02 tháng 6 2021

CHUYỆN CON GÁI CHUYỂN CẤP

Con trai học hành chẳng có kỳ thi nào căng thẳng cả, không thi cấp 3, rồi cũng khỏi thi đại học luôn. Vậy nên chàng trai đã qua tuổi học hành phổ thông mà bố mẹ không hề có trải nghiệm con thi vượt cấp là thế nào.

Với con gái mọi chuyện có vẻ như khác. Năm lớp 8 nàng bắt đầu bộc lộ tình yêu đối với môn Hóa. Nàng miệt mài học Hóa, học trước chương trình rất nhiều, yêu thích thực sự ý, bắt đầu với những buổi học cùng em Thư. Rồi hai mẹ con cùng tìm hiểu, học thêm lớp này lớp nọ, nào là thầy Vũ Khắc Ngọc, nào là lớp Thái Thịnh của nhóm các thầy cô chuyên Tự nhiên, rồi có dạo còn học ở nhà riêng một thầy ở Mandarin Garden nữa. Dù thế, nàng cứ vật vã, không biết chọn cái gì giữa hai tình yêu lớn – đàn hạc hay Hóa. Mẹ bảo con phải tự quyết, đó là cuộc đời của con. Thực lòng thì mẹ ngại ngần khi con bảo muốn học đàn. Có hôm trong bữa ăn mẹ gợi ý hay con cứ học một ngành nào đó có Hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học chẳng hạn, rồi sau khi học xong đại học con có thể đi học thêm đàn 2 năm, âm nhạc sẽ là thú vui trong khi con có một nghề nghiệp khác. Tuấn cười cười, mẹ bảo em đừng có học cái ngành chết đói ấy đấy. Mẹ bảo, mẹ có nói thế đâu. Nhưng thái độ của mẹ cho thấy như vậy. Ặc ặc. Và cứ thế, một mặt con miệt mài tập đàn, mặt khác lại rất chăm chỉ học Hóa với quyết tâm thi vào chuyên Tự nhiên, cái trường chuyên khó nhất Hà Nội ấy. Rồi có lúc lại tuyên bố kế cả đỗ con vẫn đi học đàn, con chỉ muốn đỗ cho ngầu. Trời ạ. T. Anh thì bảo chị Thùy Dương muốn thách thức định kiến là dân học nhạc thường ngu, vì không học được văn hóa nên mới đi học nhạc. Mẹ thì luôn muốn con được tự quyết, vả lại mẹ tin học gì cũng đều tốt cả, mọi kiến thức con học được sẽ là những nấc thang, những viên gạch trên con đường của con, hoàn toàn có thể những suy luận, logic trong Hóa cũng sẽ hữu ích với con trong âm nhạc, vậy nên bất kể bố hay bà kêu ca học Hóa và Toán làm gì khi đã thích đàn, mẹ vẫn khuyến khích con.

Cứ thế, nàng đu dây suốt cả năm trời. Thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra không ít. Đến cuối tháng Hai vừa rồi, tức chỉ còn hơn 3 tháng nữa đến kỳ thi thì nàng bảo thôi con không thi chuyên nữa, con dành sức tập đàn. Mẹ thấy tiếc công sức con đã bỏ ra nên gợi ý hay con cứ thi đi, mất gì đâu mà lại được kinh nghiệm. Thôi con không muốn nữa. Ừ, thì đành thôi chứ biết làm sao. Thế là từ đó đến giờ nàng dồn sức tập đàn. Tuần 3 buổi sau giờ học con vào dàn nhạc để tập. Rồi sau đó, khi ở lớp đã thi xong cuối kỳ, đâu đó từ giữa tháng Tư thì con đi tập đàn hàng ngày.

Lẽ ra sau khi thi xong học kỳ, các bạn tiếp tục ôn thi vào lớp 10 thì con phải được nghỉ, vì theo logic con cũng cần ôn thi môn đàn của con. Vậy nhưng cô bảo không được nghỉ mà vẫn phải học hết tháng 5, vì “quy định như vậy”. Mẹ vui lòng đóng tiền học ôn thi cho con, dù con chẳng có nhu cầu phải ôn, để khỏi gặp rắc rối với nhà trường và cũng nói với cô mắt nhắm mắt mở việc con đi học. Sau đợt nghỉ 1/5 thì các con chuyển sang học online, vậy nên con chỉ cần log in là được, học hay không chả ai kiểm tra nổi. Buổi đầu tiên cô yêu cầu vào lớp để cô hướng dẫn, con đi tập đàn về khá muộn, rối rít, mẹ ơi mẹ log in hộ con cái, Tuấn cười cười, chả cái nhà nào như nhà này.

Vậy là suốt 3 tuần đầu của tháng 5 con vẫn phải log in đều đều để điểm danh. Nhiều hôm con vào dàn nhạc ngồi tập đàn, log in bằng điện thoại chỉ để cho cô giáo thấy tên. Tuần cuối cùng con phản đối, con không vào lớp nữa, con ngủ, đằng nào cô cũng có để ý đến con đâu. Mẹ để cho con được tự do. Sáng thứ Hai, 31/5, mẹ gửi tin nhắn hỏi cô, cô ơi từ hôm nay Thùy Dương không phải học nữa phải không cô. Cô có ý dỗi, từ mấy tuần nay con cũng có học đâu, em bảo các cô khác cho con nghỉ rồi. Hihi, mẹ thấy không cần thiết phải phân trần, giải thích rằng con mới chỉ nghỉ mỗi tuần cuối cùng. Anyway, mẹ vẫn đánh giá cô giáo con là cô giáo cởi mở nhất trong mọi giáo viên của các con, cùng với cô giáo dạy văn của anh Tuấn nữa, những người đôi phần chấp nhận sự khác biệt của các con.

Vậy là có hai đứa con, đứa lớn đã lên đến đại học rồi mà mẹ còn chưa từng bị áp lực thi cử của các con. Vào đúng ngày các bạn thi vào cấp III, tháng 6 năm 2016, anh Tuấn cùng con và bố đang sung sướng ngồi ở cáp treo Bà Nà. Đến lượt con bây giờ cũng vậy. Trong lúc các bạn khác miệt mài ôn tập, các bố mẹ lo lắng đủ thứ, thì nhà mình hoàn toàn thư giãn, chiều chiều con đi tập đàn. Con là đứa trẻ độc lập, hồ sơ thi nhạc viện con cũng tự mua, tự điền, mẹ chỉ để ý nhắc con nộp kẻo hết hạn.

Mẹ cũng không cần chúc con thi nhạc viện tốt, vì cô đã biết con quá rồi, việc con đỗ là đương nhiên. Có hôm gần đây mẹ hỏi con hôm nay con có đi tập không. Có chứ, cô mới cho con một bài hay ơi là hay, con phải tập chứ. Con sẽ cho các chị [năm trên] thấy sinh viên năm nhất trung cấp là thế nào 😊.

Chúc con gái cứ happy như vậy với lựa chọn của mình nhé. Yêu con!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét