Cuối năm 1998, khi bọn mình
ở bên Nga về và mua nhà ở Hà Nội, bố mẹ mừng lắm, bảo từ giờ mỗi khi về Hà Nội
bố mẹ được ở nhà các con, không phải ở nhờ nhà ai nữa. Và suốt từ ngày đó, nhà
mình đã trở thành “văn phòng đại diện” của ông bà theo đúng nghĩa đen và cả
nghĩa bóng. Những năm đầu tiên khi bọn mình mới về ông bà còn làm du lịch, vậy
nên lâu lâu mình đi thu tiền của khách hàng cho ông bà. Rồi cần chuyển gì cho
ai, liên hệ việc này việc nọ. Có một lần trên nhà ông bà cần tuyển nhân viên, tụi
mình đăng tuyển trên báo và nhà mình là địa chỉ để tuyển chọn.
Công việc kinh doanh thì vậy,
mọi việc trong gia đình, họ hàng chúng mình cũng là người đại diện – thay ông bà đi
các đám hiếu, đám hỉ, đám giỗ, những người ốm đau mỗi khi ông bà không thể về được,
cả ở Hà Nội và ở quê. Mà mỗi năm những đám như vậy đều khá nhiều, lúc thì mình,
lúc thì ông chồng đi. Ông chồng nhà mình đã trở nên thân thiết với họ
hàng nhà mình đến nỗi có một lần mấy ông anh họ rủ ông chồng nhà mình về quê mà
mình còn chả biết nhân sự vụ gì 😊.
Và suốt từ ngày bọn mình ở Hà Nội, năm nào ông bà cũng về nhà mình vài lần, thường đầu xuân sẽ là đám giỗ ông bà
nội, rồi mùa hè thì đi nghỉ, mùa thu khi mát trời lại có một cớ nào đó để ông cần
đi Hà Nội. Mỗi khi ông bà đi Hà Nội thì mấy chị em đều nói là ông bà về nhà dì
Tuyết, nghe đầy ấm áp, như thể ông bà về ngôi nhà của mình chứ không phải đến nhà
con hay đi đâu đó ít bữa. Mà cả sau này, khi vợ chồng cậu em trai đã chuyển về
Hà Nội sống thì ông bà vẫn chỉ ở nhà mình mỗi khi có việc đi Hà Nội.
Ngày đó, khi ông còn khỏe,
mỗi khi ông bà về mình sẽ chở ông đi chỗ này chỗ nọ, thăm họ hàng, rồi bạn bè.
Mình nhớ đã chở ông đến nhiều nhà bạn bè lắm, cả những người khá có tiếng tăm
như bác Dương Tường, bác Nguyễn Xuân Khánh hay nhà thơ Bảo Sinh. Có lần ngồi
sau xe máy của mình, ông bảo, tiếng xe cộ ầm ì cứ như sóng biển. Rồi mỗi lần
ông bà về đây, mình cũng hay cùng ông bà về quê, thăm mộ ông bà nội và họ hàng. Cả khi mua xe ông chồng nhà mình cũng cân nhắc kỹ càng mua loại xe nào để có thể
chở được cả nhà và ông bà một cách thoải mái. Quả thật, chiếc xe đã làm rất tốt
công việc của nó trong những lần ít ỏi chở ông bà và cả nhà đi chơi, đi thăm họ
hàng, rồi năm 2016, khi sức khỏe ông đang rất yếu mà lại cần chở ông về Sapa,
khoang xe rộng đã giúp ông được nằm một cách thoải mái hơn trên đoạn đường dài
Hà Nội - Sapa. Rồi gần đây, khi ông muốn về thăm quê, ông vẫn bảo, bố mà bảo một câu là thằng Sỹ lên chở bố về Hà Nội ngay (dù các chị và các cháu nhà mình trên Lao
Cai ai cũng có xe riêng) 😊.
Lâu nay sức khỏe ông chẳng
còn như xưa, việc đi lại bị hạn chế hơn hẳn. Từ sau trận đột quỵ hồi tháng 6
năm ngoái, ông không còn ra được khỏi nhà. Hôm Tết về thăm, bà bảo, đám giỗ ông nội năm nay mẹ cho bố về dự, rồi về quê thăm mộ ông bà nội lần cuối. Thế nhưng cuối
cùng việc đó cũng không thành. Bản thân ông tự thấy việc ra khỏi nhà là quá
nhiêu khê, chưa nói đến đoạn đường tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng lại là dằng dặc
đối với một ông già 90 tuổi từ Sapa về Hà Nội, dù rằng có xe đưa xe đón tận cổng.
Hôm qua bà lại về nhà mình,
ở nhà mình một hôm đi thăm họ hàng, rồi ngày mai bà sẽ cùng ba cô em gái - các dì mình - đi chơi Nhật Bản vài hôm. Ngày trước thì hay chở ông bằng xe máy, còn bây giờ mình gọi taxi
đưa bà đến thăm họ hàng. Vừa nhìn thấy mẹ mình bác Miên đã nước mắt lã chã ôm lấy
mẹ mình nghẹn ngào. Đứa cháu nội của bác, nó gọi mình là cô, vừa mất cách đây
vài tuần, để lại một cô vợ mới 30 và một đứa con vừa hơn hai tuổi. Hôm vào viện
thăm nó rồi sau đó là đi đám tang nó, lần nào mình cũng khóc rất nhiều, thương anh chị mình
quá. Thấy bác chảy nước mắt mình cũng không kìm lòng được. Ngồi với bác một lúc
mình đưa mẹ đến thăm bác Tân. Bác Tân năm nay đã 92, chỉ ngồi một chỗ, sống
một mình trong căn hộ với người giúp việc. Được cái bác hoàn toàn minh mẫn. Thấy
mẹ mình đến bác mừng không để đâu cho hết. Còn mẹ mình thì sau đó lại kể lại
chuyện bác Tân đã luôn thương mẹ thế nào, giúp mẹ ra làm sao khi mẹ đưa 5 đứa
con nhỏ chạy Tàu về quê Thanh Hóa năm 79, rồi sau đó còn gửi chị Vân ở lại nhà
bác cả năm trời. Câu chuyện lan man hết người nọ sang người kia, mà chủ yếu là
những câu chuyện ngày xưa, những bác, những cô mà giờ ai cũng đã ngoài 80, thậm
chí có bác đã 96 tuổi. Ngồi bên cạnh bác bây giờ chẳng còn đi được đâu, mình nhớ
đến bố mình bây giờ cũng chỉ quanh quẩn trong mấy căn phòng trên tầng ba. Rồi còn
mẹ mình. Liệu mẹ còn có thể về nhà mình được bao lần nữa? Nghĩ vậy lại thấy buồn
buồn. Mẹ ơi, cầu mong mẹ mạnh khỏe. Cầu mong mẹ sẽ còn về nhà con được nhiều lần
nữa mẹ nhé! Để con được đưa mẹ đi thăm họ hàng, để được nghe những câu chuyện ngày xưa.
Viết thêm: Lần nào mẹ về
hai mẹ con, và nhiều khi cả ông chồng nhà mình, thường ngồi chuyện trò rất lâu.
Tối qua mình bảo cún, con đi ngủ sớm cho bà ngủ nhé, không được làm bà mất ngủ.
Cún cười cười đáp, mẹ cứ nói thế nhưng rồi có khi mẹ và bà lại thức đến 11h đêm
ý, lần nào chẳng thế. Buổi tối mình và bà ngồi chuyện trò ở phòng khách, cậu
con trai từ trên tầng hai đi xuống cười vẻ trêu chọc bảo, đấy, mẹ và bà đang làm
đúng như em cún nói đấy. Ôi, lũ tiểu yêu!
Còn bữa cơm chiều nay thì bà kể chuyện tình hết sức lâm li của ông với người cũ :). Cún mắt tròn mắt dẹt nghe, thỉnh thoảng lại trầm trồ, ồi ồi. Mẹ trêu, con thấy chuyện tình của ông ngày xưa hoành tráng không, giống ngôn tình chưa, mẹ viết một entry nhé. Nàng cười cười. Ừ, chuyện tình phải thế chứ, chả như chuyện của mẹ kể xong cún bảo, nhạt nhẽo thế thôi à mẹ. Ặc ặc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét