Điều hôm qua làm mình bị ám ảnh mãi
là câu chuyện về một người đàn ông 40 tuổi ở Thanh Trì bị đau ruột thừa, năm lần
bảy lượt gia đình đưa đi bệnh viện đều bị chốt dân phòng chặn lại. Tối hôm kia
đau quá gia đình lại đưa đi bệnh viện, đến chốt dân phòng họ vẫn không cho qua,
bắt gọi xe cấp cứu. Người đàn ông đó đã chết khi xe cấp cứu đến ☹. Trời ơi, chết
vì viêm ruột thừa mà không được cứu chữa, đau đớn ngày này sang ngày khác đến
chết, ở một huyện ngoại thành Hà Nội, vì sự độc ác và ngu xuẩn của chính quyền
địa phương. Mình gọi cho chị A., nhà chị ấy toàn làm ngành y, để hỏi về tình
hình dịch bệnh. Chị ấy bảo chị bắt đầu nói chuyện với con gái cần làm thế nào nếu
bỗng dưng cả nhà ly tán, đơn giản nhất là mỗi người đi cách ly một nơi, hoặc tệ
hơn nữa là bố mẹ chết. Mình nghĩ mình cũng cần nói chuyện với bọn trẻ nên đã bắt
đầu gợi ra chuyện đó và mình không kìm được nước mắt. Tuấn thì đã lớn, chỉ còn
hơn hai năm, nhưng chặng đường học hành của con gái còn dài lắm. Và con còn bé
bỏng đến thế. Hôm nay mình dặn các chị gái nếu bỗng dưng mình tèo thì nhờ các
bác chăm lo bọn trẻ, bác V. bảo mình phải suy nghĩ tích cực lên. Zời ạ, không
phải chuyện suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, đơn giản cần chuẩn bị cho mọi tình
huống. Cứ ngăn sông cấm chợ xuẩn ngốc thế này, đến lúc ốm thuốc cũng còn không
mua được nữa kìa, việc bị chết vì một căn bệnh bình thường hoàn toàn không nguy
hiểm là điều đã xảy ra ở nhiều nơi, và giờ thì cả ở Hà Nội. Mình bảo nếu em chớm
có dấu hiệu nhiễm thì em sẽ dặn dò các bác cẩn thận.
Như đã được dự báo, hôm qua các điểm
chốt đông nghẹt người, thấy hình minh họa trên báo là một tồng chí cán bộ cầm tờ
giấy đi đường, kèm theo là căn cước để kiểm tra. Trời ạ, một biển người như thế,
không lây nhiễm mới là lạ. Và sáng nay thì nhóm dân cư của mình thông báo đã có
ca nhiễm ở một ngõ bên phố Nhân Hòa. Mọi người trong tổ dân phố tỏ ra ít hoảng
loạn, thậm chí còn bảo nhau, bị tầm này tốt, cơ thể sản sinh miễn dịch, y tế
chưa quá tải.
Câu chuyện hài cười không nổi nữa là
ở phường chị bạn mình phát phiếu đi chợ, trên phiếu ghi tên chủ hộ như trong sổ
hộ khẩu. Chỉ người đó được đi, người khác không được. Phiếu còn cẩn thận ép plastic
(chắc để người nhà không sửa tên được, và không loại trừ khả năng là để giải ngân
nữa.) Mỗi tội nhà chị ấy bố là chủ hộ, mới có 90 chứ mấy, ặc ặc. Ngày nào cũng
có những sáng tạo đỉnh cao mới, những câu chuyện bi hài mà nếu không chứng kiến
người ta sẽ không thể nào tin nổi. Nhật ký này mình ghi từ năm ngoái, của mình được
mấy chục entries, toàn ghi lại những chuyện chủ yếu của gia đình, vậy mà khi mình
đọc lại cũng đầy ắp những thông tin, cứ như thể mình sống lại một lần nữa những
ngày tháng ấy. Gần đây, anh Giang Dang đã có sáng kiến thành lập trang Ký ức đại
dịch. Rồi sau đây người ta sẽ nhìn lại một thời kỳ kinh khủng, khi những sự yếu
kém, độc ác và xuẩn ngốc của bộ máy hành chính có cơ hội bộc lộ rõ nhất.
Có lẽ tin tức tốt lành duy nhất trong
ngày là dân tình đang đồn Hà Nội sẽ không ngoáy mũi toàn dân nữa, sau lời thông
báo hôm qua của Toang chủ tịch. Ừ, giữa toàn những tin xấu, những sự ngu xuẩn bất
tận của chính quyền, có được một bằng chứng mong manh về việc họ bớt ngu đã là
quý lắm rồi ☹. Đấy, niềm vui
của người dân xứ thiên đường giản dị thế thôi.
Lần cuối cùng mình về thăm bố mẹ là
đầu tháng Tư, trong chuyến đi với các thầy cô mình đi cùng sang Úc năm 2018.
May hôm đó quyết tâm về thăm ông bà, loáng cái đã 5 tháng trôi qua. Đường về
quê giờ xa lắm. Bao giờ cho đến tháng Mười!