cộng gần 5km. Cún cũng đi khá nhiều, chỉ thỉnh thoảng mới
đòi cõng. Tuấn thì hoàn toàn không kêu ca, còn nói rằng con có thể đi
vòng nữa. Kinh.
Cả nhà đi thêm một đoạn nữa rồi chọn
một quán ăn trông tàm tạm để giải quyết vấn đề cái dạ dày. Hihi, họ cứ mang cái
gì lên là vèo một cái cả nhà chén sạch. Cả nhà tấm tắc khen ngon quá ngon quá.
Lại còn không ngon. Hơn 2 rưỡi rồi còn gì.
Vĩ thanh
Về đến nhà lúc gần 6h. Cả nhà mệt
nhoài nhưng được một ngày đầu năm mới thật đáng nhớ. Chẳng có nhiều chuyện li
kỳ như Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc nhưng cũng rất thú vị. Không gánh được
gánh kinh nào về nhưng đã có thêm những kỷ niệm đẹp. Hy vọng những kỷ niệm nho
nhỏ như thế này sẽ là hành trang theo các con vào đời. Bây giờ chân cứng đá mềm
có bố mẹ kề bên, rồi các con sẽ phải chân cứng đá mềm những khi hoàn toàn một
mình. Biết bao đỉnh cao phía trước các con sẽ phải vượt, mà Yên Tử mới chỉ là
đỉnh đầu tiên. Chúc mừng các con. Mẹ yêu các con.