Kể từ khi còn bé, năm nào con gái
cũng có ít nhất một chuyến xa nhà khá lâu, cả tháng hoặc hơn nữa, thường xuyên
nhất là về Sapa với ông bà ngoại. Mẹ chả bao giờ phải lo gì, gửi con cho bà và
bác T. là yên tâm nhất rồi. Có lần con còn bảo, mấy hôm nữa con về với bà, bà
tha hồ chiều con, mẹ hết đường chống đỡ 😊.
Nhưng chuyến đi năm nay thì khác
hẳn. Con vào Sài Gòn ở trong đó cả mùa hè với bác H. Bác H. không phải bác ruột,
mặc dù bác rất nhiệt tình nhưng mẹ vẫn lo con làm bác vướng chân, không dưng lại
phải chăm sóc thêm một đứa trẻ không hề là họ hàng.
Câu chuyện bắt đầu từ chỗ cách
đây đôi năm chẳng hiểu từ đâu mà con lại tuyên bố con muốn học đàn hạc. Trời ạ,
một thứ nhạc cụ quý tộc như vậy, mà nhà mình đâu có phải đại gia, mẹ chả bao giờ
dám nghĩ đến. Khi con tuyên bố như vậy thì mẹ mới bắt đầu tìm hiểu đôi điều. Thứ
nhất là chiếc đàn đó khá đắt – những thông tin ban đầu mẹ đọc là loại tầm tầm
cũng phải khoảng 8.000 đô, còn tốt thì vài chục ngàn. Mẹ khi đó chỉ bảo nếu đó
là niềm yêu thích thực sự thì sau vài ba năm bố mẹ sẽ cố gắng dành dụm mua đàn
cho con học. Con chưa bao giờ quên, cứ lâu lâu lại nhắc, và nhấn mạnh không phải
là thú vui thoảng qua, đây là thứ con say mê thực sự.
Một hôm, trong câu chuyện với một
người bạn, tình cờ mẹ biết nhà thơ H.A ở Hà Nội cũng có một chiếc đàn harp. Nhờ
giới thiệu, một ngày tháng 11/2018 bố chở hai mẹ con lên nhà bác ấy ở Sóc Sơn.
Nhìn thấy cây đàn harp mắt con sáng lên, và khi có cơ hội, con ngồi vào cây đàn
cả tiếng đồng hồ không muốn đứng lên, rồi ít lâu sau thỉnh thoảng lại bảo mẹ ơi
hôm nào cho con đến nhà bác chơi nữa đi. Thấy con tha thiết quá, và vốn định
năm nay cho con đi trại hè ở Anh, mẹ hỏi ý kiến con và con bảo con không đi trại
hè đâu, con muốn có đàn cơ. Okie, quyết sẽ mua đàn.
Đàn harp có nhiều loại. Những cây
đàn nhỏ nhất chỉ trên dưới chục triệu, nhưng đó là những cây đàn ít dây, sẽ bị
hạn chế nhiều khi đánh. Ba hãng đàn harp nổi tiếng nhất thế giới là Lyon and
Healy của Mỹ, Camac của Pháp và Salvi của Ý. Những cây đàn harp chuyên nghiệp của
ba hãng này thường từ 15.000 đô trở lên, còn các cây đàn loại nhỏ hơn cho sinh
viên thì cũng trên 3.000 đô giá tại cửa hàng. Cây đàn con được ngắm tại nhà bác
H.A thuộc loại nhỏ, là một cây đàn Ogden của hãng Lyon and Healy, nên con cũng
bị găm vào đầu là con muốn có một cây đàn như vậy. May quá, cây đàn đó giá gốc
là 3.050 đô, tức là bố mẹ có thể cố gắng được.
Đã quyết mua đàn rồi nhưng vụ đặt
mua cũng gian nan không kém. Bác H.A ngày trước mua thì được con trai ở bên Mỹ
đến tận cửa hàng đặt mua rồi họ gửi về Việt Nam cho mình. Thế là mẹ thử nghĩ
xem có thể nhờ ai ở bên đó đi xem đàn và mua giúp. Rồi mẹ lọ mọ đọc, tìm hiểu
và viết thư cho một vài đơn vị phân phối. Một cửa hàng ở Thái trả lời là phải
chờ 2-3 tháng mới có. Trang web chính thức của hãng không trả lời thư, một đôi
cửa hàng khác cũng vậy. Một người bạn mẹ nhiệt tình nói để chị bảo con gái chị
bên đó mua giúp và mẹ cũng đã định nhờ. May quá, tình cờ nói chuyện với cô Hoa
thì được cô giới thiệu cậu em họ chuyên ship hàng từ Mỹ về. Mẹ gửi ảnh cây đàn,
tên hãng và nhờ tìm. Thở phào, bớt được một khâu, tuy tốn hơn chút nhưng mẹ còn
dành năng lượng làm việc khác. Hóa ra hãng không bán trực tiếp mà thông qua các
đại lý, và những cây đàn như thế này không phải hàng sản xuất hàng loạt mà lúc
có lúc không, thường phải order. Cây đàn đầu tiên con bị trượt, vì trong lúc còn
đang loay hoay thảo luận với họ về chuyện đặt mua thêm dây, loại nào, bao nhiêu…
thì họ bán béng mất cây đang có. Cậu kia nhiệt tình, để em tìm giúp chị ở một đôi
nơi khác. Sau ít hôm thì tìm được, và rút kinh nghiệm lần trước, mẹ nhắc cậu ấy
đặt cọc ngay, dù phải đợi 3 tuần họ mới có đàn về kho.
Từ lúc đặt mua đàn, con gái náo nức
mong chờ lắm. Có lúc con như trong mơ, không tin được là con sắp có một cây đàn
harp của riêng mình. Bắt đầu công cuộc đặt mua từ đầu tháng Hai, đến gần giữa
tháng Tư thì con đã có được cây đàn trong nhà. Biết con mong từng ngày nên bố gửi
chuyển phát nhanh từ Sài gòn về Hà Nội cho con, dù rằng như vậy lại tốn thêm khối
tiền vận chuyển. Ôi, cái hộp đàn to như cái tủ lạnh loại 500l. Con thì sung sướng
vô cùng và ngay lập tức bắt bố mang đàn lên phòng cho con để con tập. Những ngày
nghỉ con ôm cây đàn tập tới 3-4 tiếng mỗi ngày.
Tìm giáo viên lại là một câu chuyện
khác. Từ bác H.A mẹ biết ở Hà Nội không có giáo viên dạy đàn này. Chính xác hơn
là có một cô ở Nhạc viện Hà Nội học trung cấp 4 năm loại đàn này ở Nga về, nhưng
mọi người nói cô ấy không say mê cây đàn. Mà con thì tha thiết học đến vậy. Mẹ
cũng biết ở Việt Nam chỉ có cô Mai Ý Nhi là nghệ sỹ đàn harp nổi tiếng nhất, hiện
dạy tại Nhạc viện Tp HCM. Bác H.A cũng vẫn một năm đôi ba lần vào tận trong SG
học ít bữa những khi có thể thu xếp thời gian. Mẹ tìm ra cô Mai Ý Nhi trên mạng,
chia sẻ câu chuyện về con và hỏi cô có vui lòng dạy cho con trong dịp hè này. May
quá, cô nhận lời ngay.
Đưa con vào Sài Gòn gửi nhà bác
H. Đưa con đến nhạc viện gặp cô giáo, nhìn con ôm cây đàn với khuôn mặt rạng ngời
mà nước mắt mẹ ứa ra. Cây đàn ở nhạc viện là loại đàn chuyên nghiệp dành cho dàn
nhạc, giá tới gần 40.000 đô. Con tuyên bố xanh rờn, con sẽ mua cây đàn này. Mẹ
bảo, hoàn toàn nhất trí, con cố gắng học để rồi kiếm tiền mua 😊.
Bà và nhiều người bảo mẹ cầu kỳ
quá. Có lẽ vậy. Việc học đàn của con thật tốn kém. Mua cây đàn đã là một sự tốn
kém, rồi còn vào tận Sài gòn tầm sư học đạo, trong khi nhà mình nào có phải đại
gia. Nhưng mẹ tin đó là một sự đầu tư xứng đáng dù bố mẹ phải từ chối bản thân
nhiều điều khác. Niềm vui tuổi thơ của con chẳng phải quan trọng hơn rất nhiều
thứ khác như một phòng khách đẹp đẽ, một bộ bàn ghế, tủ bếp và những thứ đồ dùng
đắt tiền khác hay sao. Mà hơn nữa, mẹ hoàn toàn tin việc học đàn sẽ giúp con trở
nên thông minh hơn, và cả việc sống xa nhà tới hai tháng rưỡi chẳng phải sẽ cho
con thêm nhiều kỹ năng quan trọng hay sao.
Đoạn nhạc con hoàn toàn tự tập sau hơn một tháng kể từ con có cây đàn mơ ước của mình
Còn đây là cây đàn của nhạc viện khiến con mê mẩn
Con hãy vui sướng với niềm đam mê mới của mình
con nhé. Bố mẹ luôn bên con và ủng hộ con!
Chào chị Tuyết Anh. Biết về đam mê đàn Harp của con gái chị mà tôi vô cùng xúc động. Tôi hiện nay cũng đang tìm hiểu thêm về đàn Harp. Chị có thể cho tôi số liên hệ để trao đổi thêm được không? số đt của tôi: 0913231707. Tôi tên là Chung, ở quận Ba Đình, Hà Nội. Chúc chị và gia đình một năm mới đầy phước hạnh. chúc con gái mẹ Tuyết Anh thành công rực rỡ với đam mê đàn Harp của mình. ALL THE BEST!
Trả lờiXóa