Bài viết từ chuyến đi châu Âu hồi tháng 3. Cứ lười, mãi hôm nay mình mới viết xong để lưu lại.
Lần đầu tiên đến Brugge vào một ngày mùa đông năm
2013, mình đã ngơ ngẩn đi trên những con phố cổ lát đá, ngơ ngẩn ngắm tòa nhà cổ
soi bóng bên dòng kênh, ngơ ngẩn với bầu không khí dường như còn lại đó suốt từ
thế kỷ 16-17. Vẫn muốn quay lại thành phố này, vậy nên khi thấy trong chương
trình có tour đến thăm Brugge vào một buổi tối trong tuần, mình đăng ký ngay.
Là thành phố thủ phủ của miền Tây Flanders, Brugge
khá nhỏ, dân số vỏn vẹn vài chục ngàn. Một thành phố thơ mộng, chằng chịt những
con kênh nhỏ dọc ngang, được ví như một Venice thứ hai của châu Âu. Một thành
phố với những loại kẹo sô cô la độc đáo, với những thương hiệu bia lâu đời.
Nhưng với mình, chắc mình thích Brugge còn vì lý do thành phố này thật giống
thành Delf trong trí tưởng của mình, với câu chuyện tình buồn đầy sâu lắng, nơi
mình vẫn chưa cách gì đến được.
Từ thành phố biển Blankenberge, chỉ đi một bến tàu 17’ mình đã đến được ga Brugge. Đúng 7.30, chàng tourist guide tên Stephan, một thầy giáo dạy lịch sử chừng 55-60 tuổi đón tụi mình ở quảng trường nhỏ cạnh ga. Chỉ ngay từ câu giới thiệu chàng đã khiến mình ngưỡng mộ khi mình cảm nhận chàng thực sự yêu thích công việc. Chàng dẫn cả đoàn đi theo con đường dọc dòng kênh buổi tối vắng ngắt vắng ngơ, nơi làn sương khói mỏng manh lơ lửng khiến không gian như thêm phần huyền bí. Dừng lại tại một ngã ba nhỏ có tấm bản đồ thành phố, Stephan giảng giải cho tụi mình về lịch sử thành phố với những thông tin chính. Cách đó không xa, tháp Gunpowder lặng lẽ soi bóng xuống một vùng nước nhỏ, được gọi là “Minnewater” và theo lời chàng thường bị nhầm lẫn dịch là Lake of Love (Hồ tình yêu) trong khi nguyên gốc từ đó mang nghĩa “Hồ ma”, với nghĩa ở thời trung cổ xa xưa đó, vùng nước hoang vu với những làn sương bí ẩn gợi cho người ta cảm giác sợ hãi, như thể đó là vùng nước của những hồn ma..
Cả nhóm lang thang qua những con đường Brugge buổi
tối vắng lặng, các quán hàng đã đóng cửa hết, thỉnh thoảng mới có đôi ba quán
rượu còn mở, vài người khách ngồi lặng lẽ. Qua khu nhà tu viện, Stephan kể về
điều nghịch lý rằng các chị/bà khi muốn vào đó tu phải cúng hết tài sản, nên
người đứng đầu rất giàu, có thể mua cả khu nhà đẹp như vậy làm tu viện, còn bản
thân các “thần dân” trong đó lại không được phép sở hữu bất cứ thứ gì J.
Hay một tu viện khác, nơi vào thời Trung cổ xa xưa là nơi chạy chữa miễn phí
cho người ốm. Và để có tiền duy trì tu viện và chữa bệnh, các nữ tu và thầy
dòng được phép nuôi lợn cũng như được phép thu toàn bộ thuế nhập rượu vang của
thành phố. Mình phì cười khi liên tưởng hình ảnh các bà xơ và thầy tu với hình ảnh
mụ bán thịt và lái rượu. Để thêm phần thuyết phục, Stephan cho tụi mình xem bức
tranh một nữ tu tay lăm lăm cầm thước đo thùng rượu vang để tính thể tích, từ
đó tính số tiền thuế chủ nhân phải đóng J.
Từng là một thành phố phát triển rực rỡ vào thời
Trung cổ, với dân số thậm chí gấp rưỡi dân số của khu nội đô Brugge ngày nay, ở
nơi trung tâm thành phố vẫn còn vẹn nguyên những con đường lát đá suốt từ thế kỷ
12, 13 đặc trưng cho châu Âu, mà do việc vận chuyển đá đến đây rất khó khăn và
tốn kém, người ta đã dùng thành ngữ “stone rich” (“giàu đầy đá”, tương đương với
người Việt bảo giàu nứt đố đổ vách J) để nói đến
người giàu, nhà được xây toàn bằng đá. Bù lại ở Brugge có loại đất làm gạch rất
tốt, vậy nên nhiều tòa nhà cổ chỉ có mặt tiền bằng đá, còn toàn bộ phần còn lại
được xây bằng gạch nung.
Suốt thời Trung cổ, dù phát triển rực rỡ, vẫn còn
rất nhiều nhà xây bằng gỗ, nhiều những con phố bé tý ty, mà ngày nay vẫn còn lại
đó con phố mang tên Phố nhà tắm với chiều rộng chỉ hơn 1m chút xíu, nơi ngày
xưa người ta đến tắm mỗi tuần một lần, hay một tháng một lần J.
Và với việc đưa ra “Điều luật viên gạch thứ ba” (the law of third tile) vào khoảng
thế kỷ 15, tức người dân khi xây nhà cứ mua 2 viên gạch thì chính quyền thành
phố sẽ hỗ trợ tiền cho họ mua viên gạch thứ ba, bộ mặt Brugge thay đổi nhanh
chóng.
Phố nhà tắm
Cùng chàng hướng dẫn lang thang qua những con phố nhỏ với những câu chuyện
thật hấp dẫn. Tụi mình dừng lại nào là ở ngõ nhỏ, nơi chàng đã chạm mặt nữ
hoàng Hà Lan. Đi ngang qua một khu đang đào xới, chàng chỉ cho tụi mình chỗ người
ta đang đặt đường ống dẫn bia dài tới 3km, song song với đường ống nước của
thành phố, để dẫn bia từ nơi xưởng bia nổi tiếng đã có lịch sử 500 năm – De Halve
Maan – tới nơi đóng chai. Và câu chuyện thú vị nhất là trong lúc đào xới lắp đặt
đường ống, một phóng viên đã giả vờ vào nhà người dân và hỏi về chuyện nhà máy
bia muốn đền bù về những điều bất tiện bằng cách cung cấp bia miễn phí cho các
gia đình ở cạnh đường ống, giờ họ cần biết sẽ đục đường ống dẫn bia vào chỗ nào
trong gia đình J. Rồi tụi mình đi ngang qua tòa nhà nơi đã diễn ra cảnh
quay một bộ phim trong đó một celebrity phải đóng cảnh khỏa thân, Stephen kể
hôm đó mọi người đã bu kín khu đó ra sao, chắc hòng được chiêm ngưỡng, kaka. Dừng
lại trước tòa tháp Thị chính, Stephen kể cho tụi mình nghe tòa tháp đã bị cháy
vào thế kỷ 12 như thế nào, và vì thế họ chỉ có những tư liệu được lưu trữ từ
sau đó.
Những con đường, tòa nhà vắng lặng trong buổi tối đầu xuân
Tòa tháp thị chính, nằm tại quảng trường lớn nhất của thành phố
Một thành phố rất nhỏ nhưng có rất nhiều điểm hấp dẫn. Ý định thuyết phục
con gái quay trở lại Brugge không thành, mình đành bỏ lỡ cơ hội thưởng thức buổi
biểu diễn đàn hạc của nghệ sỹ nổi tiếng Luc Vanlaere, loại nhạc cụ cổ nhất trên
thế giới, với những âm thanh như thể vọng lại từ một thế giới khác - những đỉnh
núi thiêng hay thiên đường.
Một thành phố nhỏ xíu xiu, đã đến tới hai lần vậy mà cảm giác như chưa thỏa. Biết bao giờ mới quay trở lại đây nhỉ. Ừ, dù chả đơn giản nhưng nếu muốn nhất định sẽ làm được. Mình sẽ quay trở lại đây cùng các bạn nhỏ, và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ chương trình biểu diễn đàn hạc nữa.
Cửa hàng với những chiếc kẹo sôcôla độc đáo
Và một Brugge khác, trong một ngày đầu đông