25 tháng 3 2019

HAPPY BIRTHDAY TO ME!


Mình sinh ra vào thời khó khăn, nhà nào cũng chỉ lo miếng ăn cũng đủ mệt lắm rồi, vậy mà mẹ nhớ hết ngày sinh của đám con lít nhít, cách nhau mỗi đứa chưa đầy hai tuổi. Nhà có 5 đứa con, cộng thêm ông chồng là 6, thế mà mẹ hầu như chẳng quên bao giờ.

Cái thời khốn khó ấy, ngày sinh của chúng mình được tổ chức bằng một bữa ăn đặc biệt. Đặc biệt ở đây có thể là bánh rán, bánh giò, bánh dện, hay bánh cuốn, hoặc bánh phở. Cái gì mẹ cũng biết làm. Mẹ chỉ cho tụi mình xay bột nước. Mấy chị em ngồi ở hè hì hục xay bằng chiếc cối đá nặng chình chịch, cứ một nắm gạo lại một tý nước, để từng dòng nước bột trắng theo sợi giang mỏng chảy xuống chiếc chậu bên dưới. Sau đó nước bột sẽ được cho vào miếng vải để chờ bột khô đủ độ để làm bánh. Cả nhà ngồi quây quần xung quanh chiếc bàn gỗ thấp gọi là mâm, chắc chỉ cao khoảng 25-30cm, ghế ngồi cũng là những chiếc ghế gỗ thấp mà bây giờ ở quê vẫn hay dùng. Tất cả đều là bố tự đóng. Riêng bố thì ngồi trên chiếc ghế cao hơn một chút, lập luận ngày đó là để ngồi xa hơn cho rộng mâm, và như vậy dễ gắp. Nhìn từ góc độ bình đẳng giới ngày nay mình thấy không ổn, nhưng ngày đó làm gì có khái niệm bình đẳng giới. Chỗ ngồi của mỗi người là cố định. Mình còn nhớ rõ là mẹ và chị Tú hay ngồi đầu nồi, mình ngồi bên cạnh mẹ. Em Thực ngồi cạnh bố. Những bữa ăn tươi như vậy đối với chúng mình là những niềm vui đọng mãi trong ký ức tuổi thơ tuy nghèo khổ mà hết sức ấm cúng.

Tám năm xa nhà, mà thời đó việc liên lạc còn hết sức khó khăn, nên mình không còn được hưởng những niềm vui nho nhỏ như vậy. Nhưng mình tin mẹ chẳng bao giờ quên. Bên cạnh niềm tự hào có đứa con được đi ra bên ngoài, được mở rộng tầm mắt, mình biết mẹ thương mình vô hạn vì mình đã phải xa gia đình, xa bố mẹ quá sớm. Tình thương ấy chắc hẳn cũng giống như mình khi quẳng cậu con trai vào trường ở bên Anh lúc nó mới  5 tuổi, tiếng Anh mới bập bẹ ba chữ, về sau nghĩ lại thương con rớt nước mắt. Chắc hẳn mẹ cũng đã rơi nhiều nước mắt vì mình, dù rằng khi đó mình đã mười tám đôi mươi.

Từ ngày mình về lại Việt Nam, đã hơn hai chục năm, mẹ chẳng bao giờ quên gọi điện chúc mừng sinh nhật mình. Thường bà sẽ nhắc cả bác cả gọi điện chúc mừng sinh nhật em nữa. Bác Tú có hôm nửa đùa nửa thật bảo, bà toàn thiên vị các dì ở xa, chị đây ở nhà thì bà chả nhớ, nhưng không bao giờ quên nhắc, con gọi điện chúc mừng sinh nhật em đi. Vì ngày sinh của mình gần thời điểm đám giỗ của ông nội và bà nội nên khá nhiều năm tình cờ sẽ có cả ông bà cùng thổi nến với mình. Có năm Dad mua tặng mình bộ 4 cuốn Tuyển tập truyện ngắn Nga dày cộp, giờ giấy đã ngả màu. Ừ, thế mà đã gần 20 năm từ cái ngày đó. Bây giờ thì Dad sẽ chẳng còn bao giờ xuống nhà mình, để mình chở ông ra phố sách và hai bố con lang thang như ngày xưa nữa .

Năm nay cũng không là ngoại lệ. Ma măng mình gọi điện chúc mừng. Từ ngày có Viber, Zalo, mình lập một nhóm chat chit cả nhà nên cả nhà xông vào chúc mừng. Hai bà chị lớn đã có cháu, thay bằng tặng hoa thì nhất định phải gửi cả ảnh cháu để chúc mừng bà trẻ, tranh thủ khoe cháu luôn thể. Rồi đám cháu ở trong nhóm chat đó, và đứa nào có con thì cũng dùng ảnh con để chúc mừng sinh nhật dì 😊.

Mr mua cho mình bó hoa to đùng, mình lọ mọ tự cắm vào hai lọ. Rồi bố con đi mua một chiếc bánh rất đẹp, đến đoạn thổi nến thì Tuấn bảo, cắm nến tượng trưng thôi chứ, không thì nát hết bánh. Haha, cậu chàng đá xoáy mẹ đấy.

Mình đã có một ngày sinh nhật ấm áp. Mình chỉ có rất rất ít lời chúc nào từ bạn bè vì mình ẩn thông tin trên Facebook, Viber, Zalo. Mình hoàn toàn không care chuyện đó, đã từ rất lâu mình biết rõ mình không cần đám đông. Mình vẫn nhớ ngày sinh của những người bạn thân thiết nhất mà không cần Facebook hay Viber hay Zalo nhắc, dù rằng không phải ai cũng nhớ ngày sinh của mình. Chả sao cả, mình không mảy may phiền lòng, vì mình hiểu mọi người đã trở nên phụ thuộc vào mấy thứ social media kia nhắc chứ không phải vì mọi người hết quý mình. Một người bạn gửi cho mình bản Piano Concerto No5 của Beethoven, mình dành cả buổi tối nghe bản đó hai lần. Thêm nữa, mình tự thưởng cho bản thân một buổi đi xem hòa nhạc vào tối mai, cùng cún hoặc cùng Mr. Thế đã là quá đủ. Quý hồ tinh bất quý hồ đa.

Và vào ngày sinh, mình lại nhớ đến người đã vất vả mang mình trong bụng hơn chín tháng, sinh ra mình, lo lắng cho mình, yêu thương mình vô điều kiện và luôn nhớ đến mình. Nhẽ ra những lời chúc, những món quà sinh nhật nên chuyển hết cho các bà mẹ mới phải chứ nhỉ, vì đó chính là người đã liều cả tính mạng mình để sinh ra những đứa con 😊. Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ thật nhiều!

18 tháng 3 2019

THẾ MÀ MẸ CỨ BẢO LỚN LÊN KHÔNG BIẾT RỒI CON LÀM GÌ 😊



Tuổi nổi loạn của con thật khó khăn. Con không chịu học, con chống đối mọi thứ. Vật vã mãi mới qua được lớp 9, khi con quyết định không thi cấp 3 mà vào Nhạc viện học cho nhàn. Các cô giáo cấp 2 đẩy được con ra khỏi trường chắc mừng lắm, thở phào nhẹ nhõm. Còn mẹ thì cả cái năm ấy không biết phải làm gì với con, nhiều hôm đi ngoài đường cứ lan man nghĩ không biết sau đây rồi cuộc đời con sẽ thế nào, con không chịu học thì sẽ làm gì, rồi cuộc đời con sẽ về đâu, nghĩ một hồi nước mắt ràn rụa.

Được cái chưa khi nào con chán máy tính, và mẹ thì luôn tìm mọi cách cho con học, học gì cũng được, miễn để sau này có thể sống lương thiện bằng nghề đó, nên gạ gẫm rồi tìm cách cho con học lập trình. Bước đường vào cao đẳng thực hành Aptech/FPT học lập trình bắt đầu từ đầu năm lớp 10, khi con đã chán học đàn và học văn hóa ở Nhạc viện thì quá nhẹ nhàng, con đòi học thêm lập trình. Ban đầu mẹ mày mò tìm những khóa ngắn hạn nhưng cuối cùng lại tìm được khóa học cao đẳng thực hành. Đưa con đi xem, tìm hiểu và con bảo con thích. May quá. Điều may mắn tiếp theo là con thực sự hứng thú với lớp học. Con qua được kỳ I một cách nhẹ nhàng, với sản phẩm là một trang web bán hàng do nhóm con thiết kế và được đánh giá nằm trong top của lớp trong khi một nửa lớp bị rớt. Đồ án kỳ II của con khó hơn, con và các anh chị thiết kế một trang web nghe nhạc mà theo quảng cáo của con thì “còn hơn của Zing”, được 7.8 điểm trong khi một nửa lớp tiếp theo bị rớt.

Con bước vào kỳ III với một tâm thế nhẹ nhõm, háo hức đón chờ kiến thức mới. Con hồ hởi khoe, chương trình học ở đây cập nhật cực kỳ, vừa kỳ trước kỳ này đã thay rồi đấy, mẹ biết không. Kỳ này con phải học tối, tuần 3 buổi từ 6h đến 9h tối. Bố mẹ thương con còn nhỏ mà phải lọ mọ đi học như vậy, con thì cười, vui mà. Hôm nào học về mẹ cũng hỏi hôm nay đi học thế nào, con luôn bảo thích lắm mẹ ạ. Vì còn phải theo học văn hóa ở Nhạc viện, không theo được lịch của lớp cũ, nên cứ mỗi kỳ con lại phải đổi nhóm một lần. Vào đầu kỳ III con còn hỏi em Th. không biết phải làm quen với các anh chị thế nào, con ngại quá, vậy mà bây giờ thì quen thân lắm rồi. Tối thứ Sáu tuần trước, đến 8.30 con gửi tin nhắn bảo mẹ con về muộn, con đi ăn lẩu với lớp. Tối về con bảo mẹ, đúng là con hợp với học đại học hơn học cấp III mẹ ạ. Con đi ăn với các anh chị, chém gió vui lắm. Rồi một hôm khác cậu chàng cười cười bảo, có khi con phải tập uống một chút, đúng là nhiều thứ được giải quyết trên bàn nhậu thật. Oai oai, đến đây thì mẹ phải can thiệp rồi, mẹ bảo, này, 18 tuổi mới được phép chàng trai nhé.

Bây giờ con đã gần 17 tuổi. Con chững chạc lên rất nhiều. Con biết rất rõ con muốn gì, cuối năm nay lấy bằng cao đẳng, rồi sau đó bằng đại học, và tiếp theo là đi làm ở Việt Nam đôi năm rồi đi Nhật làm việc. (Vụ này thì cún chen vào, cún bảo, cứ như tổng kết học kỳ I ý, Toán 3, Văn thì không có điểm tổng kết, thế thì học đại học bằng niềm tin à. Haha, cún nói thế vì muốn liên thông lên đại học phải có bằng cấp III, mà cậu chàng đợt vừa rồi điểm tổng kết quá quá tệ.) Và con còn đầy những ý tưởng khác trong đầu, những kế hoạch start-up, rồi mức lương khởi điểm tính bằng nghìn đô (Cún lại chen vào, nhưng bây giờ thì vẫn phải xin mẹ 15k ăn sáng, haha.) Rồi con bắt mẹ mua cho con cuốn “Clean Code” để đọc tham khảo, giảng giải cho mẹ, bằng giọng của giáo sư biết tuốt, rằng nhiều công ty sập chỉ vì code bẩn đấy, mẹ biết không 😊.

Gần đây phòng truyền thông FPT viết bài về con để PR cho nhà trường nữa. Con láu lỉnh trêu mẹ, con rất tự hào về con, rồi dài giọng bảo, đấy, thế mà ngày xưa mẹ cứ bảo không biết rồi lớn lên con làm gì, rồi cuộc đời con sẽ ra sao. Mẹ cười trừ và sửa gáy, này này đừng có tự kiêu. Con cãi ngay, không phải con tự kiêu mà là tự hào. Chứ không à, thầy giáo ở lớp con bảo, học hành phải như cậu Tuấn kia kìa, lập trình khá, tiếng Anh khá, lại còn tiếng Nhật và đàn nữa chứ. Hihi, về vụ Tuấn được nêu gương thì từ lâu rồi thỉnh thoảng bố mẹ vẫn trêu Tuấn, là một ngày nào đó Tuấn được trường cũ mời về nói chuyện với các em, Tuấn sẽ bảo, các em cứ nhìn gương anh đây này, thích cái gì là phải theo đuổi bằng được, không cần phải học tất cả mọi môn đâu 😊.

Oai oai, cảm ơn con trai. Đúng là bây giờ mẹ yên tâm về con hơn nhiều. Con trai đã lớn, đã biết tính toán tương lai cho mình. Dù chặng đường đi đến thành công còn xa lắm. Mà biết tính thành công là gì, tiền bạc hay được làm điều mình thích và nhìn thấy ý nghĩa của công việc đó? Không kể tiền bạc thì bây giờ con đang rất happy với việc được học điều mình yêu thích, háo hức đọc và tìm hiểu. Với mẹ, được nhìn thấy con như vậy đã là một niềm hạnh phúc lắm rồi. Mong con mãi giữ được niềm yêu thích với món lập trình của con nhé. Yêu con thật nhiều!


09 tháng 3 2019

PIANO VÀ CODE - TƯỞNG CHỪNG KHÔNG LIÊN QUAN NHƯNG LẠI LÀ SỰ HÒA QUYỆN ĐỘC ĐÁO

Một hôm chàng trai bảo mẹ, mẹ ơi mẹ chụp cho con một tấm ảnh, FPT phỏng vấn con đấy. Mẹ bất ngờ hỏi phỏng vấn về cái gì, chàng trai cười vẻ bí mật bảo, mối tương quan giữa âm nhạc và lập trình. Ừ, ngày trước, khi còn chưa đi học lập trình, con một đôi lần bảo, con sẽ là sinh viên FPT đầu tiên học ở nhạc viện, và sẽ là sinh viên nhạc viện đầu tiên học ở FPT. Thế là con đã đang học kỳ 3 của Cao đẳng thực hành, nếu cứ đều đều thế này thì cuối năm nay con có bằng cao đẳng, có thể đi làm được rồi, trong khi vẫn chưa tốt nghiệp cấp 3 :). Thầy giáo và các anh chị cùng lớp khi biết con vẫn đang học phổ thông thì choáng lắm. Bây giờ thỉnh thoảng chàng lại bảo mẹ, đấy thế mà ngày xưa mẹ cứ bảo là không biết rồi tương lai con đi về đâu. Ừ, bây giờ thì mẹ đỡ lo nhiều rồi. Cảm ơn con trai yêu. Mẹ tự hào về con quá! 


Âm nhạc tồn tại ở khắp mọi nơi, nó như nguồn sống bất tận mà không một ai có thể sống thiếu nó. Ngay cả lập trình viên cũng vậy, họ cũng yêu âm nhạc không khác gì mọi người, âm nhạc như mang lại sự tươi xanh cho mầm cây trong lòng họ. Nghe và thưởng thức là một chuyện, nhưng có thể chơi nhạc cụ và code hay lại là một chuyện khác nữa, chắc những chuyện lạ kỳ này chỉ xảy ra tại trường FPT Aptech thôi nhỉ?
FPT-Aptech-Le-Sy-Tuan
Nguyễn Sỹ Tuấn, cậu sinh viên sinh năm 2002 đang theo đuổi giấc mơ trở thành lập trình viên Quốc tế tại FPT Aptech
Nguyễn Sỹ Tuấn, cậu sinh viên sinh năm 2002 đang theo đuổi giấc mơ trở thành lập trình viên Quốc tế tại FPT Aptech, là một trong những sinh viên nổi bật tại trường. Ngoài chuyên môn về lập trình, ai có thể ngờ: đôi bàn tay trắng trẻo ấy cùng những ngón tay thon thả có thể lướt trên những phím đàn một cách điêu luyện đến thế. Nếu không được hỏi thì chắc không ai biết được rằng: một lập trình viên Quốc tế tương lai như Tuấn lại có thể chơi piano một cách chuyên nghiệp như vậy.
FPT-Aptech-Le-Sy-Tuan
Đôi bàn tay trắng trẻo và những ngón tay thon thả của Tuấn lướt trên những phím đàn một cách điêu luyện
Tuấn đến với piano từ khi còn khá sớm, sớm đến mức người ta cứ nghĩ cậu là thiên tài Piano khi “lần đầu chạm tới những phím đàn lúc mới tròn 7 tuổi. Vốn dĩ, piano không phải là sở thích từ nhỏ của Tuấn hay do cha mẹ định hướng cho cậu. Mà mọi thứ đến khá tình cờ khi mẹ của Tuấn có người quen tại một trung tâm dạy đàn và mẹ cậu muốn cậu qua xem cho biết thế nào là "vua của các loại nhạc cụ". Thật sự bất ngờ khi Tuấn tiết lộ: ”sau khi xem xong thì cũng không phải là bất chợt bừng tỉnh đam mê hay gì mà chỉ là tò mò muốn chơi thử sau khi mẹ em hỏi có muốn thử học hay không thôi.” Có lẽ “vị vua” này không đủ sức quyến rũ khiến cậu thực sự muốn “chộp” lấy ngay, nhưng cũng đủ huyền bí khiến cậu tò mò và muốn rõ hơn về nó.

Và đến năm lớp 7, song hành cùng Tuấn không riêng mỗi piano mà còn có cả Công nghệ thông tin. Đó cũng là thời điểm trước 1 năm Tuấn vào nhạc viện, Tuấn bén duyên cùng CNTT cũng nhờ vào “dây tơ hồng” từ thầy giáo dạy nhạc của cậu “em có muốn học thử CNTT không?”. Câu hỏi ấy như một tiếng chuông “boong” vào định hướng của Tuấn lúc bấy giờ, vì cậu cũng không nghĩ mình sẽ theo âm nhạc. Sau 1 năm học lập trình, trái tim Tuấn bắt đầu “rung động” khi tình cảm của cậu dành cho cả lập trình và âm nhạc. Chính vì thế, Tuấn quyết định chọn cả 2.
FPT-Aptech-Le-Sy-Tuan
Tuấn được bồi dưỡng thêm các kiến thức về CNTT và được cô giáo hướng dẫn tạo cơ hội cho cậu tham gia đội tuyển trường.
Tuấn dành toàn thời gian để “nuôi” cả 2 đam mê của mình, khi mà cậu đồng thời học nhạc tại nhạc viện và tiếp tục học CNTT từ cả giáo trình lớp 8 và giáo viên dạy thêm bên ngoài. Cô giáo dạy tin học nhận thấy niềm yêu thích của Tuấn nên cũng bồi dưỡng thêm các kiến thức về CNTT và tạo cơ hội cho Tuấn tham gia đội tuyển trường. Đến năm lớp 10, Tuấn đã quyết định học tại FPT Aptech, nơi có thể giúp cậu thỏa niềm đam mê công nghệ của mình, điều này có nghĩa là cậu còn có thể bước trên con đường mà mình chọn sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Chương trình đào tạo tại FPT Aptech sát thực tế, nơi đây luôn đón chào những bạn có niềm đam mê với Lập trình. Cũng vì vậy, Tuấn còn có cơ hội vận dụng cả piano và code để bổ trợ cho nhau: piano mang niềm cảm hứng cho code và ngược lại.

Từ trải nghiệm học tại FPT Aptech, Tuấn chia sẻ: “Học tại FPT Aptech khá thoải mái. Được học thứ em thích và có những người cũng có cùng sở thích với em học cùng. Các thầy cô cũng có những kĩ năng chỉ dạy tốt. Cơ sở vật chất cũng tốt hơn bên nhạc viện nhiều.” nhờ thời gian học linh động tại FPT Aptech Tuấn có thể linh động thỏa đam mê của mình ở 2 lĩnh vực khác nhau, điều đó hỗ trợ khá nhiều cho việc học của cậu tại nhạc viện. Tính đến thời điểm hiện tại Tuấn đã bước sang kỳ 3 tại trường đào tạo lập trình viên Quốc tế FPT Aptech và nửa chặng đường tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội, khoa piano Jazz (Tuấn đang học năm 4 và chương trình học là 7 năm tại đây). Tuấn có dự định sẽ liên thông vào Đại học sau khi hoàn thành chương trình học tại FPT Aptech.
FPT-Aptech-Sy-Tuan
“cùng lắm thì piano thành nghề tay trái như việc bây giờ em đang đi dạy đàn thôi”- Tuấn chia sẻ
Tuấn cho biết cậu không nghĩ cậu sẽ làm công việc gì về âm nhạc, cùng lắm thì nó thành nghề tay trái như việc bây giờ cậu đang đi dạy đàn thôi. Âm nhạc trong tương lai của cậu có thể nó sẽ thành một thứ gì đó như sở thích để thư giãn khi việc code trở nên mệt mỏi và bế tắc, như việc giúp cho đầu óc cậu nguội lại khi mọi thứ như dây đàn kéo căng.
FPT-Aptech-Sy-Tuan
Chàng trai Sỹ Tuấn là một trong những sinh viên đặc biệt đang theo học tại FPT Aptech
Có thể thấy Tuấn là một trong những trường hợp đặc biệt tại FPT Aptech, cậu tự nhận định “chắc cũng một phần do em không chỉ học mỗi code mà còn song song cả một môn nghệ thuật khác nữa”. Đôi khi những điều khác biệt tạo nên kỳ tích, có ai biết được trong tương lai bạn là ai? Nhưng khi bạn đam mê thật sự mọi thứ sẽ đến với bạn một cách trơn tru như cách bạn đón nhận nó.

Nguồn: http://aptech.fpt.edu.vn/chitiet.php?id=5851

04 tháng 3 2019

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ VỀ CÁC CON_11


1. Kỳ họp phụ huynh nào cũng có rất nhiều chuyện để kể. Kỳ này Cún bị một điểm không được đẹp lắm. Trước khi có thông báo họp phụ huynh cún đã rào trước đón sau, “hôm nay ở lớp con bọn nó mô tả một bức tranh mẹ đang cầm roi đuổi đánh, chú thích là “cả nhà  đùa vui vẻ sau buổi họp phụ huynh””. Trưa hôm đó khi bố mẹ đi họp về (mẹ họp cho anh, bố họp cho em), bố mẹ hỏi các con đôi câu tại sao lại thế này, tại sao thế kia, con học được điều gì qua lần này, kỳ sau cố gắng thế nào …, Tôm bảo cún, “Em phải cảm ơn anh đi nhé, nhờ có anh mà bố mẹ đã quen rồi” (Ý là quen với chuyện các con bị điểm kém nên không mắng nữa, ặc ặc). Lát sau Tôm bảo, mẹ ơi Hưng vừa gọi điện, Hưng bảo mẹ Hưng sắp đi họp phụ huynh về, Hưng muốn sang nhà mình chơi. Bố mẹ phì cười hỏi, Hưng muốn đi lánh nạn à, Tôm láu lỉnh bảo, có vẻ thế mẹ ạ. Cún thêm vào, con mà có chỗ nào đi được thì cũng đi lánh nạn rồi.

2. Khi cún mới chỉ hơn 2 tuổi, mẹ hay chơi cùng cún một trò chơi thế này: Bằng một giọng đều đều mẹ hỏi cún, con có yêu mẹ không, con có yêu bố không, mẹ có yêu con không, mẹ có yêu anh Tuấn không?… và tất nhiên mọi câu trả lời của con đều là “Có”, thỉnh thoảng vẫn với giọng y như vậy mẹ gài bẫy một câu, con có ghét mẹ không/con có thích bị tét không?…, và không một lần nào cún bị lừa. Ngay lập tức các câu trả lời đang từ “Có” sẽ chuyển sang “Không”. Rồi mẹ trêu cún, con yêu bố hơn hay mẹ hơn, cún bao giờ cũng trả lời con yêu cả hai bố mẹ như nhau/con yêu cả bố cả mẹ, đại để vậy. Cún và mẹ thân thiết nhau lắm (cho tới khi bạn ấy nổi loạn 😊), nhưng cún cũng thân với bố và thần tượng bố ghê gớm. Cún hay trầm trồ, ôi bố giỏi thế. Bữa ăn cún và bố bao giờ cũng ngồi một bên bàn, mẹ và anh Tuấn ngồi đối diện, và nếu mẹ và bố tranh cãi chuyện gì thì cún sẽ vòng tay, luồn ôm tay bố và bảo, con về phe của bố.

Bây giờ, khi đã vào tuổi nổi loạn, cún chả còn thân với mẹ như ngày xưa nữa. Trái lại là đằng khác, cún luôn tìm cách “dìm hàng” mẹ bất cứ khi nào có thể. Mẹ mặc chiếc váy bó ôm sát rất đẹp, bụng chỉ hơi nổi một chút so với con gái chưa chồng chứ dáng vẫn rất thanh thoát, cún đi ngang qua sờ tay lên bụng mẹ rồi lườm, bụng mẹ to thế này mà cũng mặc váy bó. Thấy con gái chú trọng chuyện chăm sóc da, mẹ bảo da các con bây giờ đang rất đẹp, chưa cần chăm chút như thế, ngày xưa bằng tuổi con mẹ đâu có cần chăm sóc gì. Câu trả lời bật ra ngay là, thế nên bây giờ da mẹ mới xấu thế. Ặc ặc. Những chuyện dìm hàng mẹ như vậy rất nhiều. Bây giờ cún thích được khen giống bố chứ không thích được khen giống mẹ, chỉ khi nào cần nịnh nọt để mẹ chiều chuộng thì nàng mới mắt chớp chớp, cười nhìn mẹ vẻ rất thảo mai 😊.

Hôm nay chị M. khen con giống mẹ, mẹ quay sang trêu, con thấy chưa, ai cũng bảo con giống mẹ, bạn bác Tú hôm qua cũng nói vậy, con đáp ngay, mẹ không biết thế nào là khen xã giao à. Ôi, mẹ á khẩu con gái ạ.

3. Thời gian của mẹ eo hẹp, cả tuần mới đi tập yoga được một buổi. Thế nhưng tuần này bố về quê, thế là mẹ lại phải đưa đón cún. Mẹ hỏi ý kiến cún, hay mẹ đưa con đến trường sớm, con chờ từ 8.45 đến 9.30, để cho mẹ đi tập nhé. Cún phụng phịu, kêu không muốn như vậy. Mẹ cũng không hoàn toàn yên tâm khi để con ở trường lâu thế mà không phải giờ học. Tuấn từ trên tầng chạy xuống cười cười, Mẹ, mẹ cứ làm như thế đi. Em lớn rồi, mẹ cũng cần phải chăm sóc bản thân chứ. Haha, tất nhiên không phải vì chàng người lớn đến thế, đơn giản là chàng muốn chọc tức em cún thôi.