21 tháng 4 2015

NHAN SẮC NHÀ MÌNH :-)

Đối với mẹ, lúc nào con gái cũng thật đáng yêu, dù rằng khi con được gần 1 tuổi, đưa con lên nhà bà ngoại gửi lại để đi học xa, về sau mẹ được mọi người kể lại, bảo trông con sao xấu thế, tóc dựng ngược như quả chôm chôm :-). Hôm nay, nhân lấy bức ảnh chân dung của con về, mẹ rất muốn lưu lại một entry về con qua các giai đoạn, thế mà đã gần 9 năm.
Con gái 3 tháng tuổi
12 tháng, con chập chững những bước đầu tiên. Tóc lưa thưa, chổng ngược như quả chôm chôm :-)
Con gái ở đây lên 2 tuổi. Mái tóc đã mọc dài, mượt mà, duyên dáng lắm rồi, và tròn xoay nữa.
3 tuổi đây. Bạn í đã có ảnh sen từ cái thời dân tình còn chưa đổ xô đi chụp như bây giờ
Bạn cún 4 tuổi, chụp trong chuyến đi chơi Hồ Quan Sơn
 Chuyến đi Sài Gòn tháng 2/2011. Con gái trông mềm mại như công chúa thiên nga

Tháng 6/2011. Cùng cả nhà trong chuyến đi Nha Trang-Đà Lạt-Sài Gòn
 Tháng 5/2012. Trong buổi biểu diễn chia tay trường Mầm non
Sắp vào lớp Một, nhiều suy tư quá :-)

Một chiều đông đầu năm 2013
Đầu lớp 2. Trông con đã chững chạc quá cơ
Đầu lớp 3, tháng 9/2014. Thiếu nữ của mẹ duyên dáng quá rồi
 Tháng 1/2014. 26 Tết dạo chơi Bờ Hồ

Tháng 6/2014. Vào chùa tham gia khóa tu lần đầu tiên

 Chân dung nàng năm nay, 8 tuổi rưỡi đây. Nàng happy vô cùng. Mẹ thì đùa ít nữa bọn trẻ nhà con sẽ bảo đây là cụ cố Thùy Dương lúc 8 tuổi, hehe

16 tháng 4 2015

KÝ ỨC NƯỚC NGA_CHIỀU NAO THẤY HOA CƯỜI...



Những mùa đông nước Nga dài lê thê, lê thê. Sáng nào nhìn ra cửa sổ cũng chỉ thấy một màu tuyết trắng phủ khắp mọi nơi. Vậy nên tụi mình đã vui sướng đến cỡ nào mỗi độ xuân về. Đầu tháng Ba, những bông hoa xuyên tuyết đầu tiên sẽ rụt rè nhô lên chỗ này chỗ nọ trong khu rừng gần ký túc xá. Đến tháng Tư, tháng Năm thì vô vàn các loại hoa thi nhau mọc, mà trong khu rừng gần ký túc tụi mình, loại hoa nhiều nhất là hoa chuông. Những bông hoa màu xanh nhẹ, dịu dàng, trông như hình một chiếc chuông nhỏ, e lệ cúi đầu. Có những khoảng rừng mỗi khi muốn đặt chân mình phải lựa mãi để không dẫm lên hoa. 
 Một trong những loài hoa phủ kín mặt đất trong khu rừng gần ký túc xá của mình đây
 Hic, chả biết tên hoa là gì
 Hoa linh lan dịu dàng và buồn bã
 Hoa pion rạng rỡ và kiêu kỳ
Lần nào cũng vậy, khi ở Việt Nam mọi người khoe nhau vài cây thủy tiên yếu ớt đáng thương, củ bị gọt tỉa, chùm rễ cuộn vòng lại, bị giam trong chiếc bình thủy tinh nhỏ và phía trên là đôi bông hoa còi cọc, mình lại nhớ những vạt hoa thủy tiên thân mập mạp, rất nhiều màu sắc khác nhau, các loại cánh hoa khác nhau, mọc đầy trong những khu vườn nhỏ hay thậm chí mọc dại ở những dẻo đất bên đường. Và nhớ biết chừng nào những mùa hoa ở thành phố tuổi trẻ của mình ấy. Trước cửa ký túc xá là một bãi cỏ nhỏ. Cái bụi hoa nhỏ ấy, tận giờ mình cũng chả biết tên gọi là gì, vàng rực một màu trên thân cây chưa hề nảy lộc, chị H. bảo, chị và chị Ph. cứ cãi nhau mãi về màu của nó, chị bảo là vàng mơ,  chị Ph. bảo vàng khè "-). Bụi hoa qua thời kỳ rực rỡ cũng là lúc bãi cỏ đã lên mướt mát, đến lượt hoa bồ công anh tô vàng bãi cỏ, chiều chiều mấy bà mẹ trẻ hay đưa con gái ra ngồi chơi, tết vòng hoa cho con.  Mình thì nhớ những kỷ niệm ngày thơ, đám trẻ tụi mình dùng cuống hoa bồ công anh làm ống thổi bong bóng.
 Bồ công anh
Dù hoa mọc đầy khắp thành phố, được trồng trong vườn, dại ở ven đường hay mọc trong rừng thì ngoài chợ hay chỗ bến tàu điện vẫn thường có vài bà già Nga bán hoa. Những bó hoa nhỏ, không cầu kỳ giấy bóng kính mà nằm khiêm tốn trong những chiếc xô tôn made in CCCP. Hoa linh lan nhỏ xíu, màu trắng tinh khiết, cúi đầu buồn bã, loài hoa đã được đưa vào sách đỏ và mọc rất nhiều trên núi Mashuk. Hoa thủy tiên đủ màu sắc và hình dạng cánh khác nhau kiêu hãnh vươn đầu. Hoa tuy líp tuy đẹp nhưng cắm rất chóng tàn. Hoa tử đinh hương thơm dìu dịu, trông duyên dáng dịu dàng như những nàng tiên nữ. Hoa pion màu đỏ thẫm, kiêu kỳ như một nàng công chúa. Cả thành phố ngập tràn hương sắc mùa xuân. Một chiều tháng 5, đón chị H. về phép sang, mình mua hoa thủy tiên, tập tành kết bó để tặng chị, chả biết giờ chị có còn nhớ.

Mỗi tuần một đôi lần, sau giờ học, thường tan lúc 3 rưỡi, mấy đứa tụi mình lại rủ nhau đi bộ lên nơi đấu súng của Lermontov, lang thang ở khu rừng quanh đó. Mùi lá mục, hương lá non, hương hoa mùa xuân, tất cả hòa quện trong một bầu không khí rất riêng, chỉ có thể gọi tên là hương xuân, làm tụi mình cứ lâng lâng. Không chỉ hái hoa, tụi mình còn có thể hái một nắm cây hẹ hoặc cải về nấu canh. Rau cải dại giống cải xanh ở Việt Nam nhưng nhiều lông hơn, lá ram ráp, và vị thì hơi đắng, rất có duyên.  

Đã từng có một chiều cuối tháng Tư, có lẽ vậy, trời nắng rực rỡ, và ấm áp, đến mức có thể mặc áo phông nhẹ. Sau giờ học, ba đứa tụi mình rủ nhau lên chỗ đấu súng đi dạo và hái hoa. Mình thật lạ, đôi khi cứ nhớ những chi tiết rất nhỏ, như hôm đó mình mặc chiếc quần màu vàng da bò, áo phông xanh da trời, tóc buộc cao lệch sang bên. Mình tin trông mình rực rỡ, như phần lớn các cô gái, ở cái tuổi đôi mươi ấy, tay cầm bó hoa chuông nhỏ vừa hái trong rừng. Trên đường về, hai cô bạn đi trước vài bước, mình tụt lại sau, chẳng còn nhớ khi đó nghĩ gì. Bất chợt, ngược chiều với mình, cách khoảng 15-20m hiện ra đôi mắt thật quen thuộc. Một buổi tối duy nhất ở ký túc xá Thanh Xuân chợt hiện về. Nào có gì, chỉ là giây lát nhìn vào mắt nhau, người bạn bê hộ chiếc xe đạp từ tầng một lên tầng hai, hỏi mình một câu gì đó mà mình lúng túng đến không thể đáp lời, và quanh đó hương hoa nhãn dịp đầu xuân cứ tỏa thơm ngan ngát, để rồi bao ngày sau đó mình cứ mãi ám ảnh một ánh nhìn, để ánh nhìn đó hằn sâu vào ký ức. Kể từ ngày ấy, chưa bao giờ, chưa ở đâu, mình gặp lại cái mùi hương hoa nhãn dịu ngọt ấy. Và bây giờ, cũng là đôi mắt ấy. Và tại sao người ta không hỏi hai cô bạn đi trước mà dừng mình lại hỏi tên loài hoa ấy. Đã mấy năm qua kể từ buổi tối mùa xuân ở Thanh Xuân đó, và nào đã có gì, vậy mà vì đôi mắt quen thuộc ấy, mình vẫn lúng túng đến mức không thốt nên lời. 

Ừ, đã có một chiều hoa cười, để lòng chợt nhớ! 

Chẳng quá liên quan nhưng tự dưng mình nhớ bài hát Nhớ một chiều xuân của Nguyễn Văn Đông kinh khủng, với giọng hát ngọt ngào của Hà Thanh.


13 tháng 4 2015

GIỖ Ở QUÊ



“Nơi chôn rau cắt rốn của tôi là một xóm nhỏ an bình, khi tôi mới lớn chỉ có 7 hộ, cách con sông Hoạt hiền hoà gần 1 km. Cánh buồm bên sông khi có gió, những đêm trăng, tiếng hò khoan vẳng tới nhịp nhàng. Làng được bao quanh bởi luỹ tre, xao xác những chiều chim về tổ.” Đấy là những dòng văn bố mình viết về quê hương, làng Tứ Thôn, xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, trong cuốn hồi ký của ông in năm 2010. Những dòng văn hết sức trữ tình, tha thiết, gợi nhớ một vùng quê yên bình đẹp đẽ. Và nó đúng là như vậy trong ký ức của mình.
 
Khi mình còn chưa được hai tuổi thì mẹ đã sinh em Thực. Năm đứa con lít nhít, trứng gà trứng vịt, chả đứa nào cách đứa kia được 2 tuổi mà chỉ toàn khoảng 20-21 tháng. Chị Yến nhà bác Quang lên thăm, ông bà ở Thanh Hóa nhắn nhủ bố mẹ gửi mình về quê để ông bà trông đỡ. Khi đó mình còn chưa được hai tuổi. Chuyến đi đầu tiên về quê. Chỉ vài tháng, em cứng cáp bố mẹ lại đón mình về Sapa. Tất nhiên khi đó mình còn quá nhỏ, không thể có ký ức nào. Ít lâu sau thím Phong lên thăm, khi đó mình đã đâu đó khoảng 3 tuổi và lại nhiệt tình đòi về quê. Bố mẹ ngần ngại, còn mình thì nghe lỏm câu chuyện của người lớn nên nằng nặc đòi đi, tất nhiên chỉ từ ý thích vớ vẩn của trẻ con là được đi xa. Khi người lớn bảo không cho đi thì mình tuyên bố sẽ trốn đi. Bị dọa không biết đường sẽ lạc thì mình bảo đường ở mồm. Câu chuyện này bố mẹ kể đi kể lại rất nhiều lần, bảo mình là con bé hết sức ghê gớm. Vụ này chắc mẹ nhầm rồi, hì hì :-)

Lần thứ hai về quê khi mình đã lớn hơn chút, có lẽ hơn 4 tuổi. Kỳ lạ, mình vẫn còn nhớ hình ảnh mình mặc chiếc quần yếm, đi từ nhà ông bà sang nhà bác Quy, bác Miên. Cái bờ rào dâm bụt dọc lối đi đối với mình ngày đó sao mà cao, khoảng đường sao mà dài. Thỉnh thoảng gặp mình, bác Miên vẫn kể câu chuyện mình tranh vét xoong bột của chị Chi. In hằn trong ký ức là những cảnh chơi đùa với em Phong ở góc vườn, rút những bông hoa đao màu đỏ để hút chút mật ngọt trong đó. Một hôm vươn người với quả ối chín vàng của cây ổi cạnh ao, mình ngã lăn tùm xuống đó, được mọi người vớt lên và bèo tấm dính đầy đầu. Rồi một hôm nào đó sau giải phóng, bố mới đi miền Nam thăm chú Nhân, quà mang về cho tụi mình là chiếc vòng ốc với những con ốc nhỏ tý xíu. Mình ngồi trên bờ ao xem người lớn đánh cá, chiếc vòng đeo ở cổ mà rơi đâu mất, tìm mãi chẳng ra. Con bé khóc sưng cả mắt. Và một hôm khác, bố về thăm, đòi theo bố lên nhà bác Quang chơi mà không được, con bé lại ôm gốc dừa khóc một trận ngon lành khác.

Ngôi nhà của ông bà nhỏ, là cái người ta để lại sau cải cách ruộng đất. Chiếc cửa sổ tròn. Ông thường ngồi trên chiếc giường trong nhà, thò đôi chân đã bị cụt một bên sau trận bom năm 68 ra ngoài cửa sổ. Vào vụ gặt, lúa chất đống bên dưới cửa sổ. Có hôm ông ngồi vuốt râu vuốt được một con sâu. Rồi hình ảnh ông chống nạng đi từ nhà xuống bếp, tay cầm rổ trứng gà nhỏ. Hình ảnh ông gọi gà, cho gà ăn. Những mảng ký ức lộn xộn đọng lại trong mình.

Suốt một thời gian dài mình sống bên Nga, mối liên hệ với quê trở nên thật nhạt nhòa. Rồi cả những năm đầu mới về nước mình cũng ít về quê, phần vì công việc, phần vì mang bầu, sinh con, nhưng có lẽ hơn cả là do mình không đặt việc về quê làm ưu tiên hàng đầu. Nhưng những năm gần đây, chắc do dấu hiệu của tuổi tác, mình chăm chỉ về quê hơn nhiều, năm nào cũng 1-2 chuyến.

Ông nội mất năm nay đã được 35 năm. Ngoài việc năm nào con cháu cũng làm giỗ chạp hết sức chu đáo, thường là ở Hà Nội, tại nhà cháu đích tôn của ông, năm 2009 bố mình đã cùng các bác, cô, chú xây ngôi nhà thờ ông bà trên nền nhà cũ ngày xưa. Năm nay, để kỷ niệm 35 năm, bố mình muốn tổ chức một bữa giỗ to hơn bình thường, tại ngôi nhà thờ đó ở Thanh Hóa, mời đông khách khứa hơn, và có lẽ cũng là lần cuối bố mình có thể đi tận từ Sapa về Thanh Hóa dự.

Chả cần bố mẹ nhắc nhở, cả mấy chị em mình đều thấy có nghĩa vụ và thực lòng muốn cùng ông bà về quê. Tối thứ Hai ông đã từ Sapa đi tàu về nhà mình. Sáng thứ Ba, vừa về đến nhà, nghỉ ít phút ông đã vội vàng đi Bỉm Sơn để lo mọi công tác chuẩn bị cho bữa cỗ. Rồi thứ Sáu ông lại vào Bỉm Sơn trước làm tổng chỉ huy.

Sáng sớm thứ Bảy, phu quân chở bà, bác Tú và mình về quê sớm. Bác Vân và bác Lĩnh đi xe thẳng từ Lao Cai về Bỉm Sơn. Bác Kiều cũng muốn đi lắm nhưng bị bác Lĩnh tranh. Rồi bác Thạnh cũng gợi ý bác Tú ở nhà để bác đi thay. Tất nhiên bị bác Tú từ chối thẳng thừng :-). Lúc mình về đến nhà, gần 10h thì phần nghi lễ đã bắt đầu. Hic, vụ này thì mình ân hận quá, lẽ ra cả nhà phải đi sớm hơn. Bố mình phát biểu, nhớ lại những kỷ niệm với ông bà, giọng ông cứ nghẹn lại, rồi thỉnh thoảng lại lau nước mắt. Bài văn của anh Như, mặc dù moi rất nhiều nước mắt của nhiều người, mình đánh giá không bằng một số bài khác của anh mà mình đã nghe. Khoảng 10.45 thì phần nghi lễ kết thúc, đám con cháu bắt đầu bê mâm ra. Khá đông khách, tổng cộng 21 mâm, với rất nhiều người là con cháu bên ngoại (tức họ hàng của bà nội mình). Rất nhiều con cháu từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Các chú dì mình từ Hà Nội. Bố mẹ mình chắc hài lòng lắm vì gần như đầy đủ 5 đứa con, thiếu mỗi bác Kiều bị bác Lĩnh tranh phần.  

Mấy anh chị em họ của mình thật đảm đang. Hơn 20 mâm thế mà mấy chị em làm veo veo, lại còn rất ngon là đằng khác. Mình ăn uống nhiệt tình, sau đó cùng mọi người dọn dẹp, đi thăm bác Quy gái giờ đã rất yếu, chỉ còn nằm trên giường.

Phần tiếp theo cả nhà kéo ra thăm mộ ông bà. Đám con cháu gồm bố mẹ mình, tụi mình, nhà chị Thái, anh Túc, bố con nhà Phong… đứng trong khuôn viên ngôi mộ. Dù bố mình lại lau nước mắt, mình cảm giác giây phút đó thật quý báu, thật ấm cúng.

Hành trình không thể thiếu tiếp theo là vòng lên Bỉm Sơn để vào thắp hương cho cô Lan, thăm bác Phương thời gian này đã rất yếu, chỉ còn nằm trên giường. Sáng hôm trước ở nhà, ông nằm trên ghế, buồn bã nói với mình, hôm trước anh Hưng gọi điện bảo bố, mẹ cháu hôm nay không nói gì, rồi hôm sau lại bảo, mẹ cháu hôm nay không ăn gì, bố hình dung chẳng lâu nữa sẽ đến lượt các con gọi điện cho họ hàng nói tương tự như vậy. Nghe bố nói mình thấy mắt cay cay, nhớ lại một ngày cách đây vài năm, khi bố suýt bị tai nạn, chị Tú gọi điện cho mình khóc bảo phúc nhà mình còn to lắm, chứ nếu không giờ này chị em mình đã chẳng còn bố rồi.

Bố mình, một mặt rất vui vì bữa giỗ rất thành công. Rất đông con cháu từ xa đã về và từ gần cũng đến để tôn vinh ông bà. Mặt khác, đám tang bác Hàm ngay trước hôm giỗ đôi ngày, rồi bác Quy, bác Phương đều trong tình cảnh chỉ tính bằng ngày hoặc tháng, bác Duyên đã rất yếu, bác Tân, bác Miên cũng vậy, khiến ông có đôi phần buồn. Ngay trước hôm giỗ ít ngày, bố mình gọi điện cho chú Nhân, nói bác Phương đã rất yếu, không về thì có thể chẳng còn được gặp chị. Bố mình nói đi nói lại, không về được chắc chú khổ tâm lắm, nhưng chú giờ đã 83 tuổi, và xa xôi cách trở đến như vậy. Ừ, bóng câu qua cửa. Từ cái ngày nào bố tiễn chú lên đường vào Nam, giờ đã mấy chục năm, và chú thì giờ ở một phương trời thật xa, chả biết bố và chú mình có còn nhìn thấy nhau lần cuối. Nghĩ như vậy thấy thật buồn.

Mình hơi tiếc đã không tha lôi bọn trẻ đi vì không muốn tụi nó bỏ học. Nhưng có lẽ mình sẽ phải tìm cách cho bọn trẻ về quê nhiều hơn, để bọn nó hiểu được hơn, gắn bó hơn với quê hương. Mà mình thì hoàn toàn tin “quê hương nếu ai không nhớ/sẽ không lớn nổi thành người”.

Hôm qua vừa được bà thông báo một đám cưới tiếp theo, ở Mậu A, quê ngoại, vào dịp nghỉ lễ sắp tới. Lại chuẩn bị lên đường thôi. Mình đã có một kế hoạch khá hay ho cho dịp đó rồi, mà chắc mấy đứa cháu tha hồ ghen tỵ đây, kakaka.
Trước cửa nhà thờ. Anh Như chị Nghĩa chen bằng được vào tấm hình của nhà mình :)
Phía xa xa sau lưng mình là cái mà bố mình mô tả là dòng sông Hoạt hiền hòa, mà chính mình đã được ngắm những cánh buồm xuôi ngược. Giờ thì nó chỉ còn bé tý, và nông choèn, chẳng còn thuyền nào có thể nổi trên đó.
Ông bà lại trêu nhau gì mà cười như địa chủ thế này nhỉ :-)
Cùng các em con cô Lan, những đầu bếp chính của bữa giỗ