03 tháng 11 2024

03_HÀNH TRÌNH CON GÁI HỌC ĐẠI HỌC_NHỮNG THÁNG NGÀY ĐẦU TRÊN ĐẤT MỸ - HỌC TẬP VÀ HÒA NHẬP

 

Sau vài ngày đầu kêu ca về đồ ăn rất tệ, về việc cảm thấy “như bị đi đày”, con gái nhanh chóng hòa nhập, làm quen với cuộc sống mới. Con và hai bạn cùng phòng, đều là sinh viên năm thứ nhất, có vẻ hòa hợp. Tất nhiên không được thoải mái như ở nhà hay ở một mình nhưng con bảo cũng được, có hôm gọi điện cho mẹ còn bật video để mẹ và các bạn chào nhau. Rồi có hôm con kể bạn ấy bảo bạn ấy không nói được với mẹ những chuyện như con nói.

Khoa đàn harp của con có hơn 10 bạn/anh/chị và tất nhiên con là sinh viên Việt Nam đầu tiên. Mọi người quý con, lôi kéo con vào mọi hoạt động chung, thỉnh thoảng con lại kể hôm nay con đi ăn cùng các anh chị, hôm nay cả nhóm về nhà một chị cùng nhau ăn uống, có bạn mời con về nhà chơi rồi đấy (nhà bạn đó ở Huston), con đang đi ngắm cực quang, con đi hội chợ đàn harp, con đi lễ hội Halloween... Con tin tưởng mẹ, hôm đi ngắm cực quang cùng các chị con gọi điện để mẹ chào các chị, khi mẹ cảm ơn vì các chị chăm sóc con, một chị nào đó hét lên rằng con là cô bé rất tuyệt. Wow, yên tâm quá rồi. Tính quảng giao – điều khi ở nhà làm mẹ phát điên vì con có quá nhiều bạn - thực sự giúp cuộc sống của con ở nơi mới trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Giao lưu với các anh chị cũng giúp con hiểu rõ hơn về việc học. Thấy ai cũng học thêm một bằng phụ để có thêm lựa chọn cho tương lai, hoặc đơn giản có thêm kiến thức, kỹ năng mới, con gái cũng xin phép mẹ đăng ký học thêm bằng phụ ngành Music business/Kinh doanh âm nhạc. Từ kỳ sau mỗi tuần con sẽ phải học thêm 1-2 buổi các môn mới của ngành phụ. Con có khả năng học, mẹ có khả năng chi trả thì tại sao không. Ai mà biết được những kiến thức, kỹ năng đó sẽ hữu ích thế nào cho con trong cuộc sống tương lai.

Việc học của con cũng rất tốt. Một hôm con gái chụp ảnh khoe bài kiểm tra cô giáo vừa trả với điểm rất cao. Mẹ hỏi cảm tưởng, con gái bảo, bình thường, con có gene học giỏi của mẹ mà :P. Hứng chí lên, hôm khác nàng k con được gọi lên bảng làm bài, có 8 câu, thường mỗi người làm 2 câu rồi về chỗ, con làm một lèo 7 câu, cả lớp (khoảng 20 bạn) tròn mắt. Rồi trong một bài tập ký xướng âm, lẽ ra cần nghe đi nghe lại mấy lần, con vừa nghe 2 lần, cô đi ngang qua thấy kết quả của con xong cô bảo con về trước đi, kết quả của con đúng hết rồi. Việc học đàn của con cũng tốt. Chơi đàn là niềm yêu thích, vậy nên con dành nhiều thời gian tập đàn, và đương nhiên được cô giáo rất yêu quý.

Rất may mẹ có một cô người quen sống cách trường con vẻn vẹn khoảng 40' lái xe. Dịp nghỉ 3/9 cô chú đến đón con về nhà chơi, chỉ cho con cách học để lấy chứng chỉ lý thuyết lái xe, kết nối con với người dạy lái xe, để rồi bây giờ, mới sau đúng 3 tháng sang Mỹ thì con đã có bằng lái xe. Con gái bảo mẹ, oài, dịp nghỉ đông con có thể lái xe đến dàn nhạc được rồi nhỉ, con thấy thật ngầu. Ngầu thật ấy chứ, mẹ giục mãi mà anh Tuấn còn chưa chịu học đây nè.

Trường không gần trung tâm, chả có gì để chơi bời, vậy nên cuộc sống của con hoàn toàn gói gọn trong khuôn viên nhà trường. Sáng đi học, chiều có thể cũng có giờ, tuần 2 buổi tập cùng dàn nhạc, rồi lên thư viện học, tập đàn. Con hay tập đàn khá muộn, đến 9-10h đêm là chuyện bình thường, rồi hay tập gym lúc 11.00 -12.00 đêm, sau đó về đi ngủ. Mẹ thắc mắc sao tập muộn vậy, nàng bảo tầm đó cho vắng. Ăn ở canteen khá chán vì ít thay đổi nhưng cũng chịu được và nàng kể con ăn nhiều, cứ mỗi thứ một tý, tranh thủ ăn nhiều cho khỏi phí tiền mẹ đóng. Tranh thủ tập gym, tranh thủ hết mọi dịch vụ dành cho sinh viên để khỏi phí tiền mẹ đã đóng J. Ngày nào con cũng đi bộ tầm 6km đấy. Oài, cách sống rất lành mạnh luôn!

Lúc mới sang con chưa tự tin đi xin việc, nhưng gần đây thì con gái bắt đầu tích cực rồi. Đã nhờ mẹ thảo cho cái thư xin việc đầu tiên và sau đó đã nộp 2 chỗ. Con gái cũng “cảnh báo” mẹ, năm đầu tiên nhớ nhà nên con về, mẹ chuẩn bị tinh thần 3 năm tới sẽ không nhìn thấy mặt con đâu, hè con tranh thủ đi làm, đi học thêm. Con bảo hè tới con sẽ đi Chicago, xin vào làm ở hãng Lyon&Healy và học chứng chỉ bảo dưỡng đàn harp của họ. Tốt quá nhưng làm sao con xin vào được. Cô giáo bảo sẽ giới thiệu con. Wow, cô con gái mẹ trưởng thành quá rồi. Giờ thì mẹ đã hoàn toàn yên tâm về con. Một thời gian nữa, khi có việc làm thêm đều đặn con thậm chí có thể nuôi xe riêng ấy chứ J

Chúc mừng con và mong chờ đến ngày con về nghỉ đông. Mẹ đang đếm từng ngày đây!

Tham gia lễ hội Halloween
Nàng đi hội chợ đàn harp đây


30 tháng 10 2024

CÔNG VIỆC THỨ BA CỦA CON TRAI – ĐỈNH CỦA CHÓP 😊

 Đầu tháng 7 bắt đầu đi làm ở một công ty khá hoành tráng, lại ở ngay trung tâm, con trai sung sướng lắm, náo nức bắt tay vào công việc mới. Cả tháng đầu tiên được dành cho việc đào tạo. Những ngày đầu chàng trai phải báo cáo về việc học cho nhóm trưởng theo ngày, rồi mấy bữa sau thì cách ngày – làm bài kiểm tra viết hẳn hoi. Những câu chuyện chàng trai chia sẻ thường là, anh ấy ngạc nhiên với tốc độ học của con, anh ấy bảo con học nhanh thật, khóa đào tạo được thiết kế cho 24 ngày mà mới 12 ngày con đã gần xong... Đại để vậy. Qua hết tháng đầu tiên thì chàng trai được giao công việc chính thức – đầu tiên là một nhiệm vụ nhỏ, rồi tiếp theo là một nhiệm vụ khó hơn sau khi đã chứng tỏ được năng lực ở nhiệm vụ đầu. Ở lần thứ hai, chàng trai được tín nhiệm giao nhiệm vụ khó nhất của dự án đó, dù trong team chàng là người trẻ tuổi nhất, lính mới nhất. Như mọi khi, chàng vẻ mặt rất trẻ con, làm thêm động tác đấm ngực ra vẻ tự hào và hỏi mẹ, mẹ thấy con giỏi không. Hì hì, tất nhiên là giỏi.

Tuy vậy, những điều không ưng ý bắt đầu xuất hiện. Sau khi chàng bắt đầu công việc được vài tuần thì công ty đổi thời gian làm – trước kia là 8h-17.30, giờ đổi thành 8.30 – 18.00. Tuy chỉ tan muộn hơn nửa tiếng nhưng chàng bị lỡ chuyến xe lúc trước vẫn đi và thường xuyên về muộn hơn không phải 30’ mà nhiều khi 45’ hoặc cả tiếng. Tiếp theo, một sáng thứ Bảy chàng được yêu cầu đi tập huấn – thỉnh thoảng sẽ có những buổi tập huấn như vậy, tháng 1-2 lần vào sáng thứ 7 trong khoảng thời gian 9.00-12.00 – mà không được tính là làm ngoài giờ. Chính sách của công ty cũng yêu cầu nhân viên phải tự học một khóa học của Microsoft ngoài thời gian làm việc. Chàng than van, mẹ bảo, mẹ thấy có gì to tát đâu, đi học thì con được thêm kiến thức, có một buổi sáng, đằng nào con cũng chỉ ngủ ấy mà, các con còn trẻ, phải cống hiến trước rồi mới yêu cầu quyền lợi sau chứ. No no, mẹ suy nghĩ cổ hủ rồi, cống hiến gì ở đây, họ cần chất xám, con bán chất xám, phù hợp thì làm cùng nhau, không phù hợp thì thôi. Nếu đi sáng thứ 7 là con mất 1/4 cuối tuần rồi đấy, con không cho phép ai lạm dụng sức lao động của con cả. Chàng xin nghỉ buổi tập huấn đầu tiên và đã nhen nhóm ý định bỏ việc.

Chàng bắt đầu dành thời gian lang thang các trang mạng tìm việc, thỉnh thoảng lại khoe với mẹ con thấy việc này việc kia phù hợp. Thứ chàng thích nhất là làm việc ở nhà. Một hôm chàng tìm được một công việc hoàn toàn làm ở nhà. Wow, chàng nộp đơn ngay và lập tức được bên đó gọi. Sau cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại với nhân viên nhân sự, nhân sự nhanh chóng sắp xếp một cuộc phỏng vấn thứ hai với người phụ trách chuyên môn. Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp – chàng đã  có khối kinh nghiệm từ một số lần trước đó rồi – và cũng nhanh chóng như vậy họ đề xuất một mức lương tăng 20% so với công ty cũ. Mẹ và chàng đều thấy như vậy là rất okie rồi nhưng chẳng nhẽ không thương thuyết gì. Chàng nói với nhân sự rằng mức lương họ đề xuất là ổn rồi, tuy nhiên nếu được thì chàng muốn được tăng thêm một chút. Cũng nhanh như khi công ty đưa ra lời đề nghị, họ lập tức rút lại, bảo rằng trong lúc chàng cân nhắc như vậy họ quyết định chọn người khác rồi. Cả mẹ và chàng đều thấy khá kỳ quặc. Mẹ bảo đừng tiếc, đấy có thể là một dấu hiệu cảnh báo về việc công ty hoàn toàn không để cho mình đưa ra ý kiến. Dù sao, việc được một nơi khác nhận như vậy giúp chàng thêm tự tin vào năng lực bản thân cũng như giới hạn mà chàng có thể.

Giọt nước làm tràn ly ở nơi làm khi đó là một thứ Bảy được yêu cầu đi tập huấn. Chàng vùng vằng, con không đi, cũng chẳng thèm báo họ luôn. Mẹ thuyết phục rằng mình nên cư xử chuyên nghiệp, vậy là đâu đó khi buổi tập huấn gần kết thúc chàng gửi tin nhắn báo rằng ngủ quên. Sáng thứ Hai sau đó cả anh trưởng nhóm và sếp to hơn đều gặp riêng chàng nói chuyện, nhắc nhở về việc nghỉ phải xin phép, bây giờ còn trẻ chưa nên nghĩ đến hưởng thụ, bla bla. Thời điểm đó chàng đã thực sự chán và rất muốn thôi. Công ty chuẩn bị giao cho chàng một nhiệm vụ khá khó, tương đương với trình độ của senior/người đã có kinh nghiệm. Nếu nghỉ việc thì nên nghỉ ngay vì khi đã nhận nhiệm vụ thì rõ ràng nên theo đến cuối – tức vài tháng nữa. Chẳng nghĩ thêm gì nhiều, ngay hôm sau chàng báo xin nghỉ, và chàng được cho nghỉ trong vòng một nốt nhạc, khỏi cần 30 ngày như trong hợp đồng. Vậy là chàng đã sa thải sếp chỉ sau đúng 3 tháng làm ở công ty thứ hai 😊.

Con cần nghỉ ngơi tý đã rồi mới tìm việc. Lần này chàng đặt mục tiêu cao hơn, mức lương mong muốn của chàng là gấp rưỡi công ty cũ. Mẹ đã quen với tính chàng và cũng tin tưởng chàng hơn nhiều nên bảo tùy con lượng sức mình. Nếu sau một tháng mà chưa tìm được việc thì con có thể hạ thấp tiêu chuẩn, còn giờ con đặt mục tiêu thế cũng được.  

Nghỉ đến hơn 10 ngày thì chàng nộp đơn – cùng một lúc nộp cho vài nơi. Chỉ có một nơi liên lạc lại với con để phỏng vấn nhanh, thật may, cũng là nơi con thích nhất trong số 3-4 chỗ nộp đợt đó. Sau khi phỏng vấn nhanh qua điện thoại họ cũng ngay lập tức đề xuất đến phỏng vấn trực tiếp lần thứ hai. Vì con tỏ ra rất thích công việc đó nên mẹ khuyến khích con tìm hiểu thật kỹ về công ty và chuẩn bị cho việc trả lời phỏng vấn. Vừa phỏng vấn xong chàng trai lập tức gửi tin nhắn cho mẹ - con được công ty nhận rồi nha. Cái gì, ảo thế, vừa phỏng vấn đã có kết quả luôn á? Câu chuyện của chàng tối đó rất thú vị. Hôm nay cuộc phỏng vấn của con kéo dài khoảng tiếng rưỡi, một nửa thời gian anh ấy hỏi con, một nửa thời gian con hỏi anh ấy. Chị nhân sự cũng bảo chẳng giống phỏng vấn gì cả 😊. Đến cuối buổi anh ấy tính toán số tiền con có thể nhận được trong một năm và bảo, coi như đây là lời đề nghị dành cho em nhé, con bị đơ mất khoảng 30 giây ý. Trong cuộc phỏng vấn anh ấy nói một điều giống như con đã nói với mẹ ý, có những người mãi mãi chỉ dừng lại ở trình độ bậc trung, nhưng con tin anh ấy nhìn thấy tiềm năng ở con và muốn đầu tư vào con.

Chàng trai lâng lâng mấy ngày liền, nói đi nói lại với mẹ, con cũng tự thấy mình giỏi thật. Công nhận giỏi, trong lúc nhiều bạn con vẫn đang chật vật tìm việc thì con đã nhảy tới công ty thứ 3 với mức đãi ngộ thực sự rất tốt, làm mẹ choáng luôn. Mẹ trêu chàng, giờ mẹ thất nghiệp con nuôi mẹ được rồi, chả mấy chốc lương con sẽ cao hơn của mẹ ý chứ.  Thôi, giờ thì ngồi yên ở đây nhé, cứ nhảy việc liên tục không phải là điều tốt đâu. Vâng vâng con biết rồi. Mẹ và chàng đều thống nhất rằng mức đãi ngộ của công ty là mức đỉnh của chóp đối với độ tuổi và kinh nghiệm của con rồi.

