TRÒ CHƠI LÚC
XẾ CHIỀU
Trở về sau một khóa học, vẫn còn
đôi phần ám ảnh, mình chợt nhớ đến câu chuyện mình đã
dịch từ rất lâu này.
ANITA DESAI (Ấn
Độ)
Anita Desai sinh
năm 1937. Tác phẩm đã xuất bản: Ánh sáng rực rỡ của ngày, Ngọn lửa trên núi,
Thành phố Bombay của Baumgartner, Ngôi làng bên bờ biển, Trong giam cầm…
Trời nóng quá, không thể chơi ở bên ngoài được. Bọn
trẻ đã uống chè, đã được rửa ráy sạch sẽ, đã chải tóc gọn gàng, và giờ đây, sau
một ngày dài dằng dặc bị giam cầm trong ngôi nhà không mát mẻ nhưng ít nhất
cũng tránh được ánh nắng mặt trời, chúng nằng nặc đòi ra ngoài. Mặt chúng đỏ
lên, phồng lên vì cố gắng nhưng mẹ chúng cương quyết không mở cửa. Rèm vẫn
treo, cửa chớp vẫn đóng làm bọn trẻ bí bách. Chúng cảm thấy phổi ngạt thở vì
mùi gỗ, mũi chúng đầy bụi và nếu không được chạy ào ra ngoài nhìn mặt trời, cảm
nhận không khí thì chúng sẽ chết ngạt mất.
-
Mẹ ơi! Nào!
Chúng con xin mẹ! – Bọn trẻ van nài – Chúng con chơi trên hè thôi. Chúng con sẽ
không đi một bước nào ra khỏi hè cả!
-
Các con sẽ đi.
Mẹ biết các con sẽ đi khỏi hè và khi đó thì…
-
Không! Chúng
con sẽ không đi, chúng con không đi – Bọn trẻ van nài mãi, cuối cùng cô đành
mở cửa và bọn trẻ ùa ra hè – giống như một quả vừa tách vỏ do quá chín, hạt
bung ra – cùng với tiếng kêu hoang dại, điên cuồng đến nỗi cô đành quay lại
phòng tắm cùng nước tắm thơm và chiếc sari mới giúp cô tránh khỏi ánh nắng
chiều.
Bọn trẻ đối
mặt với buổi chiều. Trời quá nóng. Quá chói chang. Những bức tường trắng nơi
thềm hè sáng lên trong ánh mặt trời. Cây hoa giấy bò xung quanh tường tỏa ra
từng chùm hoa tím và đỏ. Khu vườn bên ngoài giống như một chiếc khay được tạo nên
từ những mảnh đồng thau vỡ, bị đập phẳng ra trên đám đá sỏi màu đỏ, đám đất đá
lẫn vào mọi kiểu kim loại – nhôm, thiếc, đồng. Vào cái thời điểm khô cằn này trong
ngày chẳng có gì sống động cả, chim chóc rũ ra như quả chín trong những chiếc
tổ trên cây, mấy con sóc nằm ủ rũ trên nền đất ẩm bên dưới vòi nước ngoài vườn.
Con chó nằm dài như chết trên tấm thảm ở thềm, chân trước, tai, đuôi – tất cả
đều rũ ra như người lữ hành đang đi tìm nước. Nó tròn mắt – hai hòn bi ve trắng
trong hốc mắt – nhìn bọn trẻ con, van nài sự thương cảm, cố gắng nâng đuôi lên
để vẫy mừng nhưng không được. Nó chỉ hơi động đậy rồi lại nằm yên.
Có lẽ bị kích
động bởi tiếng la hét inh tai của bọn trẻ con, mấy con vẹt từ cây bạch đàn bỗng
dưng chao xuống, loạng choạng trong bầu không khí tĩnh lặng, nóng chảy mỡ, sau
đó sắp xếp theo đội hình chiến đấu, bay qua bầu trời rực nắng.
Bọn
trẻ con cảm thấy được giải phóng, điên cuồng xô đẩy nhau, điên cuồng bắt đầu.
Bắt đầu cái gì? Bắt đầu công việc của bọn chúng, công việc của bọn trẻ con vào
ban ngày – chơi đùa.
-
Chơi trốn tìm
đi!
-
Ai làm người
đi tìm?
-
Mày!
-
Tại
sao lại là em? Anh ấy!
-
Anh
lớn nhất!
-
Thì
sao?
Tiếng
la hét trở nên ầm ĩ hơn. Vài đứa bắt đầu khua chân múa tay. Mira – cô bé mang
đức tính của một người mẹ - chen vào. Cô đẩy bọn con trai ra. Có tiếng vải rách
nhưng âm thanh đó lẫn đi trong tiếng thở hổn hển nặng nề với tiếng la hét giận
dữ và chẳng ai để ý đến một mảnh vải nhỏ treo lủng lẳng trên vai.
-
Đứng
thành vòng tròn, đứng thành vòng tròn! – Mira hét lên, kiên quyết đẩy cho đến
khi một vòng tròn méo mó hình thành – Nào bây giờ thì vỗ tay! – Nó hét lên, vỗ
tay, tất cả bọn chúng đều đặn hát lên thành điệu: “ Panh, panh, panh – cái áo
xanh ” ... Thỉnh thoảng, đứa này hay đứa khác thấy mình được yên bình khi đôi
bàn tay rơi xuống vào giây phút quan trọng – lòng bàn tay đập vào lòng bàn tay,
hay mu bàn tay đập vào lòng bàn tay – và chạy vụt ra khỏi vòng tròn với một
tiếng kêu, rồi thanh thản, hân hoan chạy đi.
Raghu
phải làm người đi tìm. Nó bắt đầu phản đối và khóc lóc:
-
Anh ăn gian!
Chị Mira ăn gian! Anu ăn gian!
Nhưng muộn quá
rồi, những đứa khác đã chạy đi hết. Chẳng còn ai nghe nó gào theo:
-
Chỉ ở thềm
thôi! Ở thềm thôi! – Mẹ bảo chỉ chơi ở thềm thôi đấy!
Chẳng đứa nào
dừng lại để nghe, nó chỉ nhìn thấy những đôi chân màu nâu của bọn trẻ chạy qua
những bụi cây bò trên tường gạch, trèo qua đống phân, bờ rào. Và sau đó, chỉ còn
lại thềm hè vắng lặng trong bóng tía của cây hoa giấy. Khu vườn lại trống lặng
như trước kia, thậm chí những con sóc mệt mỏi cũng đã bỏ đi, để lại mọi thứ lấp
loáng, trần trụi.
Chỉ có mỗi
Manu bé bỏng bỗng dưng xuất hiện, cứ như nó rơi xuống từ một đám mây vô hình,
từ móng vuốt của con chim. Nó đứng một giây ở trung tâm bãi cỏ màu vàng, mút
tay và gần như khóc lên khi nghe thấy Rughu, đầu dựa vào bức tường của thềm hè
và hét: “Tám ba – tám nhăm – tám chín – chín mươi…”, rồi khi đó nó cuống cuồng
chạy trốn, nửa muốn đi về phía Bắc, nửa muốn chạy theo hướng Nam. Raghu quay
lại vừa đúng lúc nhìn thấy bóng thoáng qua của chiếc quần soóc trắng và vệt
không rõ ràng của đôi xăng đan đỏ. Raghu đuổi theo nó cùng một tiếng kêu rợn
gáy đến mức Manu loạng choạng vướng vào dây xăng đan, ngã xuống và nằm khóc: Em
không làm người đi tìm đâu – anh phải tìm tất cả mọi người – tất cả, tất cả!
-
Tao biết tao
phải, đồ ngu – Raghu nói, khinh khỉnh đá vào Manu – Mày chết rồi – nó nói vẻ
thỏa mãn, liếm những giọt mồ hôi trên môi, sau đó oai vệ bỏ đi tìm kiếm những
con mồi đáng giá hơn, huýt sáo say sưa để những kẻ đang trốn có thể nghe thấy
và run sợ.
Ravi nghe thấy
tiếng huýt sáo và ngoáy mũi hoảng sợ, cố gắng tìm kiếm sự thoải mái bằng cách
đào ngón tay cứ sâu hơn nữa vào lỗ mũi. Nó cảm thấy mình bị phơi bày ra, ngồi
trên một chậu hoa úp ngược ở đằng sau nhà để xe. Nó có thể chui vào đâu bây
giờ? Nó có thể chạy vòng quanh nhà để xe nếu nghe thấy tiếng Raghu đến, cứ chạy
vòng quanh, nhưng nó không tin lắm vào đôi chân ngắn của mình khi phải đối đầu
với đôi chân dài, lực lưỡng, đầy lông của Raghu. Ravi rất sợ đôi chân đó. Lúc
nghe tiếng Raghu vuốt hàng rào dâm bụt, dẫm những ngọn cây dưới chân, Ravi nhìn
xung quanh tuyệt vọng, khó khăn nuốt nước bọt trong nỗi sợ hãi.
Nhà để xe bị
khóa bằng một chiếc khóa nặng nề, người lái xe giữ chìa khóa trong phòng anh
ta. Chiếc chìa đó treo trên tường, bên dưới áo bảo hộ lao động. Ravi đã có lần
nhìn vào, thấy anh ta nằm ườn ra trên chiếc võng, mặc chiếc áo vét và bộ quần
áo ngủ kẻ sọc, lông trên ngực và trong mũi anh ta rung rung theo nhịp cái mũi
nghẹt. Ravi ước sao cậu đủ cao, đủ lớn để với tới chiếc chìa khóa trên tường
nhưng phải nhiều năm nữa cậu mới có thể với tới. Lúc này cậu đã ra ngoài, chán
nản ngồi trên chậu hoa. Ít nhất thì nó cũng được làm vừa với kích cỡ của cậu.
Bên cạnh nhà
để xe là một nhà kho khác có cánh cửa lớn màu xanh. Thậm chí chẳng ai biết chìa
khóa do ai giữ. Nhà kho mở ra không quá một lần mỗi năm, khi mẹ vứt ra tất cả
những đồ gỗ, thảm hỏng, làn thủng và cả những tổ kiến trắng bị diệt. Trong lúc
đó, Flit xịt thuốc vào mạng nhện rồi tổ chuột và làm tất cả những công việc đó
giống như công cuộc cướp phá một thành phố bị xâm chiếm đã đổ nát. Những tấm gỗ
màu xanh làm cửa đã cong queo. Chúng gần như tuột khỏi bản lề han rỉ. Những
chiếc bản lề rất to tạo thành một lỗ thủng giữa cửa và tường – đủ để chuột, chó
và có thể cả Ravi nữa, chui lọt qua.
Ravi chưa bao
giờ quan tâm đến chuyện chui vào nhà xác của những đồ dùng gia đình đã chết
đang chen chúc bên cạnh cuộc sống thầm lặng và kinh khủng của các con vật.
Nhưng khi tiếng huýt sáo của Raghu càng lúc càng có vẻ giận giữu hơn, Ravi bỗng
dưng trườn xuống khỏi chậu hoa, chui vào qua khe hở và biến mất. Nó cười, ngạc
nhiên vì sự liều lĩnh của chính bản thân đến mức Raghu từ bờ rào đi ra, đứng
yên lặng, chống tay lên hông, nghe ngóng và cuối cùng hét lên: Tao nghe thấy
mày rồi! Tao đang đến đây! Chết mày!...
Nó đi vòng
quanh nhà để xe nhưng chẳng nhìn thấy gì ngoài cái chậu hoa bị lật ngược, đám
bụi vàng, lũ kiến trắng bò nhung nhúc trong ổ bị sùi lên ở chỗ cửa vào nhà kho.
Chẳng có gì hơn. Cằn nhằn, nó cúi xuống nhặt cây gậy và bỏ đi, đập đập vào
tường nhà để xe và nhà kho, cứ như đang đánh con mồi của mình vậy.
Ravi lắc lắc
người, run lên vì thỏa mãn, tự chúc mừng mình. Và cả vì sợ hãi nữa. Nhà kho
tối, gây nên sự sợ hãi. Nó có mùi ẩm, như mùi của các nhà mồ. Ravi đã có lần bị
nhốt trong tủ. Nó ngồi đó khóc hơn nửa tiếng trước khi được giải thoát. Nhưng
ít nhất đó là một chỗ quen thuộc, thậm chí tỏa ra mùi đễ chịu của quần áo, và
chắc chắn, cả mùi của mẹ nữa. Còn nhà kho đây chỉ có mùi chuột, kiến, bụi và mạng
nhện. Và cái mùi khó nhận ra, khó định nghĩa của nỗi sợ hãi. Và tối om. Ngoài
lỗ sáng ở cửa thì không còn chút ánh sáng nào cả. Mái nhà rất thấp. Mặc dù Ravi
nhỏ, cậu vẫn cảm thấy như có thể vươn người lên, chạm được ngón tay vào trần
nhà. Nhưng cậu không vươn. Cậu cuộn tròn người lại để không chạm vào bất cứ thứ
gì, hay cảm thấy bất cứ thứ gì. Liệu ở đây có thể có cái gì để chạm vào cậu,
hay cảm nhận thấy cậu khi cậu đứng ở đây, cố gắng nhìn xuyên qua bóng tối? Một
cái gì đó lạnh lẽo, trơn ướt, giống như con rắn. Rắn! Cậu giật nảy mình khi
nghe tiếng Raghu cầm cây que quật vào bức tường – sau đó, nhanh chóng nhận ra
đó là cái gì, cậu gần như cảm thấy nhẹ nhõm nghe thấy Raghu, nghe thấy tiếng
động của chiếc gậy. Nó khiến cậu cảm thấy được bảo vệ.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét