Chả rõ mọi
người khác luôn học hành vất vả thế nào, suốt thời gian bên Nga, mình ít khi cảm
thấy việc học là vất vả. Chắc không phải vì mình giỏi mà chỉ vì mình luôn học một
chương trình dễ hơn đám bạn khác hoặc mình dễ tự bằng lòng.
Khoa ngoại
quốc tụi mình năm đó có khoảng gần ba chục mống, 4 cô người Việt (chỉ sau 2 năm
thì đã có một em chuyển được lên Mát), 5 mống người Cămpuchia mà giờ mình chỉ
còn nhớ tên mỗi cậu Chandra học cùng lớp, 3 cô Mông Cổ trong đó có một nường phải
nói là rất xinh, da trắng, dáng đẹp và ăn mặc cũng đẹp. Đám còn lại mình chả nhớ
từ những đâu, láng máng đọng lại là lớp mình có cậu người Ethiopia với thói
quen không bao giờ nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Rồi mấy cậu người
Ả rập, Palextin này nọ với hàm râu quai nón đẹp dã man. Mấy chục mống đó được
chia làm 3 lớp. Lớp mình có mỗi 7 đứa. Bạn bè mình nhiều người học cùng với đám
sinh viên Nga thì đương nhiên chương trình học như nhau và việc học khá vất vả.
Đám tụi mình học riêng ở khoa ngoại quốc nên chương trình học nhẹ hơn hẳn. Và
chả mảy may ở đâu có chuyện phải lấy lòng hay quà cáp thầy cô giáo.
Ngành học của
mình là sư phạm tiếng Anh và tiếng Nga vậy nên đó là hai môn học chính. Mình học
chuyên Nga từ hồi cấp 3, ngữ pháp đã rất chắc ngay từ trước khi sang Nga, lại
được bồi bổ bằng thực tế một năm dự bị tại Minsk, thế nên việc thực hành tiếng đúng
là như chơi. Nội dung học cũng rất thú vị. Các giờ thực hành tiếng Nga được lồng
vào những nội dung về hội họa, văn học, văn hóa. Mình đã được học một cách khá
có hệ thống về hội họa Nga, văn hóa Nga. Những bức tranh, tác giả nổi tiếng, những
câu chuyện ẩn sau mỗi bức tranh. Những giờ văn học Nga cũng luôn rất hay ho với
biết bao tác phẩm, bao giai thoại. Thế mà than ôi, mình đã cho ra khỏi đầu hết,
giờ nhớ lại thấy tiếc vô kể. Chỉ hơi mệt mỏi hơn một chút là những môn lý thuyết
tiếng mà giờ mình không còn bất cứ chữ nào trong đầu. Tiếng Anh là một môn
chính quan trọng. Bắt đầu vào đại học mình mới học. Cứ chiều chiều, tan học sớm,
khoảng 3.00-4.00, mình hay xuống phòng tiếng của trường, ngồi nghe băng và luyện
phát âm, suốt cả một năm đầu như vậy. Dù vậy, so với chương trình của sinh viên
học tại Việt Nam bây giờ thì những cái mình học ngày đó đúng là trò trẻ con, chắc
về khoản thực hành tiếng thì suốt cả 5 năm học còn chả bằng sinh viên năm một. Học
đến năm thứ tư mình mới thường xuyên đọc một tờ báo Nga bằng tiếng Anh, phải đặt
và hàng tuần ra bưu điện khá xa lấy. Rồi mãi khi học đến năm thứ 5 mình mới bắt
đầu nghe thời sự tiếng Anh qua ăngten parabol mà ngày đó mua tới cả nghìn đô.
Giáo trình thực hành thì suốt 5 năm đại học vẫn chỉ là cuốn Essential English
chán ngấy, chẳng chút thú vị so với những giáo trình bây giờ.
Bên Nga tiết
học được gọi là “para” (nghĩa là cặp đôi), kéo dài 90’. Trung bình mỗi ngày tụi
mình có 3 para, đôi lúc 4. Para đầu tiên bắt đầu lúc 8h sáng. Học hết 2 para
thì sẽ có giải lao 30’, cũng là lúc ăn trưa. Những môn như thực hành tiếng Anh,
thực hành tiếng Nga… thì học riêng, mỗi lớp dưới 10 sinh viên. Một số môn khác
như Tâm lý, Triết, Kinh tế, Văn học Nga và rất nhiều môn lý thuyết tiếng sẽ học
chung cả khóa, tức 30 chục mống người nước ngoài.
Thường mỗi
kỳ tụi mình sẽ có 4-5 môn phải thi, là những môn cơ bản. Các môn khác, ví dụ
như Triết, Kinh tế học… sẽ chỉ đánh giá là qua hay không qua. Nói chung, đám học
sinh người Việt ở mọi khoa ngoại quốc thường dẫn đầu. Mình và mấy cô bạn cũng vậy.
Do học hành chăm chỉ, trong lớp chịu khó phát biểu nên thường trong số 4-5 môn
bắt buộc phải thi thì tụi mình sẽ được nhận điểm 5 mà chả cần thi cử gì cho 2-3
môn, tức chỉ phải thi 2-3 môn còn lại. Thi bao giờ cũng bằng hình thức vấn đáp,
bài kiểm tra viết thì sẽ làm từ trước. Mỗi đứa có một cuốn sổ điểm nhỏ, đi thi
cầm sổ theo, xong thì chìa sổ để giáo viên cho điểm luôn. Cũng phải nói thêm, lịch
thi là một chuyện, tụi mình vốn đã phải thi ít môn, lại hay làm đơn xin thi sớm
với lý do về nghỉ phép, vậy nên có khi thi xong trước bọn khác cả tháng trời,
thế là nghỉ hè suốt từ tháng 5 đến hết tháng 8.
Mình có một
kỷ niệm đáng nhớ với kỳ thi môn Tâm lý học cuối năm thứ Tư. Như mọi kỳ thi
khác, mình cũng ti toe làm đơn xin thi sớm để biến nhưng lại lười chả học hành
mấy. Đến hôm đi thi, mỗi mình và thầy giáo ngồi với nhau. Tất nhiên mình chỉ thở
một hơi thì thầy đã biết thừa mình chưa ôn kỹ. Thầy bảo, thôi mày về đi, ba hôm
nữa quay lại, tao không muốn làm hỏng sổ điểm của mày (Sổ điểm của mình đến lúc
đó tất cả đều 5 điểm). Con bé ngượng chín mặt, về nhà đóng cửa miệt mài học. Ba
hôm sau quay lại, thầy bảo đưa sổ đây, chả hỏi câu nào, cho mình 5 điểm rồi bảo
mày biến, kakaka.
Vụ học thể
dục là một kỷ niệm khác. Mỗi tuần tụi mình có một giờ thể dục, tập từ 3.30 đến
5.00. Việc học rất nhẹ nhàng, cả bọn đến khu tập, thích làm gì thì làm, tập thể
dục, chạy, chơi bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn…, miễn có mặt và tập tành đủ giờ
để thầy giáo ký nhận. Dù vậy, con bé vẫn lười vì mùa đông đi học giờ đó chả
khoái gì, lạnh chết đi được, mà bên ngoài thì chỉ 4 rưỡi đã bắt đầu tối. Đến năm
3, chắc đã thành ma cũ, mình bỏ học triền miên. Cuối năm con bé tá hỏa với khả
năng sẽ không qua được môn thể dục vì không đủ số giờ. Chả riêng gì mình, một số
bọn khác nữa cũng phải đi học bù bằng cách lên chỗ Lermontov đấu súng chạy 1 tiếng
vào buổi sáng. Đành miệt mài sáng sáng cả bọn lên đó, cùng thầy chạy một tiếng,
mỗi buổi lại chìa sổ cho thầy ký. Chạy được khoảng 5-7 buổi đã thấy mình khỏe
hơn hẳn, chạy dai sức hơn hẳn, thế mà mình còn láo toét giả chữ ký sáng tác ra
vài buổi. Hì hì, chắc thằng cu được di truyền khối cái láo toét của mẹ nó. Mà
thực ra, chả cứ môn thể dục, môn thực hành tiếng Nga mình cũng trốn học tương đối :-)
Đến năm thứ
5, mình chọn viết luận văn môn Tâm lý chứ không viết về lý thuyết tiếng Anh hay
Nga. Một nghiên cứu nhỏ về khả năng đọc của trẻ, đại để vậy. Cuốn luận văn hoàn
toàn viết tay, bằng bút máy mực tím (eo ôi, giờ nghĩ lại thấy rồ man rợ kinh),
nét chữ tiếng Nga nghiêng nghiêng thật đẹp mà giờ mình chả thể nào viết được đẹp
như thế nữa. Bảo vệ luận văn xong, thầy giáo khuyến khích mình tiếp tục phát
triển thành luận văn phó tiến sỹ. Hì hì, mình từ chối. Mình tin, kể cả viết tiếp
được cái luận văn đó, chắc trình độ mình cũng chả khá thêm tý nào.
Sáu năm học
liền, thế mà những ký ức của mình về việc học hành thật ít ỏi. Đôi lúc, những mảng
ký ức rời rạc lại bất chợt hiện ra. Bất chợt một khuôn mặt, một câu nói. Dù
mình chẳng nhớ gì nhiều từ những cái đã học, mình tin, đó chính là những bậc
thang, từng bước từng bước, để mình đặt chân lên những nấc tiếp theo. Và nếu
mình làm được điều gì trong cuộc sống về sau, chắc chắn phần nhiều nhờ những nấc
thang đầu tiên đó, mặc dù tiếng Nga giờ nhiều năm mình cũng chẳng có cơ hội nói
một câu. Nghĩ thế này lại thấy tiếc ơi là tiếc và thèm nói, thèm viết cái ngôn
ngữ thật đẹp, cầu kỳ và sang trọng đó.