Hợp đồng đã ký. Chàng trai cho phép bản thân nghỉ ngơi thêm 2 tuần trước khi bắt đầu công việc mới. Chúc mừng chàng trai của mẹ. Con làm mẹ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mức đãi ngộ cao tất nhiên là rất tốt, nhưng điều còn tốt hơn là con chứng tỏ được khả năng của bản thân, và điều đó cho con niềm vui, sự tự tin. Chúc mừng con với một chặng đường mới, một công ty mà mẹ mong con gắn bó lâu dài và tiếp tục trưởng thành. Yêu con trai của mẹ rất nhiều!

14 tháng 9 2024

RỒI SẼ BÌNH YÊN, BÌNH YÊN THÔI!

 

Hai mẹ con lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ Bali suốt từ tháng 6 và cũng mong ngóng suốt từ đó. Những ngày ở Bali hai mẹ con đã thực sự được tách ra khỏi công việc, sung sướng tận hưởng việc đi chơi, khám phá một nền văn hóa mới. Tuy vậy, lúc này lúc khác mình vẫn đọc tin tức một chút và cách ngày bay về 2 hôm thì mình bắt đầu quan tâm thực sự tới cơn bão số 3 – cơn bão sau đây chắc hẳn sẽ được lưu lại trong lịch sử như cơn bão mạnh nhất trong vòng nửa thế kỷ trở lại. Tin tức ngày càng làm mình hoang mang. Trước ngày bay 1 ngày thì mạng đã thông tin rộng rãi về việc sân bay Nội bài sẽ đóng cửa gần như cả ngày hôm mình bay về - là ngày cơn bão đổ bộ xuống Hà Nội, từ 9.00 sáng tới 7h tối với hàng trăm chuyến bay bị hủy. Theo lịch thì chuyến của mình sẽ hạ cánh lúc 21.45, tức sau khi sân bay mở lại, nhưng mình tư duy rằng các chuyến bay bị delay trước đó sẽ được ưu tiên nên đã chuẩn bị tinh thần chuyến của mình sẽ bị hoãn tương ứng. Mình lập tức xem bảo hiểm du lịch mà lần nào đi mình cũng mua để được bảo hiểm ở mức cao nhất. May quá, bảo hiểm chi trả trong trường hợp máy bay bị hoãn từ 8 tiếng trở lên với mức chi trả có thể nói là rất khá, đủ cho hai mẹ con không phải tốn thêm đồng nào mà lại được nghỉ ngơi một cách thoải mái. Phù, yên tâm được một điểm.

Mình theo dõi thông tin thường xuyên, báo sơ bộ với sếp về việc chuyến bay của mình có thể bị hoãn, tìm khách sạn để đặt nếu cần ở lại thêm, hỏi đại lý vé máy bay về tình hình chuyến bay. Sân bay Nội bài được thông báo sẽ đóng cửa đến 21.00, rồi sau đó đến 22.00. Đến 11h sáng hôm đó thì thông tin mình nhận được là chuyến bay vẫn bình thường. Mình cứ băn khoăn, ở lại hay về. Ở lại khi chuyến bay không bị hoãn/hủy sẽ khá rắc rối. Các chuyến bay không nhiều, sẽ khó khăn để mua lại được vé ngày hôm sau cho hai mẹ con. Hai mẹ con đã đi nghỉ cả tuần, việc của mình dồn lại khá nhiều, vào đúng thời điểm công việc khá bận. Chắc chắn người ta đã phải tính toán cẩn thận khi nào có thể mở lại sân bay để đảm bảo an toàn. Vậy thôi, cứ trôi theo dòng nước, chuyến bay hủy thì ở lại, mà bay thì về. Bão đã vào đến Hải phòng, Quảng Ninh, Hà nội thì bắt đầu mưa. Tuấn giục mẹ gọi cho bác hàng xóm nhờ sang kiểm tra, đóng các cửa giúp. Mình gửi tin nhắn dặn dò con gái những điều quan trọng nhất – mã két, các tài khoản. Bay về nơi đang bão, thực sự trong lòng mình có đôi chút lo lắng.

Trả phòng khách sạn lúc quá trưa xong hai mẹ con quyết định ra sân bay. Lịch chuyến bay không thấy bị thay đổi, hai mẹ làm thủ tục và vào phòng chờ như bình thường. Đến giờ lên máy bay vẫn theo lịch như bình thường. Tuy nhiên, gần đến giờ cất cánh thì hành khách được thông báo do tình hình thời tiết nên sân bay Nội bài sẽ đóng cửa đến 24.00 và chuyến bay sẽ xuất phát muộn hơn 2 tiếng, tất cả hành khách ngồi yên tại chỗ. Mãi rồi máy bay cũng cất cánh, muộn hơn lịch dự kiến tới 2.5 tiếng. Trước khi máy bay cất cánh, lúc gần 8h mình gọi cho chị hàng xóm một lần nữa, chị bảo yên tâm, chị đã kiểm tra rồi. Chả yên tâm cũng không làm sao được. Trên nhóm dân cư tin nhắn đổ về ào ào, nước đã lọt vào tầng một, có nhà đã bị nước ngấm vào nhà qua cửa sổ, mọi người đang tìm cách chặn lại các cánh cửa kính chỗ cửa ra vào để ngăn bớt gió…. Hai mẹ con bảo nhau chuẩn bị tinh thần ngủ lại sân bay Nội bài vì khả năng sẽ không có xe. Chuyến bay 5 tiếng thấy lâu hơn bình thường, mình không chợp mắt được tý nào, hết đọc sách lại viết blog về chuyến đi, một lúc nào đó mình chợt nhớ đã không nhờ chị hàng xóm rút điện của một ổ cắm nối dài đang đặt trên nền nhà. Haiza, nước mà tràn ra nền thì lớn chuyện đây, dù khi ở chung cư những việc như vậy rất hy hữu.

Mãi rồi máy bay cũng hạ cánh lúc 12.10 đêm, chỉ ít phút sau khi sân bay Nội bài mở cửa, chắc hẳn là một trong những chuyến đầu tiên. Chỉ còn mưa nhỏ và gió vừa phải. Đã tưởng phải ngủ tại sân bay nhưng may quá ra đến bên ngoài thì mình được một em mời chào với giá gần gấp đôi mọi khi mình đi. Tầm này còn mặc cả gì nữa, mình và cậu con trai lên xe luôn. Chiếc xe dò dẫm trong khung cảnh cơn bão vừa đi qua. Đường tối do rất nhiều đoạn không còn đèn đường. Những hàng cây đổ rạp. Lá cây bị cơn bão vặt rải một lớp trên đường. Tin nhắn của nhóm cư dân tới tấp đổ về. Hình ảnh căn hộ 1801 nước tràn từ trong căn hộ ra ngoài hành lang làm mình lo lắng. Tèo rồi, căn hộ đó cùng trục với nhà mình, nhà họ bị chắc gì nhà mình được yên. Mình lo lắng về ổ điện nối dài trên sàn nhà, Tuấn thì chợt nhớ ra chiếc máy tính xưa giờ vẫn đặt trên nền. Vào đến Ecopark là một khung cảnh hoang toàn đổ nát. Những tàu lá cau vua bị cơn bão vặt vứt la liệt xuống đường. Nhiều cây rất to bị đổ gục, có đoạn chắn ngang đường, xe phải lùi lại đi sang làn khác. Một khung biển quảng cáo rất to ở đoạn đầu Ecopark cũng bị đổ gục ra đường. Hai mẹ con xuống xe gió vẫn thổi ù ù và có vài hạt mưa nhẹ. Cả hai cửa ra vào tòa nhà đều bị đóng và chặn bằng rất nhiều thứ. Anh bảo vệ chỉ xuống tầng hầm, Tuấn thì nghĩ ra cách leo cầu thang bộ lên. Vào đến nhà, mở cửa thấy nhà cửa vẫn khô ráo mình thở phào. Rất may hàng xóm đã chạy qua chạy lại kiểm tra và giúp nhà mình lau nước khi nước ngấm qua khe cửa sổ vào phòng ngủ. Một chuyến đi bão táp từ sân bay về nhà, nhiều đoạn như trong một bộ phim kinh dị, với thời gian đi lâu gấp rưỡi mọi khi.

Những ngày tiếp theo là khoảng thời gian kinh hoàng. Mưa to, sạt lở, lũ ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, nơi nào cũng có gia đình, người quen, bạn bè. Mình bị ám ảnh, suốt ngày đọc tin tức mà lòng nặng trĩu. Hà Nội nước sông dâng cao, ở thời điểm căng thẳng đã phải cấm cả cầu Long Biên và hạn chế ở cầu Chương Dương. Nước sông mênh mông, ngập lút những bãi bờ, nhà cửa ở ngoài đê. Những mảng ký ức còn lại loáng thoáng từ tuổi thơ – năm mình hơn 7 tuổi, khi từ nhà xuống Hà Nội để vào học lớp 2, cũng là mùa mưa, chiếc xe commăngca vượt được khoảng 1/3 suối chỗ cầu 32 bây giờ thì phải quay lại vì nước chảy xiết quá. Mãi về sau bố vẫn nhắc, lúc đó nếu có một cơn lũ bất ngờ về thì chiếc xe dễ dàng bị cuốn trôi. Rồi một năm nào bố cũng đưa mình đi học, đoạn Việt trì-Bạch hạc nước mênh mông, tàu phải tăng bo (từ này giờ là từ cổ, chắc không nhiều người biết, có nghĩa là tàu họ thả ở một điểm, mọi người tự tìm phương tiện đi đến điểm tiếp theo để lên được tàu đi tiếp.) Bố và mình ngồi trên chiếc thuyền mỏng manh như lá tre đi qua vùng nước ngập – những mái nhà chỉ còn nhô lên tý ty trong nước – để sang nơi tàu đang đợi đón. Hóa ra mình đã có khá nhiều trải nghiệm với mưa bão lũ lụt từ khi còn bé tý.

Sau gần một tuần chìm trong bão lũ và mưa hôm qua Hà Nội nắng lên rồi. Nước đã rút nhiều dù chiều hôm qua đứng từ đê Bát Tràng thấy có các đoạn trong làng vẫn bị ngập nước. Ecopark đã được dọn dẹp một phần. Các thành phố lớn nước đã rút hết từ đôi ba hôm, cuộc sống bắt đầu trở lại nhịp thường ngày. Cuộc sống sẽ phải tiếp diễn, như muôn đời vẫn thế. Mình cứ tự nhủ, rồi sẽ bình yên, bình yên thôi, nhưng mình biết, rồi sau đây chúng ta, con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với những thiên tai, thảm họa như thế này thường xuyên hơn, dữ dội hơn. Mà chúng ta thì hoàn toàn bất lực L. Dẫu biết vậy, vẫn cầu mong cho các con, cho người thân, bạn bè của mình mọi điều bình an. Giờ thì mình đã hiểu rõ biết bao giá trị của hai từ đó!


08 tháng 9 2024

NHẬT KÝ BALI_03_NỀN VĂN HÓA HUYỀN BÍ VÀ RỰC RỠ

 

Khi lên kế hoạch cho chuyến đi mình cố gắng cân bằng giữa thời gian dành cho thiên nhiên và văn hóa. Nhưng thiên nhiên Bali quá đẹp mà văn hóa thì cũng đặc sắc vô cùng, không biết nên thăm gì bỏ gì. Vì thế vụ chọn địa điểm này mình loay hoay mãi mới quyết định xong.

Ở Bali có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng, mỗi ngôi đền lại có một điểm đặc sắc nào đó và hầu hết đều là các ngôi đền của đạo Hindu do có tới khoảng 86% dân số theo đạo Hindu. Ngôi đền mình chọn cho buổi tối ngày đi chơi đầu tiên là Uluwatu, một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ 11, nằm cheo leo trên một mỏm đá nhô ra biển. Bản thân ngôi đền không to nhưng khuôn viên toàn bộ khu đền khá rộng, từ điểm trung tâm là ngôi đền có hai con đường bậc thang dẫn ra khá xa để có thể ngắm toàn cảnh ngôi đền từ hai phía, hoặc đơn giản ngắm những con sóng xô vào chân bờ đá. Đền có một khu sân khấu ngoài trời sức chứa tới cả nghìn người, được sử dụng để biểu diễn múa Kecak và múa lửa vào mỗi tối, lúc 18.00 và 19.00. Ngồi trên khán đài trong ánh hoàng hôn, ở tít phía xa kia mặt trời đỏ lựng đang dần chìm xuống biển, trong tiếng hát lúc to lúc nhỏ thay cho nhạc cụ của hơn 50 người đàn ông, ngắm nhìn điệu múa ma mị, kỳ quái của những vũ công trong vai nữ và nam thần, mình tưởng như đang quay trở lại quá khứ rất xa xưa nào đó trong một bầu không khí đầy huyền ảo. Trong lúc ngồi chờ show diễn mình sơ sơ nhẩm tính, mỗi vé 10 đô, chương trình mình xem cả nghìn khách, vậy là 10k đô ngon ơ, chưa kể vé vào đền mỗi người 3.5 đô nữa. Kể cả show thứ hai lúc 7h nhiều khả năng vắng khách hơn tương đối thì rõ ràng nguồn thu của họ không hề nhỏ chút nào, theo một cách hoàn toàn chính đáng.

Ngôi đền cheo leo trên vách núi, trông thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ
Show múa Kecak trên sân khấu ngoài trời của đền

Đền Ulan Danu Beratan nằm cách thị trấn Ubud khoảng 40km, tương đương với hơn một tiếng xe qua những thị trấn, làng mạc với vô vàn những ngôi đền lớn nhỏ. Những ngôi đền có thể của gia đình, giống như miếu của một nhà nào đó ở Việt Nam, nhưng luôn luôn ở quy mô lớn hơn, được xây dựng cầu kỳ hơn. Những ngôi đền của dòng họ thường to hơn đền của gia đình, rồi đền của làng và những ngôi đền lớn là của chung toàn thể cộng đồng người Hindu. Những ngôi đền của gia đình, đôi lúc có thể khá to, được giữ gìn từ đời này sang đời khác, con cháu không bao giờ được bán khu đất đó đi và nếu trong gia đình không còn ai, người ta sẽ chuyển giao ngôi đền đó cho làng trông coi. Đền Ulan Danu Beratan nằm bên một chiếc hồ rất đẹp với những ngọn tháp nhô lên trên mặt hồ. Mình cứ thắc mắc về chất liệu mái của những ngôi đền, giống như lông đuôi một loài nào đó. Bằng thứ tiếng Anh không tốt lắm, bác lái xe giải thích rằng đó một loại lá gọi là alang alang, được bện lại, chắc giống kiểu đánh tranh của nhà mình, để lợp. Ban đầu, những mái như vậy có màu vàng rơm, theo thời gian sẽ chuyển sang màu tối, gần với màu đen. Định kỳ (5-7 năm) người ta sẽ phải thay mái khi nó hỏng. Không hổ danh là thiên đường du lịch, trong khi người ta giữ gìn truyền thống rất tốt bằng cách không cho khách du lịch vào khu đền chính mà chỉ có thể đi vòng xung quanh ngắm, người ta đã tạo nên ở vòng ngoài ngôi đền những chỗ check-in tuy đơn giản nhưng thu hút khá đông khách du lịch dễ tính – đại để những chiếc vòm cổng, bãi cỏ, vườn hoa…, và thậm chí cả khu vui chơi cho trẻ em, quán ăn, nhà hàng…

Đền Ulan Danu bên bờ hồ đẹp tuyệt vời
Những ngôi đền của gia đình hay của dòng họ, của làng như thế này gặp rất nhiều nơi những con đường mình đi qua

Đền Tirta Empul hay còn gọi là Holy Spring Temple/Đền nguồn nước thiêng là nơi người ta đến để thanh tẩy cơ thể và tâm hồn. Nghi thức bắt đầu bằng việc cầu nguyện, dâng lễ vật và kết thúc bằng việc vào hồ nước thanh tẩy qua 12 vòi nước chảy ra từ nguồn nước thiêng. Người theo đạo Hindu sẽ chọn ngày kỹ lưỡng để đến đền thực hiện nghi lễ này, và nhiều gia đình chọn mang trẻ sau 3 tháng tuổi đến đây làm nghi lễ như một cách cầu xin may mắn bình an cho đứa trẻ mới sinh. Hôm đến thăm đền, khá funny, mình thấy có ít nhất hai cô Tây mắt xanh tóc vàng cũng ngồi khấn bái xì xụp và vào hồ nước thiêng thanh tẩy sau đó J.

Xếp hàng chờ thanh tẩy cơ thể bằng cách để đầu lần lượt dưới các vòi nước

Các bảo tàng là một điểm không thể bỏ qua khi đến Bali. Không thể ngờ trên một hòn đảo diện tích chỉ chưa tới 6000 km2 mà có tới 11 bảo tàng lớn nhỏ. Mình chỉ có thể ghé qua 3 bảo tàng nổi tiếng nhất – Museum Pacifika, Agung Rai Museum of Arts và Bali Museum, hiểu thêm về lịch sử bị Hà lan cai trị của hòn đảo, về nền văn hóa và nghệ thuật huyền bí và rực rỡ của hòn đảo này. Chưa nói tới các tác phẩm, mà bộ sưu tập kiếm keris trong Bali Museum khiến chàng trai thích mê, thì bản thân các tòa nhà bảo tàng, những đường chạm trổ, cánh cửa, cổng vòm đã là những tác phẩm tuyệt vời.   

Một khung cổng trong Bảo tàng Bali. 
Hóa ra từ thời đầu thế kỷ 20 tòa nhà Bảo tàng Bali đã là nơi check-in của các nam thanh nữ tú Bali mà ngày đó nữ tú còn có thói quen để ngực trần :)

Văn hóa truyền thống Bali thực sự được lưu giữ vô cùng tốt. Bên cạnh kiến trúc và đền chùa thì nghệ thuật biểu diễn là một điểm độc đáo khác của Bali. Ở thị trấn Ubud các chương trình múa Legong và múa Barong được tổ chức gần như hàng tối ở bảo tàng nghệ thuật Agung Rai và cung điện Ubud. Cả hai khách sạn/resort của mình ở Nusa Dua hay Kuta cũng đều đặn có các chương trình biểu diễn như vậy. Mình không đi xem chương trình nào ở Nhà hát Bali nhưng thoáng thấy tờ áp phích quảng cáo chương trình nghệ thuật dân tộc rất hoành tráng. Chương trình múa Legong mình xem ở cung điện Ubud kéo dài 1.5 tiếng, giá vẻ vỏn vẹn 7 đô, gồm 5 tiết mục, trong đó những tiết mục thu hút mình hơn là do các vũ nữ múa. Hai mẹ con vô cùng ấn tượng với cách các vũ nữ điều khiển mắt và đầu, lúc thì dịu dàng như một bông hoa hay nữ thần sắc đẹp, lúc khác đôi mắt trừng lên trông rất dữ tợn. Bất chợt mình so sánh với Tinh hoa Bắc bộ giá vé ít nhất gấp 3 lần mà sau lần cuối đi xem cách đây gần 1 năm thì mình đã tự nhủ không có lý do gì đi thêm lần nữa.

Múa Legong ở công viên văn hóa GWK
Múa Legong ở Cung điện Ubud

Trọn vẹn 5 ngày lang thang, mẹ con mình được đắm mình trong bầu không khí rất riêng biệt của Bali. Những người phụ nữ Bali quấn sà rông đầy duyên dáng, đôi khi cài thêm bông hoa đại trên tóc, cứ như thể ai cũng bước ra từ những cánh cửa xa xưa. Những người đàn ông quấn sà rông hiền lành, thật thà và nhiệt tình, dù khi mình ở trong resor hay cần hỏi đường ở bên ngoài. Khi ở bãi Diamond beach, bỏ lại chiếc túi có máy tính trong xe để đi ngắm cảnh, sau khi đã dặn bạn lái xe 2 lần là mình để máy tính trong xe mà thấy bạn ấy vẫn chưa khóa cửa xe, mình rất lo lắng, hỏi thêm lần nữa, bạn ấy thản nhiên bảo, có bảo vệ kia rồi mà, tự dưng thấy mình như đã bị thói không tin người ăn vào máu mất rồi L. Thức ăn Bali dễ ăn, tuy đôi lúc hơi mặn chút. Hai mẹ con đã thử nào lợn sữa quay, nào vịt quay, gà nướng, thịt lợn nướng… Tuy thế mình đã không thử món hải sản nướng nổi tiếng trên bờ biển Jimbaran, vì trải nghiệm với món hải sản ở resort trước đó quá chán, làm Tuấn gàn mình. Thôi, hải sản thì mình về chợ nhà, vài trăm nghìn là đủ ăn nhòe hải sản tươi ngon J.

Thế là mình đã thực hiện được thêm một ước mơ nho nhỏ, đến thăm được một vùng đất mới. Tạm biệt Bali và hẹn gặp lại. Biết đâu đấy, vẫn còn nhiều điểm mình muốn khám phá ở đây lắm – núi lửa Batur, đảo rồng Komodo hay bãi cát hồng… Mình sẽ tiếp tục mơ!

Những cánh cổng thế này rất đặc trưng của Bali. Đây chỉ là cánh cổng vào một khu sân golf/resort tên là Handara và muốn chụp chính giữa thì phải xếp hàng cả tiếng. Muốn chụp ảnh với cánh cổng "hịn" ở một ngôi đền khá xa thì xếp hàng vài tiếng là chuyện thường

Những hoa văn cầu kỳ thế này có thể gặp ở khắp nơi ở Bali
Ở các ngã ba, ngã tư rất thường xuyên có những bức tượng thần kiểu thế này, và dưới bệ tượng cũng có chỗ đặt hoa cúng luôn

Để vào đền Saraswati thì phải mặc sarong, và chỉ được đi loanh quanh bên ngoài, không được vào khu đền chính sau cánh cổng kia

Cung điện Ubud, nếu là cung điện của vua thì có vẻ hơi nhỏ, nhưng nếu là cung của lãnh chúa thì khá to



07 tháng 9 2024

NHẬT KÝ BALI_02_ĐẾN BALI MÀ CHẲNG ĐƯỢC TẮM BIỂN Ở BALI

 

Vì cậu con trai thích tắm biển vậy nên ưu tiên của mình khi chọn resort luôn là có bãi tắm riêng. Hai mẹ con đã có 2 tối ở Bali Tropic Resort and Spa rất đáng nhớ. Resort rộng, các vila và phòng ngủ thiết kế theo phong cách truyền thống của Bali với những chi tiết chạm trổ cầu kỳ. Bữa tối ở nhà hàng bên bãi biển có nhạc sống thực sự rất tuyệt. Tuy vậy, bãi biển riêng không đẹp như mình mong đợi, khá bé, nước trong nhưng có một số sợi rong rêu mà mình e là đặc điểm của khu vực, và do mải đi chơi nên ngoài việc ngồi ăn tối trên bãi biển thì chả có lúc nào để tận hưởng bãi tắm. Đảo Nusa Penia nước trong vắt nhưng bãi biển toàn san hô, thậm chí san hô mọc ở ngay sát bờ, chỗ nước chỉ đến bắp chân mình, vậy nên cũng không tắm được. Sau 2 tối ngủ ở trong “đất liền” – thị trấn núi Ubud cách bờ biển khoảng 15-17km – hai mẹ con tưởng về resort ở bãi biển Kuta để thỏa thuê tắm biển thì đến nơi mới biết khu resort không có bãi tắm riêng, chắc đây là nơi cuối mình đặt nên mình không đọc kỹ mô tả. Bãi tắm cũng chả xa xôi gì, cách khách sạn vỏn vẹn 5’ đi bộ, nhưng bãi biển không đẹp lắm – cát mịn và màu tối, mỗi cơn sóng đánh vào làm nước vẩn lên, thêm vào đó việc tắm khá bất tiện, không có chỗ thay quần áo, không thấy có vòi tráng nước ngọt, đơn giản vì dân bên này không có thói quen tắm biển như vậy. Thảo nào lúc khoảng hơn 4h đi ngang qua hồ bơi của khách sạn thấy đông kín khách Tây đang vùng vẫy trong hồ thay vì ngoài bãi biển. Google thêm một hồi thì mình nhận thấy rằng không nhiều resort/khách sạn ở Bali có bãi tắm riêng, có thể đó chính là cách họ bảo vệ bãi tắm chung cho số đông? Thực ra trước khi đi mình đã được cảnh báo rằng bãi biển ở Bali không đẹp như ở Việt Nam đâu, vậy nên mình cũng không bị bất ngờ/thất vọng gì lắm.

Resort đầu tiên của hai mẹ con

Bù lại việc các bãi tắm phổ thông không đẹp lắm, biển và đảo Bali hấp dẫn tuyệt vời theo một cách khác. Để khám phá thiên nhiên, mình chọn cung đường phổ biến nhất với những người mới đi Bali lần đầu là đảo Nusa Penida, một đảo cách đảo Bali khoảng 40’ đến hơn 1 tiếng tùy thuộc vào vị trí xuất phát cũng như cập bến vì có mỗi đảo có một số cảng/cầu tàu. Những vách đá bên bờ biển tạo nên khung cảnh kỳ vĩ không gì tả nổi. Những điểm nổi tiếng nhất trên đảo Nusa Penida bao gồm sống lưng khủng long/Kelingking, Angel’s Bilabong, Broken beach và Crystal Bay ở phía Tây đảo và Diamond beach, Atuh beach và nhà cây ở phía Đông. Phương tiện đi lại phổ biến của dân du lịch là thuê xe theo ngày, giá nhìn chung hợp lý, 40 đô/ngày, nếu đi nhóm 4 người thì thực sự rất tiết kiệm.

Đường xuống tàu ở bến tàu Sanur, rất gọn gàng, sạch sẽ và trật tự

Hai mẹ con ra cảng trước hơn nửa tiếng. Tòa nhà cảng Sanur rất đẹp, đường xuống tàu cũng gọn gàng, ngăn nắp, mỗi tội phòng chờ hơi bé, chắc do khi thiết kế họ không hình dung đông khách đến vậy. Khách của các hãng tàu khác nhau được phát thẻ đeo màu khác nhau cho dễ quản lý và sau đây trên tàu họ sẽ thu lại. Con tàu chật cứng khách, ghế bé tý, làm bác Tây ngồi cạnh hai mẹ con hết sức chật vật mới ngồi được còn cô vợ bác ấy chắc chỉ ghé được tý mông vào ghế. Khởi hành từ cảng Sanur lúc 10.30’, hai mẹ con ra đến đảo đã gần 12h trưa. Hai mẹ con ăn nhanh ở một quán gần cảng và bắt đầu khám phá con đường phía Tây. Mất khoảng 45’ xe đi vòng vèo trong đảo, qua các làng nhỏ, các khu rừng, các đoạn đường liên tục lên dốc xuống dốc thì đến Kelingking/sống lưng khủng long. Đường xuống chân khủng long/bãi biển phía dưới khá xa, khoảng 45’ leo xuống và ngần đấy thời gian leo lên nữa. Không chỉ vách núi khá cao và gần như dựng đứng làm cho đoạn đường xuống biển xa, đường đi còn rất hẹp, nhiều đoạn chỉ một người leo được, phải leo bằng thang… nên phải chờ nhau, rất mất thời gian. Phần lớn mọi người chỉ đứng từ trên cao ngắm xuống và xếp hàng chụp ảnh với vách núi hình chú khủng long bên dưới. Không kể vô số bạn trẻ mặc váy áo rất đẹp và đi dép tông, dép hơi cao thì việc leo xuống hoàn toàn không khả thi. Nhìn xuống vách núi xa tít bên dưới mình cũng ngại ngần, vậy nên hai mẹ con hài lòng với việc thưởng thức khung cảnh ngoạn mục từ trên cao, mê mải ngắm nhìn vách núi hùng vĩ và những con sóng không ngừng xô nhau, đập vào vách núi, tung bọt trắng xóa.

Hai mẹ con ở Kelingking

Cách Kelingking khoảng 30 xe là Angel’s Bilabong - một hồ bơi tự nhiên, nước trong văn vắt. Tưởng tượng nếu dầm mình trong làn nước kia thì tuyệt vời biết bao, nhưng mẹ con mình cũng chỉ đứng bên trên ngắm vì nơi đó không thuận tiện cho việc thay đồ và cả lý do an toàn nữa. Đôi lúc những con sóng biển đánh vào vách đá, tràn vào hồ bơi, hơi nước bay lên chỗ mình đứng tít bên trên. Thỉnh thoảng có thể có những con sóng mạnh bất thường đổ ập vào hồ, gây nguy hiểm cho người đang tắm ở đó. Đã có những trường hợp đang tự sướng thì bị sóng đánh lôi ra biển, hoặc đang tắm trong hồ thì bị cơn sóng ập vào suýt lôi ra biển.

Angel's Balibong đây. Ảnh chụp không cách gì khắc họa được vẻ đẹp của hồ nước :(

Broken beach ở ngay gần Angel’s Bilabong, trông giống như một cổng tò vò khổng lồ ngăn cách biển bên ngoài và hồ nước bên trong. Biển và hồ nước bên trong đều một màu xanh ngăn ngắt. Đứng ngắm một lát, chụp vài kiểu ảnh rồi hai mẹ con đi vòng quanh hồ nước, ngắm những vách núi đã bị sóng mài mòn qua hàng triệu năm từ các góc khác nhau.

Broken beach/Cổng tò vò
Điểm ấn tượng thứ ba là Diamond beach. Từ trên cao nhìn xuống hòn núi trông thực sự rất giống hình một viên kim cương. Vì thấy không quá xa nên hai mẹ con quyết định leo xuống ngắm bãi biển bên dưới. Nhiều đoạn bậc thang rất cao, chàng trai bảo chả khác gì tập squat. Cho đến cuối ngày hôm đó app báo mình leo số bậc tương đương 44 tầng nhà, và mấy hôm sau cả hai mẹ con đều hơi đau chân.


Hai mẹ con đã trèo xuống tận bãi cát đầy quyến rũ dưới kia, gần những tảng đá rất giống hình viên kim cương.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến con đường tuyệt vời đến thăm những điểm du lịch ở bờ đông. Thực sự chỉ cần đi xe và ngắm cảnh trên con đường đó cũng rất xứng đáng rồi. Con đường uốn lượn dọc theo bờ biển, với nhiều chiếc cây hình thù khá kỳ dị, không biết có phải do nắng nóng mà đã rụng hết lá. Đường trên đảo bé tý, mỗi khi có xe ngược chiều phải chậm chậm để tránh nhau, hết lên lại xuống dốc và lái ngược chiều so với ở Việt Nam, vậy nên trải nghiệm ngồi xe trên đảo khá thót tim. Trong những ngày ở Bali mình đã được nghe câu nói ở đây người ta sống chậm, mà lái xe thì nhanh. Hihi, đúng thật. Ngoài việc có tay lái lụa, các bạn lái xe kiêm hướng dẫn viên ở Bali rất nhiệt tình, và khi tìm khách hàng các bạn ấy luôn quảng cáo là chụp ảnh đẹp. Đúng là cứ có cầu khắc có cung. Có chỗ mình thấy người ta đặt những chiếc ghế để có thể đứng lên cao, lấy góc ảnh đẹp nhất cho khung hình. Bạn đi cùng mẹ con mình rất nhàn, vì hai mẹ con chỉ cần vài bức ảnh tư liệu thôi J.

Con đường dọc bờ biển thanh bình

Chiều quay về từ đảo Nusa Penida mẹ con mình đến bến tàu Kusamba để tiện từ đó đi vào thị trấn núi Ubud. Bãi biển Kusamba cát đen lấp lánh, huyền bí do được hình thành từ dung nham của ngọn núi lửa có lẽ từ rất rất nhiều năm trước. Bước chân trên con đường làng nhỏ xíu chiều hôm đó mình như còn ngửi thấy trong không khí vương mùi tro bụi núi lửa. Chợt nhớ câu chuyện chị cơ quan mình kể rằng cháu chị ấy tắm ở bãi biển bên Bali và sau đó người cứ đen xì kiểu gì, rất lâu mới hết. Có lẽ cháu chị ấy đã tắm ở một trong những bãi biển kiểu này.

Dù chẳng tắm ở bãi nào, và thực sự những địa điểm trên đảo Nusa Penida để ngắm hơn là để tắm, hai mẹ con đều bảo nhau, thực sự rất xứng đáng để bỏ thời gian và công sức đến đây một lần trong đời, nhìn ngắm và cảm phục sự hùng vĩ và huyền bí của biển đảo Bali.


NHẬT KÝ BALI_01_BALI KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU :)

 Bali là một địa điểm mình mơ ước đến từ lâu. Nhưng cũng như rất nhiều những mơ ước khác, nó bị xếp sau rất nhiều ưu tiên, tất cả đều liên quan đến con cái và ông bà. Năm nay Bali cũng không có trong kế hoạch của mình từ đầu vì ưu tiên lớn nhất là việc vào đại học của cô con gái. Rất may mình không phải đưa con gái đi thi, tiết kiệm được khá nhiều tiền bạc và thời gian. Rồi đến tháng 4, khi cô con gái đã xác định trường để học, hai mẹ con thống nhất rằng cô con gái sẽ tự đi mà không cần mẹ đưa sang và mình lại vui sướng thấy đã tiết kiệm thêm được một khoản tiền và thời gian nữa. Wow, vậy thì mình có thể chiều chuộng bản thân một chút rồi và Bali là cái tên đầu tiên mình nghĩ đến.

Vì không có con gái lo cho cả nhà như ở chuyến đi lần trước nên mình phải đọc rất nhiều để chuẩn bị cho hành trình đến Bali. Một cô bạn vừa đi Bali về ít bữa cho mình một số lời khuyên, rồi mình lọ mọ tìm bài viết của những người đi trước. Trang Bali - Kinh nghiệm du lịch tự túc thực sự có rất nhiều thông tin hữu ích, từ việc lên lịch trình đến đặt lái xe địa phương trước khi đi. Lên kế hoạch hòm hòm thì mình đặt vé máy bay và khách sạn suốt từ tháng 6. Cuối tháng 6, trước khi nhận lời đi làm job mới, Tuấn đã báo với nhân sự bên đó rằng chàng cần nghỉ thêm 3 ngày vào dịp nghỉ lễ 2/9. Mình cũng xin nghỉ phép, nối vào kỳ nghỉ để hai mẹ con có thể thoải mái đi cả một tuần. Lâu lâu hai mẹ con lại bảo nhau, mong đến chuyến đi quá!

Trông chờ mãi rồi dịp nghỉ cũng đến. Buổi tối trước hôm khởi hành mình dành chút thời gian ngồi giải quyết nốt một đôi việc dở dang, đặt hòm thư trả lời tự động thật cẩn thận, vì mình sẽ hầu như không liên lạc được trong những vấn đề công việc trong suốt dịp nghỉ. Mà như vậy cũng tốt, mình có thể thực sự nghỉ ngơi. Chàng trai được mẹ nhờ đi mua ít thuốc thông thường để mang theo, giảm đau, hạ sốt, thuốc đau bụng, men tiêu hóa, đại để vậy. Chàng trai mang về một túi to – thuốc đau bụng đi ngoài cho 2 người trong 7 ngày, men tiêu hóa cũng như vậy. Mình rên rỉ, trời ơi mua những thứ này chỉ đôi vỉ thôi chứ, ai mà đau bụng đi ngoài hay chướng bụng suốt cả 7 ngày hả zời. Men tiêu hóa lại còn là dạng ống nước, nặng tới mấy lạng (thế nên mấy hôm ở bên đó dù chẳng bị đầy bụng mình vẫn uống, vì mang về thì nặng quá và mình đã hỏi và được biết lâu lâu bổ sung men tiêu hóa cũng tốt.) Sau lần này chắc chàng trai sẽ biết cách chuẩn bị thuốc khi đi du lịch một cách tốt hơn J.

Vietjet là hãng bay duy nhất có đường bay thẳng đến Bali, vậy nên dù không thích thì mình cũng chả còn lựa chọn nào. Đường bay khoảng 5 tiếng, khi gần đến nơi bọn mình được thông báo là do có khách VIP nên thời gian hạ cánh bị chậm hơn 30’, máy bay cứ bay vòng vòng mãi và khoảng gần 4 rưỡi chiều thì hạ cánh xuống sân bay. Khi đó mình tự trào, chẳng nhẽ vì thấy mình đến đây mà có VIP nào đó cũng đến theo à, kakaka. Sau đó thì mình được biết hôm đó tổng thống đến Bali, cảnh sát chặn khá nhiều đường khi đoàn xe của tổng thống đi qua.

Sân bay Bali mang tên I Gusti Ngurah Rai – một vị anh hùng dân tộc trong cuộc chiến chống lại sự cai trị của người Hà Lan. Sân bay không to lắm nhưng nói chung được quản lý tốt, trật tự, còn có cả hàng kiểm tra hộ chiếu tự động và rất nhiều cửa hàng, nhà hàng ở khu vực chuẩn bị ra máy bay, nhìn xịn xò hơn sân bay Nội bài luôn. Hai mẹ con nhanh chóng qua các cửa kiểm tra, nhanh chóng đổi it tiền, mua sim, nhanh chóng tìm được quầy Klook mà mình đã đặt taxi và chỉ sau 10’ thì xe đã bon bon trên đường đưa hai mẹ con về Nusa Dua, một thị trấn cách sân bay chỉ khoảng 15km.

Bali đón hai mẹ con bằng một bầu trời xanh ngắt điểm những cụm mây trắng tinh khôi và bầu không khí dịu của buổi chiều. Do nằm cạnh biển nên khí hậu Bali thực ra khá mát mẻ. Không khí khô nên kể cả vào giữa trưa, khi nhiệt độ trên 30 thì vẫn hầu như không thấy có mồ hôi và trong bóng râm thì mát, thường xuyên có những làn gió thổi qua.

Điểm độc đáo đầu tiên mình được trải nghiệm là con đường cao tốc trên biển tên là Bali Mandara dài tổng cộng hơn 12km. Con đường rất đẹp, không to, mỗi bên chỉ 2 làn, xe chạy bon bon với một bên là biển xanh và phía xa bên còn lại là những rặng cây ngập mặn trải dài gần như suốt chặng đường. Con đường dài như vậy mà họ xây có hơn 1 năm đã xong, đưa vào hoạt động suốt từ 2013 đến giờ, giúp việc đi lại đến những trung tâm lớn của Bali như Denpasar, Kuta, Nusa Dua… tiện hơn hẳn.

Con đường ấy nhìn từ trên cao thế này đây (Ảnh: Internet)

Đoạn đường từ sân bay về khách sạn của mình ở Nusa Dua chỉ hơn 13km, trong đó đã có tới gần 7km chạy trên đường cao tốc trên biển, vậy mà tổng cộng đi mất tới gần 40’. Hầu hết mọi con đường ở Bali đều bé tý, dù là đường nối các thành phố với nhau như đường từ Bali đi Ubud, đường chạy dọc bờ biển ở đảo Nusa Penida hay đường trong thành phố, thậm chí ngay trung tâm của thành phố Ubud, những con đường này thường chỉ vừa khít cho 2 làn xe, chỉ một số con đường ở Denpasar – trung tâm hành chính của Bali, hay đoạn gần sân bay – thì mới rộng rãi hơn, đủ cho 4 xe. Vậy nên câu nói Bali không vội được đâu là cực đúng. Trong mấy ngày ở đây mình đã tập được thói quen kiên nhẫn, cứ ngồi lên xe là kệ, bao giờ đến nơi cũng được. Ở đảo nhỏ thì còn chủ động được thời gian vì đường tuy nhỏ nhưng không tắc, còn ở thành phố thì rất nhiều đoạn 5’ nhích được đôi trăm mét là chuyện bình thường.


Những con phố ngay trung tâm Ubud, rộng hơn tương đối so với các con phố thông thường, suốt ngày xe cộ đông đúc và rất nhiều khách Tây

Không sao, mình có cả một tuần ở đây, vậy nên cứ từ từ khám phá thôi. Hai mẹ con đang thực sự rất háo hức đây!

10 tháng 8 2024

HÀNH TRÌNH CON GÁI HỌC ĐẠI HỌC_02_VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

Do cố tìm mua vé rẻ hơn và cũng do tính toán có đôi phần nhầm lẫn, con gái dự kiến bay sang đến nơi từ tối 5/8, trong khi 7/8 ký túc xá mới chính thức mở cửa đón sinh viên. Rất may chỉ sau một lá thư yêu cầu thì con gái được cho vào ký túc xá sớm, từ ngày 6/8. Tuy nhiên, vì chuyến bay hạ cánh tối muộn ngày 5/8 nên vẫn cần có người đón và tìm nơi nghỉ cho đêm đầu tiên đó. Ban đầu dự kiến con gái của cô Tâm sẽ đón và cho con ngủ nhờ một tối, nhưng do đến gần phút cuối mới nhờ nên con gái cô không thu xếp được. Hai mẹ con tìm hiểu thêm và được biết có một loạt khách sạn gần trường, liên kết với trường hẳn hoi và con có thể nghỉ lại đó đêm đầu tiên. Đã tưởng được thở phào nhẹ nhõm thì đến lúc tiến hành đặt phòng mới biết người check-in vào phòng phải trên 21 tuổi. Thật may đến phút cuối cùng bạn con nhờ được người quen sinh sống ở đó ra sân bay đón, đưa con về khách sạn và check in hộ để con có phòng nghỉ. Máy bay bị muộn, quá nửa đêm con mới về đến khách sạn. Khi đó mẹ mới thực sự thở phào con đã sang đến nơi an toàn.

Con gần như là người đầu tiên vào ký túc xá. Một căn phòng nho nhỏ dành cho ba người với ba chiếc giường chân cao như giường tầng, phía dưới gầm giường là bàn học. Trong phòng chỉ có chiếc bồn rửa mặt, khu vệ sinh và nhà tắm dùng chung với các phòng khác. Học sinh chưa đến, canteen chưa mở cửa, cả khu vắng ngắt vắng ngơ. Thật may mẹ nhắc và con gái mua một bộ ga gối Everon mới mang theo, cả mấy món thú bông nữa nên giường con trông khá ấm áp. Các bạn cùng phòng đã hẹn nhau từ trước rằng sẽ mua tủ lạnh, lò vi sóng, gương, trang trí phòng..., nhưng vì hai bạn cùng phòng chưa đến, đồ đạc chưa có gì, nên ngày đầu tiên đó con thậm chí chẳng thể đun nước nấu một món ăn liền mang theo. Kèm theo đó là cảm giác buồn chán, vậy nên con gái bảo con chẳng thấy đói, cũng chẳng muốn ăn gì. Mẹ nhớ lại cảm giác của mình khi đặt chân xuống nước Anh gần 20 năm trước, cũng là sự chán nản tột độ, kèm theo nhớ con gái bé bỏng khi đó mới vừa tròn một tuổi đang ở nhà với bà. Mẹ nhớ lại mỗi khi nhìn thấy trẻ con là mẹ nhớ đến con và nước mắt trào ra, ước giá được lên máy bay quay thẳng về Việt Nam. Con gái kêu ca về việc nhà vệ sinh dùng chung, về việc đồ ăn rất chán, bảo "như đi đày." Động viên con mà mẹ thương con vô cùng. Bảo con cố gắng ít bữa là sẽ quen, rồi chỉ vài tháng nữa con có thể về nhà trong dịp nghỉ đông.

Cái ngày đầu tiên dài dằng dặc đó rồi cũng qua. 7/8 là ngày chính thức nhập trường và các con được phát đồ ăn tạm - hamburger, bánh ngọt... Con gái đã đi mua được một số món đồ cần thiết - ấm đun nước, mắc áo, ruột chăn, gối..., và gặp được một bạn người Việt. Đời tươi hơn một chút 😊.

Đến ngày thứ ba thì mẹ yên tâm rồi. Con gặp gỡ các bạn cùng khóa, con tham dự các buổi giới thiệu về nhà trường, về chương trình học, về các cơ hội làm thêm... Con cho mẹ xem chương trình học và khoe chương trình hay lắm, có các việc làm thêm khá thú vị, con đang định nộp thế này thế kia, trường to và đẹp lắm... Con chụp ảnh bữa trưa cho mẹ xem, bảo có nhiều món lắm, ăn được, và quan trọng nhất là có rau. Con đã phát hiện ra một quán Hàn Quốc ở ngay cạnh ký túc xá, giá cả phải chăng, cũng như ở Việt Nam thôi và “tối con sẽ đi ăn ở đó, mấy hôm vừa rồi kham khổ quá.” Sau bữa tối nàng gửi ảnh âu cơm và bảo, "sao hạt cơm, miếng rau ngon thế!" Mẹ trêu nàng, đấy, giờ thì cảm nhận rõ đi Tây thì sống như ta, đến khi về nhà lại sống như Tây là thế nào rồi nhé :). Một bạn cùng phòng đã đến, vậy là con hết ở một mình.

Đi đến một đất nước xa lạ, bắt đầu cuộc sống mới thực sự không dễ dàng gì. Thật may con là đứa trẻ rất tự lập và đã có kinh nghiệm 2 năm rưỡi năm sống xa nhà nên con có thể dễ dàng làm quen với cuộc sống mới. Đến hôm nay, mới 3 ngày kể từ khi đặt chân xuống một nơi cách mẹ đến nửa vòng trái đất, có vẻ như con đã thu xếp cuộc sống của mình khá ổn thỏa, giờ chỉ còn chờ gặp cô giáo và bắt tay vào việc học.

Vạn sự khởi đầu nan. Con đã vượt qua cái “khởi đầu nan” này một cách khá nhẹ nhàng và mẹ tin chẳng mấy chốc con sẽ hoàn toàn quen với cuộc sống, khéo mà đến nghỉ đông lại không muốn về thăm mẹ ấy chứ.

Chúc mừng con gái với mỗi bước tiến trong chặng đường hứa hẹn còn rất dài này. Cứ đi rồi sẽ đến con gái nhỉ. Còn nhiệm vụ của mẹ là cày cuốc để trả tiền học cho con. Vì tương lai của con, mẹ không ngại điều đó đâu 😊.

Cùng các bạn trong những ngày đầu nhập học