Con trai lên lớp 6, học khó hơn hẳn. Mà điều đó
thì mẹ đã được nghe cảnh báo từ trước rồi. Hôm trước, trong bữa ăn, con rào
đón:
- Mẹ ơi, hôm nay mẹ phải ký bài kiểm tra cho con,
thế nào mẹ cũng ký chứ?
- Tất nhiên, thế nào mẹ cũng ký cho con.
- Mẹ ơi, bạn Long thi vào Maria Quyri, điểm toán
cao gần nhất trường, điểm văn thấp gần nhất trường, mẹ thấy có hay không.
- Ừ, buồn cười nhỉ.
Sau một lát:
- Con cũng giống bạn Long đấy.
(Chả biết gọi đây là kỹ năng gì của con. Kỹ
năng chống sốc cho mẹ à :)?)
Đến giờ học buổi tối, sau một hồi đố qua đáp lại
thì con tiết lộ con được 4.5 văn. Mẹ xem bài, ký cho con và cũng thấy hơi thắc
mắc, một bài văn tả cơn mưa, đương nhiên chẳng thể so sánh với Trần Đăng Khoa
nhưng cũng chẳng hiểu sao con bị nhận 1.5/5 cho phần đó. Mẹ thực sự không thấy
đó là một điều quá to tát và cũng chẳng đòi hỏi ở con gì nhiều, nhưng mẹ vẫn nhắc
nhở con cần cố gắng.
Cậu cả đón ý:
- Mẹ buồn à? Nhưng dù thế nào cũng không được buồn,
cô giáo con bảo thế mẹ ạ. Đây mới chỉ là bài đầu tiên, bị điểm kém cũng là chuyện
bình thường. Mẹ nhất định không được buồn đấy nhé!
Chà chà, cậu cả của mẹ lớn thật rồi. Nếu con biết
chăm lo đến mẹ như thế này thì một điểm 4.5 đúng là muỗi :).
Viết thêm: Hôm trước cậu cả bảo, Mẹ ơi, con biết
rồi, nếu như ban đầu mình lười rồi sau đó chăm ngoan lên một tý thì sẽ được
khen ngay. Con cũng làm thế rồi đấy!
Những lúc hiếm hoi khi cả nhà tụ tập, nói chuyện ngày xưa, mẹ hay nói mẹ thương mình xa bố mẹ từ sớm. Bé xíu xiu, mới chưa đầy 3 tuổi đã bị gửi về ông bà nội để mẹ sinh em. Học cấp I cũng lúc ở xa, lúc ở nhà, lên cấp II cũng vậy, rồi từ cấp III là đi hẳn. Tổng cộng từ bé tới giờ, mình sống cùng bố mẹ chưa được 10 năm. Có lẽ vì vậy mà mình rất trân trọng những lúc được ở bên bố mẹ. Mình cũng chịu khó dành thời gian về thăm bố mẹ ở Sapa. Mỗi năm nay thì thật tệ, công tác hơi nhiều hồi đầu năm, rồi bố mẹ hay về Hà Nội với mình, vậy nên suốt từ đầu tháng Một tới giờ mình chưa về Sapa thăm ông bà.
Tuần trước chị K. đón hai đứa cháu mang lên chơi với ông bà. Đến lượt ông bà đưa hai đứa cháu trả về cho bố mẹ chúng, tiện thể đi thăm họ hàng đây đó, vậy là mấy hôm nay ông bà đang ở Hà Nội với mình. Mọi khi có bác T. ở nhà cơm nước, mình chả phải lo nghĩ gì. Tháng này bác về nghỉ cả tháng, mình tất bật hơn hẳn. Cố gắng chỉ sau 5h chút là đứng lên, về lo cơm nước cho cả nhà. Mấy hôm nay thì khác, gọi điện về cho mẹ, mẹ bảo, con cứ yên tâm, để mẹ làm. Mẹ hỏi mình nấu mấy bò gạo, làm món gì. Được nghe thấy giọng mẹ ở nhà, được làm nũng mẹ chút xíu, dặn mẹ nấu thế này thế nọ, lòng mình ngập tràn một cảm giác bình yên, ngọt ngào, ấm áp vô kể. Tự dưng thấy hơi ghen tỵ với một đôi đồng nghiệp của mình, được mẹ ở cùng chăm con cháu với thời gian tính bằng năm. Việc nhà mình chẳng nhiều nhặn gì, mình làm cố chút cũng xong, rồi có thể thuê người theo giờ nếu không có người giúp việc. Nhưng cái cảm giác ấm cúng khi mẹ ở nhà, để về nhà không phải đối diện với cánh cửa khóa kín, để gọi điện về được nghe mẹ hỏi thì chẳng gì có thể thay thế. Và với mình, đó thực sự là niềm hạnh phúc. Mình chỉ mong, 5 năm, 10 năm, 15 năm nữa mình vẫn có được những khoảnh khắc như thế. Chẳng cần mẹ đặt hộ nồi cơm đâu, mình chỉ cần được nghe thấy giọng mẹ nói “Mẹ đây con!” là đủ lắm rồi. Cầu trời!
Năm nay mùa bão như đến sớm. Mới có đầu tháng 8 vậy mà đã cơn bão số 5. Sáng nay, mưa gió vậy mà mình vẫn phải đi tham dự một cuộc họp "cứu chuộc thế giới", lại còn vào sáng thứ Bảy nữa chứ. Haiza! Lúc về, đi trên đường Láng, mưa to khủng khiếp, gió thì tưởng như có lúc làm xe liêu xiêu. Mình thường cuối tuần ít ra ngoài, được ở nhà đọc sách, đánh đàn là đã thấy thư giãn. Chỉ có cậu con trai cứ rên rỉ vì không được đi hiệu sách. Cơn mưa ròng rã từ sáng tới giờ, nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến tận sáng mai, và cả những cơn mưa thường xuyên thời gian vừa rồi làm mình nhớ đến bài viết cũ này quá.
(Đăng lần đầu 25/8/2011) Tháng này tháng ngâu, mưa thật nhiều. Công việc ngồi văn phòng suốt
ngày, tụi mình thường vừa nghe nhạc vừa đọc tài liệu, trả lời thư tín…
Bản nhạc mình nghe nhiều trong tháng ngâu này là bản “Tháng sáu
trời mưa”. Trước hết vì bài hát thật đẹp. Cũng có thể vì trời mưa, một bài
hát như thế rất hợp tâm trạng. Bài hát được phổ từ thơ của Nguyên Sa thì rõ
rồi, nhưng khá nhiều người nhầm lẫn về nhạc sỹ đã tạo ra những giai điệu tuyệt
vời cho bài hát này. Trên thực tế, có hai bản nhạc, một của Ngô Thụy Miên, và
một bản của Hoàng Thanh Tâm. Mọi người có thể đọc thêm về hai bản nhạc ở đây, ở đây hay đọc bài thơ của Nguyên Sa ở đây. Bài mình say mê là bài của nhạc sỹ Hoàng
Thanh Tâm.
Những lời thơ cứ ám ảnh mình:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy
trời mưa
Thường nói đến mưa là thấy buồn. Chả thế mà Nguyễn Bính than van:
Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Trời mưa làm người ta thấy bị níu chân cẳng, không đi đâu được. Vậy
mà chàng trai ở đây lại tha thiết mong trời mưa.
Anh lạy trời mưa phong kín đường về/Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Với tâm trạng khi yêu, người ta chỉ muốn được ở bên người mình
yêu mãi mãi. Khi đó, thời tiết đâu có còn là vấn đề. “Mưa phong kín đường về”,
đêm thì “dài vô tận” để hai người được bên nhau. Với những đôi tình nhân đang trong giai đoạn si mê, mưa một ngày, một tuần chứ cả tháng có lẽ họ cũng không để tâm.
Tình yêu muôn đời là một điều thật thiêng liêng, là cứu cánh cho
những tâm hồn đang chơi vơi. Với những con người thời loạn lạc, hơn bao giờ hết,
tình yêu lại càng là cái phao để người ta bám vào. Chắc hẳn vì thế mà chàng
trai mong ước:
Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến/ Sưởi ấm đời nhau bằng những
môi hôn
Cuộc đời có biết bao điều phiền muộn, trong cơn bế tắc, liệu có
điều gì có thể giúp con người đứng vững, được an ủi như tình yêu. Chả thế mà
sau mỗi thảm họa thiên nhiên, số lượng trẻ em sinh ra lại tăng đột biến. Trong
những tháng năm loạn lạc, chẳng biết đi đâu về đâu, chàng trai mơ ước “biến
cuộc đời thành những tối tân hôn”.
Nhạc của miền Nam những năm trước giải phóng rất riêng biệt. Mình không thích những bài quá ủy mị, rên rỉ chàng nàng. Nhưng rõ ràng đã
có những bài thơ, bài hát thật đẹp ca ngợi tình yêu ra đời trong khoảng thời
gian này. Tình yêu tha thiết, đẹp như muôn đời nó vẫn thế, được nâng lên bằng
những ca từ vô cùng sang trọng, đắt giá, những hình ảnh lộng lẫy. Liệu sau Nguyên
Sa, có nhà thơ nào có thể viết:
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Nhà thơ Hồ Dzếnh đã có câu thơ nổi tiếng:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Có phải vì thế mà chàng và nàng trong bài thơ của Nguyên Sa cũng
chẳng đến được với nhau. Vì thế mà bao thời gian qua, chàng trai vẫn không thôi
tự hỏi:
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Chàng trai vẫn “xin mưa phong kín đường về”, vẫn “nhớ
suốt đời mưa tháng sáu”.
Và tất cả những lời thơ đẹp đẽ biết dường nào ấy, đã được giọng ca Thái Hiền làm cho trở thành bất tử:
Vĩ thanh:
Tháng sáu thì năm nào cũng có. Nhưng tháng sáu của Nguyên Sa, tháng
của tình yêu nồng thắm mà sao lại đượm vẻ buồn (có phải vì chàng trai linh cảm
thấy sự chia lìa?), tháng của cái đẹp vĩnh cửu đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ, số
người nghe những kiểu âm nhạc như thế này, với những ca từ cầu kỳ, sang trọng,
chẳng còn bao nhiêu. Trong thời buổi ngày nay, khối ca sỹ rất tự tin
khi lải nhải một thứ được gọi là bài hát với vài từ nhảm nhí kiểu như Em
sống trong khát khao/ Em sống trong ước ao/ Mang đến những ước ao/ Mang đến
những khát khao/Làn da nâu, làn da nâu (Da nâu - Phi Thanh Vân) hay Anh
mang chiếc phone gì nè/ Đôi giày mà anh thường mang không biết nó tên gì/ Ôi
làn da của anh, ta nói nó đen sì à (Vọng cổ teen geisha).
Khi những thứ tương tự như trên được quảng bá nơi nơi, chẳng có gì
ngạc nhiên khi giới trẻ/xã hội ngày nay nói chung đã trở nên vô cảm đến thế.
Khi người ta không biết yêu/phân biệt cái đẹp, liệu có thể trông
chờ người ta yêu cái gì?