20 tháng 6 2014

NƠI CON SÔNG ĐỔI DÒNG THEO MÙA NƯỚC



Không quá mặn mà với việc đi Campuchia nên ban đầu chuyến đi này không có trong lịch của mình. Vậy nhưng cô bạn đồng nghiệp đang mang bầu được/bị bác sỹ yêu cầu nghỉ ngơi vào thời điểm sát chuyến đi, thế là mình thành diễn viên đóng thế bất đắc dĩ, tham gia vào việc chuẩn bị cho một hoạt động tiếp theo vào tháng Chín.

Mình vẫn bay đường bay như lần trước, 50’ từ Hà Nội đến Viêng Chăn, một sân bay nhỏ xíu xìu xiu mà rất thanh bình. Có lẽ rất ít máy bay đến đây nên chỉ có vài đường chờ nho nhỏ, chẳng thang máy, đường dẫn xa gì cả. Phòng chờ cũng bé tý, cửa hàng miễn thuế đương nhiên cũng vậy. Nhưng có lẽ dừng chân ở đây phần lớn mọi người sẽ cảm thấy thật thanh bình. Bản thân kiến trúc đã gợi nên vẻ hiền hòa với tòa nhà xây thấp, 2 tầng, mái ngói cong duyên dáng đặc trưng. Vì sân bay nhỏ nên từ hành lang dẫn vào phòng chờ nhìn ra xa một chút đã thấy màu xanh cây cối.

Ngồi chờ hơn nửa tiếng thì mình lên chuyến bay tiếp theo với khá nhiều khách từ Viêng Chăn lên cùng chuyến bay, để rồi sau đó họ tiếp tục bay đến Sài Gòn. Sân bay Phnom Pênh vẫn vậy, như mình đến hồi cách đây năm rưỡi. Cả cái khách sạn Vila Langka với khu bar và bể bơi ở khu phố Tây cũng đã thành quen thuộc. 
 Những cánh hoa sen bên ngoài được cuộn lại, làm nhiều người chẳng nhận ra đó là hoa gì

Không còn cái náo nức của lần đầu khám phá một vùng đất, cũng vì không có cạ, nên suốt cả buổi chiều đầu tiên được rảnh rỗi mình ở lỳ trong phòng, mãi tối mới mò ra đường, lang thang chụp ảnh một lúc trong ngôi đền khá lớn đối diện khách sạn. Khu đền gồm khoảng 200 tăng và một số lượng tương đương như vậy học sinh (haiza, mình còn không rõ phải gọi thế nào mới hoàn toàn đúng). Cứ 9h tối là chùa điểm chuông giờ cầu nguyện. Cửa ban công phòng mình nhìn chếch sang chùa, hôm đầu mình còn chẳng hiểu những tiếng rì rầm rì rầm đó từ đâu vọng tới. Sau phát hiện ra, thấy thú vị ra phết.  


 Những ngôi mộ trong khuôn viên khu chùa đối diện khách sạn Vila Langka
 Kiểu bàn thờ như thế này có thể bắt gặp không chỉ trong đền chùa mà còn có thể thấy bên ngoài nhiều khu nhà. Ở bốn góc mái là những đường nét trang trí gợi nhớ những ngón tay mềm mại uốn lượn trong điệu múa Apsara.
Ăn uống ở Campuchia khá ngon và rẻ đến bất ngờ. Các buổi trưa tụi mình đều đi ăn cùng mấy đồng nghiệp người Campuchia. Trưa ngày thứ nhất là một quán theo kiểu Thái, một kiểu buffet bình dân gồm cơm trắng, gà rang xả, nộm đu đủ dưa chuột, mướp xào lạc và canh rau muống, thêm một chai nước khoáng nữa mà mình chỉ phải trả có 3 đô. Ăn uống ở khu phố Tây gần khách sạn thì đắt hơn chút, khoảng 5-7 đô/bữa và cũng rất ngon. Bữa tối ngày thứ hai ở Phnom Penh mình cùng cậu đồng nghiệp đi ăn ở quán Ngon. Quán đẹp, không gian rộng, những hàng hoa đại nở, tỏa hương thơm ngát. Chả có gì lạ khi ở đây có rất nhiều quán Việt vì có tới 8% dân số Campuchia là người Việt.

Buổi tối ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng ở Phnom Penh, các bạn đồng nghiệp mời tụi mình làm một tour trên sông. Đương nhiên cả bọn, tức mình, cậu đồng nghiệp và hai bác từ Bỉ sang, hưởng ứng nhiệt tình. Chuyện ăn uống khá đơn giản, các bạn ấy mua đồ ăn sẵn mang theo, cánh gà rán, nem, nộm, nấm xiên nướng..., tụi mình vừa ăn, uống bia và buôn chuyện. Năm 2011 Sukhany đã sang văn phòng bên mình, tụi mình cùng nhau đi Thái Nguyên, rồi mình sang bên đó, rồi gặp nhau bên Bỉ, tóm lại đã gặp gỡ nhiều, và sau đây sẽ còn làm việc cùng nhau nhiều, nên bọn mình với nhau khá thân thiết. Một chàng đồng nghiệp khác còn có tài múa, mình bảo chàng múa thật chậm cho cả bọn học. Hì hì, sau một lát khoa chân múa tay thì cô bạn đồng nghiệp người Căm bảo tụi mình múa không khác gì đang tập Kung-fu. Cả bọn cười đến đau bụng.

Gần 2 tiếng đồng hồ con thuyền trôi trên dòng sông Tonle Sap, hay chính là một đoạn của Biển Hồ, đến đoạn gặp sông Mê Kông rồi quay lại bến. Thời tiết đẹp, mát mẻ so với Hà Nội, thêm gió lồng lộng trên sông. Dòng sông Tonle Sap có lẽ là một trong số những dòng sông độc đáo nhất trên thế giới. Vào mùa mưa, khoảng thời gian tháng Tư đến tháng Mười, khi con sông Mê Kông thừa nước, sông Mê Kông trút nước sang Biển Hồ, khiến khu vực ngập nước trở nên mênh mông, rộng gấp 7 lần so với mùa mưa. Chỉ vài tháng sau, tháng 11 đến tháng Tư, là mùa khô, nước từ Biển Hồ/sông Tonle Sap lại đổ ngược lại vào dòng Mê Kông. Thiên nhiên đã tự tạo nên một sự cân bằng tuyệt vời. Đứng trên tầng hai con tầu, nhìn vài ba chiếc thuyền cá nhỏ của ngư dân ngược xuôi, người ta khó lòng hình dung có tới hơn 1,2 triệu người sống trong những khu làng nổi như vậy, trôi nổi quanh năm trên những con thuyền bé xíu. Và dù cá thì rất sẵn, nhưng do chế độ ăn thiếu rau và hoa quả, khá nhiều trẻ em bị còi. Chả cần óc tưởng tượng phong phú lắm mình cũng có thể hình dung cuộc sống của họ, hay của những ngôi làng nổi ở Việt Nam. Có bi quan quá không khi nghĩ sẽ mãi mãi, mãi mãi chả bao giờ có được sự bình đẳng, và cuộc sống của những con người đó sẽ đời này nối tiếp đời khác là như vậy. Mà thôi, có lẽ mình không nhất thiết phải tâm trạng, vì kể cả trong hoàn cảnh đó,  biết đâu họ cũng hạnh phúc theo cách của mình, tránh xa được những stress của đám dân thị thành/công sở mà nhiều khi đến gây bệnh đau dạ dày :(.


Trên con sông Tonle Sap
Thật tiếc, dù rất muốn nhưng mình đã không may, các suất diễn múa Apsara chỉ có vào tối thứ Sáu và thứ Bảy tại Bảo tàng Quốc gia. Đành hẹn một dịp khác vậy. Hóa ra mình vẫn còn nhiều điều muốn khám phá ở Cămpuchia lắm :-)

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Em thấy mình đúng là may mắn được đi nhiều nơi. Em vẫn chưa có dịp xem múa Ápsara ở bên đó. Và chuyến đi sắp tới cũng không được xem, vì toàn đi vào working days, không có suất diễn.

      Xóa