28 tháng 1 2018

MỘT CHUYẾN ĐI NA RÌ

Trước khi nộp đơn vào một vị trí ở ChildFund trong công cuộc tìm việc, với mình Na rì là một cái tên [gần như] hoàn toàn xa lạ. Của đáng tội trong cái trí nhớ hết sức hạn chế của mình, nhớ láng máng hình như nó gắn với Già Thu, một bí danh của đồng chí mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Trong cơn đọc tài liệu miệt mài chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, mình biết rằng đó là một huyện của tỉnh Bắc Cạn thụ hưởng dự án của ChidFund. Chấm hết. Chẳng có duyên lâu dài với ChildFund nên mình bị gạt ra ở vòng cuối cùng sau một khoảng thời gian họ lựa chọn rất lâu mà mình được biết do mình và ứng cử viên kia ngang nhau nên khó chọn quá (Ơn Chúa, vì họ không chọn mình nên bây giờ mình đã có một cơ hội tốt hơn 😊). Nhưng có lẽ vẫn có chút duyên nào đó nên mình được mời làm tư vấn cho họ trong một gói tư vấn rất nhỏ - đứng lớp một mình trong lớp tập huấn 2.5 ngày tại huyện Na Rì với chủ đề hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, chủ đề mà mình đã theo đuổi suốt 3 năm dự án ở văn phòng trước. Liên lạc với mình là một cán bộ dự án tên H., mình cũng chả biết trẻ già thế nào, rồi sau đôi lần trao đổi, gửi đề xuất bạn ấy chính thức mời mình sau khi ChildFund đã đăng quảng cáo tìm vị trí tư vấn này nhưng không chọn được ai.

Thái Nguyên và các huyện của Thái Nguyên mình đã đi nhiều, nhưng Bắc Cạn thì chưa bao giờ. Vậy nên mình rất ấn tượng với con đường đẹp mê hồn từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn. Tranh thủ thời gian ngồi trên xe để buôn dưa lê cả hơn nửa tiếng với một vài người bạn, đồng nghiệp cũ, mình bảo chị H., chị sẽ ghen tỵ với em mất thôi, em đang đi trên một con đường rất đẹp. Con đường gợi nhớ mình tới những con đường mình đã đi ở vùng núi Kavkaz của nước Nga ngày nào. Những con đường phẳng lì, hai bên đường mướt xanh những vòm lá rực rỡ mùa hè, rồi để khi đi lọt vào khe núi thì hiện ra bên trên những vách núi, những ngọn núi băng phủ vĩnh cửu là bầu trời xanh ngăn ngắt, và một bầu không khí mát lạnh. Còn con đường mình đi hôm nay, lướt nhanh qua cửa sổ là những ngọn đồi thấp, quãng đường gần Thái Nguyên thì có rất nhiều những đồi chè với những luống đều đều tăm tắp, theo kiểu những thửa ruộng bậc thang nhỏ. Một đoạn khác là những ngọn đồi với hàng cây cọ xếp lớp rất gọn gàng. Rồi chả mấy chốc mình đi vào những đoạn đường với một bên là núi, một bên là dòng sông nhỏ, thanh bình, hiền hòa vô cùng mà ngay bên bờ sông là những ruộng mía xếp hàng tăm tắp, người ta dùng dây chằng từng luống với nhau.

Thị trấn Yến Lạc nhỏ xíu, cứ gợi cho mình cái thị trấn miền sơn cước trong câu chuyện Hành trình ngày thơ ấu, gần gũi với thị trấn quê hương xưa của mình đến nao lòng. Bác chủ nhà nghỉ có lẽ chưa tới 60 là đại gia của phố núi với cái nhà nghỉ to nhất thị trấn, một ngôi nhà ba tầng khác nơi ngã ba cho ngân hàng Liên Việt thuê làm trụ sở, rồi sát gần đó là nhà hàng khá lớn của con trai bác. Và mình đã rất choáng khi được biết bác ấy mù chữ! Thời buổi này rồi, giàu có đến thế, và mù chữ. Đúng là kỳ lạ.

Buổi sáng đầu tiên ở thị trấn, mình ra quán phở ngay sát nhà nghỉ ăn sáng. Vừa ngồi vào bàn thì một cô ngồi ở đó từ trước hỏi luôn, chị của ChildFund à. Đúng rồi, chị đi tập huấn cho ChildFund. Hóa ra đó là một cô giáo ở Phòng Giáo dục huyện, và cô ấy nhất định không để mình trả tiền bát phở 20k 😊

Buổi chiều mình đi dọc con đường lớn chạy qua thị trấn tìm quán để photo tài liệu. Trong lúc loay hoay bật máy thì cô chủ quán chìa cho mình bắp ngô, nói rất thân thiết, ăn đi này cháu. Trời lạnh, bắp ngô nướng nóng, thật ngon miệng, giống làm sao những bắp ngô thời thơ ấu mấy đứa trẻ nhà đông con bẻ chia nhau. Rồi bữa ăn sáng ngày thứ hai lại gặp mấy cô học viên lớp tập huấn và chẳng ai cho mình trả tiền cả, tất cả đồng lòng biến mình thành gái bao, kaka.

Những bữa chính tụi mình ăn ở nhà hàng của con trai ông chủ khách sạn. Cơm như cơm nhà nấu, ngon ơi là ngon. Hầu như bữa nào cũng ăn món thịt lợn rang mà không chán. Thịt miền núi thơm và ngậy, giống hệt mùi vị những miếng thịt tuổi thơ của mình. Có bữa mình phải đi ăn một mình, ngại ngần hỏi em chủ quán cho chị một suất ít thịt nhé. Trời ơi, suất một người mà vẫn đầy đủ đĩa trứng rán tương đối lớn thơm phức, lạp sườn rán, dưa muối và một bát canh tầm bóp (loại rau này khi mình còn nhỏ chỉ đi lấy về cho lợn, giờ thì được nâng tầm thành đặc sản, kaka). Và có 40k. Mình bảo em là sao tính rẻ thế, em bảo lấy đủ thì thôi chứ chị. Những chuyện nho nhỏ thế làm mình vui, dù đôi lúc chạnh lòng nghĩ mọi người đang nghỉ cuối tuần, còn mình thì con cò con vạc đi làm. Nhưng mình cần phải làm để có một CV đẹp hơn, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sau này tiếp tục phải xin việc khi dự án kết thúc, và danh sách những nơi mình đã làm tư vấn sẽ là điểm mạnh của CV.

Sáng ngày cuối cùng ở Ra Rì mình đi bộ ra khu chợ cách khách sạn khoảng 500m. Thị trấn huyện, chưa hề có khái niệm du lịch, khách phương xa cũng vắng vẻ, vậy nên mình đã được lọt vào một khu chợ còn hết sức nguyên sơ. Một dãy những người dân tộc mang hàng ra bán, gạo, ngô, bánh đặc sản, trứng, rau… Ba cây xúp lơ xanh còn nguyên phấn, chắc vừa cắt trước đó một lúc giá 10k/3 cây, một mớ rau cải làn tươi ngon y như vậy cũng 10k. Trứng gà nhà nuôi, mà thường người bán chỉ có 1-2 chục, nhìn đã thấy ngon. Trên con đường cái dẫn đến chợ, một người đàn ông vừa loay hoay xếp phản thịt lợn vừa bật một điệu nhạc Tày-Nùng gì đó qua chiếc loa thùng to đùng. Ừ, hôm nay là Chủ nhật. Và mình lại nhớ những buổi chợ phiên thời thơ ấu, khi những bậc đá từ chỗ những cây thông cổ thụ xuống tận dưới khu chợ bây giờ kín đặc các cô người Mán đỏ tay đeo đầy vòng và nhẫn, các cô người Nhắng mặc bộ quần áo có hàng cúc dài, các cô người H’mông … Tụi mình cũng đi bán hàng, thường xuyên là chuối mẹ dấm, và khi bán hàng gần xong thì len lỏi đi chơi, thèm thuồng nhìn ngắm mớ vòng nhẫn trên tay các cô, có lúc chen vào gạ gẫm, bán nhé, bán nhé.


Một chuyến đi vì công việc, đến một nơi xa xôi heo hút, trong mấy ngày cuối tuần lẽ ra phải được nghỉ ngơi. Nhà nghỉ cấp huyện khá bẩn thỉu mà vừa đến mình đã yêu cầu thay ga gối, và câu trả lời của bác chủ nhà [mù chữ] làm mình choáng luôn, tôi cứ chờ người ta đến rồi mới thay không người ta lại không tin. Vậy nhưng mình đã có những ấn tượng đẹp về chuyến đi. Con người thân thiện, thật thà. Cả cậu cán bộ dự án cũng thật dễ thương. 30 tuổi, chưa vợ con, niềm say mê lớn nhất là công việc. Cậu ấy bảo, cả năm em chả có ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Năm nào em cũng được nâng bậc, trong khi có người 15 năm chả được nâng lần nào. Điểm mạnh lớn nhất của em là truyền cảm hứng. Đúng, mình cảm nhận thấy niềm say mê công việc, thực sự hiến mình vì công việc của em. 

Chỉ có điều một câu thơ làm mình nghĩ ngợi, "quê hương không về thì nhớ/về chưa quen ngõ vội đi". Cái thị trấn đấy thanh bình, đáng yêu đấy, nhưng liệu bao nhiêu người khi đã rời nơi đó đi học, đi làm lại quay trở về. Hay nó chỉ thanh bình, đáng yêu khi đứng nhìn từ xa, trong tâm thế một người không gắn bó lâu dài?? Và mình, có vẻ như một dấu hiệu tuổi tác, cứ mãi đau đáu những tháng ngày xưa cũ!

Mình cứ mê mải ngắm con đường và phong cảnh rất đẹp
Đường đèo có một đoạn mù mịt đến thế này đây, chả khác gì Sapa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét