20 tháng 6 2021

BỖNG DƯNG BIẾN THÀNH BÀ NGOẠI :)

 Ngày các con còn nhỏ nhà mình đã từng nuôi lúc thì mèo, lúc thì chó. Chú chó ngày đó là chó cảnh, bé xíu và rất xinh. Lâu quá rồi mẹ chẳng còn nhớ vì sao mà không nuôi nữa. Hình như do nhà mình xây nhà, chỗ đi ở thuê không tiện nên thôi. Tiếp theo sau đó thì nuôi mèo, năm đó Cún 6-7 tuổi còn anh Tuấn thì 10-11 tuổi gì đó. Sau một thời gian, con mèo mẹ sinh ra một đàn mèo con, cho bác Th. bạn mẹ một chú, nuôi đến tận giờ. Chú mèo con nghịch ngợm hiếu động ngày nào giờ đã thành một ông mèo già béo ú, đi đứng bệ vệ, chậm chạp. Hôm mẹ kể, Cún rủ hôm nào sang thăm lại bạn mèo ngày xưa ấy. Nhất trí thôi, chờ qua đợt dịch bệnh này đã nhé. Còn sau đó nhà mình phải giải tán đám mèo do anh Tuấn bị dị ứng, gãi xước hết cả cẳng chân mà dấu tích còn đến tận giờ.

Thỉnh thoảng Cún lại kỳ kèo, con muốn nuôi mèo, khi nào vào Sài Gòn con sẽ nuôi mèo. Ừ, khi nào con sống một mình con muốn nuôi bao nhiêu thì nuôi, còn bây giờ không được, anh Tuấn bị dị ứng. Tuấn cũng thích chó mèo lắm, bảo có khi bây giờ con hết bị rồi, vậy nhưng mẹ vẫn không đồng ý. Thế mà một hôm mẹ đi làm về, thấy Cún ngồi một cách hơi khác thường rồi cứ nhìn mẹ tủm tìm cười. Ôi trời, trên lòng nàng là một chú mèo con giống Anh, trắng muốt, xinh xắn và do còn lạ nhà nên nằm im thin thít. Hóa ra Dad xin từ nhà bạn cho nàng một chú mèo con, mới 5 tuần tuổi mà họ đã muốn cho đi để đỡ chật nhà.

Vì muốn nuôi mèo nên chả ai phân công nàng cũng chủ động hết. Việc đầu tiên là đặt mua gói cát và chậu đi ị cho mèo để giải quyết đầu ra. Đầu vào thì đặt mua thức ăn cho mèo - hôm đầu nàng đặt mua mấy gói pate cá ngừ và cá thu, chỉ có loại cho mèo trên 2 tháng tuổi. Ăn hết cả gói rồi thì nàng bảo, nó còn bé quá, chưa nên cho ăn pate cá, thôi con cho ăn pate gà. Rồi ngày nào cũng một đôi lần dọn phân cho em ấy. Được cái ngay hôm về nhà em mèo đã biết cách đi ị vào chậu cát rồi nên khoản dọn này khá nhẹ nhàng, chỉ việc hót chỗ phân dính cát cho vào thùng rác là okie. Rồi rửa bát cho mèo, bằng một miếng giẻ riêng, ngày ba lần. Nhớ khi mẹ phản đối việc nuôi các con vật vì ngại chăm sóc, hôi…, nàng kể chuyện con chó của chị H. Con chó nó biết đi ị vào bồn cầu đấy, hai ngày tắm một lần, ngày nào cũng đánh răng, ăn chay, đi ngủ lúc 10h tối và dậy lúc 5h sáng. Mẹ trêu, ngủ dậy 5h sáng xong rồi tập yoga nữa chứ. Không không, thế thì hơi quá, nhưng thật sự nó sống còn heo thì hơn con 😊. Ít nữa con mèo này lớn con cũng đánh răng hàng ngày cho nó, không như một số ai kia. Tuấn lườm, này, nói ai đấy hả, ngày nào anh cũng đánh răng đấy nhé.

Đôi hôm sau khi em mèo về với gia đình nàng bế em đi bác sỹ khám và tư vấn, xem khi nào thì tẩy giun, khi nào thì tiêm chủng… Nàng than van, tiền khám mất có 30k mà tiền đi lại mất 60k đấy, khi đi con gọi grabike, mà em kêu quá, khi về con phải đặt grabcar. Sau hôm đó thì nàng đặt mua balo cho mèo, một chiếc ba lô giống của các con thôi nhưng mặt quay ra ngoài là nhựa cứng và trong với các lỗ thông khí, và đôi hôm sau khi đi khám xem có rận không thì nàng đã có chiếc balo tử tế để chở em mèo rồi. Mẹ cười cười trêu nàng, đấy, con thấy nuôi một đứa con tốn kém và vất vả đến chừng nào. Vì câu đùa đấy của mẹ nên nàng nhận nó là con, trong vòng nửa nốt nhạc biến mẹ thành bà ngoại 😊.

Chỉ hôm sau em mèo đã bắt đầu quen nhà, dạn dĩ đi ra phòng khách đùa nghịch. Chưa đầy một tuần thì em mèo đã trèo được lên tận tầng hai. "Mẹ" Cún dần dần sắm cho em mèo đủ thứ, một ngôi nhà riêng rất xinh xắn mà em từ chối chui vào và mấy hôm cuối này em mèo chỉ toàn nằm ngủ trên đi văng, duỗi dài người ra một cách vô cùng sảng khoái (ngôi nhà này "ông ngoại" trả tiền). Các món đồ chơi mà "mẹ" mua cho em bao gồm mấy quả bóng, con cá thu bằng bông và một con cá khác, cũng hoàn toàn bị em mèo phớt lờ. Như từ hôm mới về, món đồ chơi em mèo thích nhất là gặm chân người 😊. Cứ đi làm về, vào bếp nấu nướng là em mèo xông vào đùa nghịch, gặm chân mẹ, buồn không chịu nổi đến mức có hôm mẹ phải quát lên, cún lại phụng phịu, sao mẹ quát nó.

Vụ đặt tên cho em mèo đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Cún bảo, hay đặt tên nó là "Chó" 😊. Mẹ thích đặt một cái tên đơn giản, nhà đã có anh Tôm, em Cún rồi, thôi đặt là Tép đi. Rồi nghĩ nó là mèo giống Anh thì hay đặt một cái tên Anh, Boris Johnson chẳng hạn, giống thủ tướng Anh, nhể. Rồi cún lại gặng, nếu mẹ có thêm một đứa con trai thì mẹ đặt tên là gì, mẹ nghĩ ngợi một hồi rồi báo, nhà mình đã có Tuấn, chắc đặt là Tú là để có Tuấn - Tú. Haiza, nhưng đặt vậy lai phạm húy với bác Tú nhà mình. Tóm lại, đến tận giờ em ấy vẫn chưa có tên, trong khi vị hôn phu nghe chừng "mẹ" Cún đã chấm. Nàng bảo, bao giờ nó lớn, con cho nó lấy con chó nhà chị H. kakaka.

Cả nhà đều yêu em mèo. Đi làm về mẹ sẽ gọi em ấy ra, vuốt ve vài phút. Tuấn cũng thích vuốt ve nhưng mẹ dặn con phải theo dõi xem có bị dị ứng không và không được cho em mèo vào phòng. Cún lên mặt, anh thích vuốt ve nó thì anh cũng phải dọn phân cho nó đi. Những lúc em Cún đi vắng, mẹ thay em cho mèo ăn, chơi với chú mèo, Thỉnh thoảng mẹ đùa, bỏ con thế à, mẹ gì mà bỏ con cả ngày không ở nhà chăm con, cún làm bộ quan trọng, mẹ phải đi kiếm tiền nuôi em, nhỉ. Tuấn cười cười, thế mà mẹ bảo mẹ không chăm con hộ Dương. Còn sáng nay, khi mẹ ngắm chú mèo con nghịch chân Dad và bảo với Tuấn, trông yêu nhỉ, Tuấn cười rất đểu bảo, không nghiện, không nghiện! Haha, chàng trai nhắc mẹ về việc mẹ luôn nói mẹ có nhiều việc để làm lắm, mẹ sẽ không trông cháu hộ các con đâu, chỉ chơi chút thôi, mẹ nhất định sẽ không nghiện cháu. No, mẹ không nghiện mà, nhưng tại sao trông yêu lại không được khen là yêu nhỉ 😊.

Việc chăm một chú mèo sẽ giúp các con trở nên có trách nhiệm hơn, biết cách thu xếp công việc hơn. Chào đón thành viên mới của nhà mình nhé, dù rằng mẹ bỗng dưng bị biến thành bà ngoại trong vòng có nửa nốt nhạc thế này, hihi. Nhìn con chăm chút bạn mèo quá, mẹ phát hờn ghen, mẹ cũng muốn làm con mèo để được chăm, mẹ chẳng được ai chăm đây này!

 
Giờ mình có hân hạnh làm bà ngoại của em ấy đây :)

 

 

02 tháng 6 2021

CHUYỆN CON GÁI CHUYỂN CẤP

Con trai học hành chẳng có kỳ thi nào căng thẳng cả, không thi cấp 3, rồi cũng khỏi thi đại học luôn. Vậy nên chàng trai đã qua tuổi học hành phổ thông mà bố mẹ không hề có trải nghiệm con thi vượt cấp là thế nào.

Với con gái mọi chuyện có vẻ như khác. Năm lớp 8 nàng bắt đầu bộc lộ tình yêu đối với môn Hóa. Nàng miệt mài học Hóa, học trước chương trình rất nhiều, yêu thích thực sự ý, bắt đầu với những buổi học cùng em Thư. Rồi hai mẹ con cùng tìm hiểu, học thêm lớp này lớp nọ, nào là thầy Vũ Khắc Ngọc, nào là lớp Thái Thịnh của nhóm các thầy cô chuyên Tự nhiên, rồi có dạo còn học ở nhà riêng một thầy ở Mandarin Garden nữa. Dù thế, nàng cứ vật vã, không biết chọn cái gì giữa hai tình yêu lớn – đàn hạc hay Hóa. Mẹ bảo con phải tự quyết, đó là cuộc đời của con. Thực lòng thì mẹ ngại ngần khi con bảo muốn học đàn. Có hôm trong bữa ăn mẹ gợi ý hay con cứ học một ngành nào đó có Hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học chẳng hạn, rồi sau khi học xong đại học con có thể đi học thêm đàn 2 năm, âm nhạc sẽ là thú vui trong khi con có một nghề nghiệp khác. Tuấn cười cười, mẹ bảo em đừng có học cái ngành chết đói ấy đấy. Mẹ bảo, mẹ có nói thế đâu. Nhưng thái độ của mẹ cho thấy như vậy. Ặc ặc. Và cứ thế, một mặt con miệt mài tập đàn, mặt khác lại rất chăm chỉ học Hóa với quyết tâm thi vào chuyên Tự nhiên, cái trường chuyên khó nhất Hà Nội ấy. Rồi có lúc lại tuyên bố kế cả đỗ con vẫn đi học đàn, con chỉ muốn đỗ cho ngầu. Trời ạ. T. Anh thì bảo chị Thùy Dương muốn thách thức định kiến là dân học nhạc thường ngu, vì không học được văn hóa nên mới đi học nhạc. Mẹ thì luôn muốn con được tự quyết, vả lại mẹ tin học gì cũng đều tốt cả, mọi kiến thức con học được sẽ là những nấc thang, những viên gạch trên con đường của con, hoàn toàn có thể những suy luận, logic trong Hóa cũng sẽ hữu ích với con trong âm nhạc, vậy nên bất kể bố hay bà kêu ca học Hóa và Toán làm gì khi đã thích đàn, mẹ vẫn khuyến khích con.

Cứ thế, nàng đu dây suốt cả năm trời. Thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra không ít. Đến cuối tháng Hai vừa rồi, tức chỉ còn hơn 3 tháng nữa đến kỳ thi thì nàng bảo thôi con không thi chuyên nữa, con dành sức tập đàn. Mẹ thấy tiếc công sức con đã bỏ ra nên gợi ý hay con cứ thi đi, mất gì đâu mà lại được kinh nghiệm. Thôi con không muốn nữa. Ừ, thì đành thôi chứ biết làm sao. Thế là từ đó đến giờ nàng dồn sức tập đàn. Tuần 3 buổi sau giờ học con vào dàn nhạc để tập. Rồi sau đó, khi ở lớp đã thi xong cuối kỳ, đâu đó từ giữa tháng Tư thì con đi tập đàn hàng ngày.

Lẽ ra sau khi thi xong học kỳ, các bạn tiếp tục ôn thi vào lớp 10 thì con phải được nghỉ, vì theo logic con cũng cần ôn thi môn đàn của con. Vậy nhưng cô bảo không được nghỉ mà vẫn phải học hết tháng 5, vì “quy định như vậy”. Mẹ vui lòng đóng tiền học ôn thi cho con, dù con chẳng có nhu cầu phải ôn, để khỏi gặp rắc rối với nhà trường và cũng nói với cô mắt nhắm mắt mở việc con đi học. Sau đợt nghỉ 1/5 thì các con chuyển sang học online, vậy nên con chỉ cần log in là được, học hay không chả ai kiểm tra nổi. Buổi đầu tiên cô yêu cầu vào lớp để cô hướng dẫn, con đi tập đàn về khá muộn, rối rít, mẹ ơi mẹ log in hộ con cái, Tuấn cười cười, chả cái nhà nào như nhà này.

Vậy là suốt 3 tuần đầu của tháng 5 con vẫn phải log in đều đều để điểm danh. Nhiều hôm con vào dàn nhạc ngồi tập đàn, log in bằng điện thoại chỉ để cho cô giáo thấy tên. Tuần cuối cùng con phản đối, con không vào lớp nữa, con ngủ, đằng nào cô cũng có để ý đến con đâu. Mẹ để cho con được tự do. Sáng thứ Hai, 31/5, mẹ gửi tin nhắn hỏi cô, cô ơi từ hôm nay Thùy Dương không phải học nữa phải không cô. Cô có ý dỗi, từ mấy tuần nay con cũng có học đâu, em bảo các cô khác cho con nghỉ rồi. Hihi, mẹ thấy không cần thiết phải phân trần, giải thích rằng con mới chỉ nghỉ mỗi tuần cuối cùng. Anyway, mẹ vẫn đánh giá cô giáo con là cô giáo cởi mở nhất trong mọi giáo viên của các con, cùng với cô giáo dạy văn của anh Tuấn nữa, những người đôi phần chấp nhận sự khác biệt của các con.

Vậy là có hai đứa con, đứa lớn đã lên đến đại học rồi mà mẹ còn chưa từng bị áp lực thi cử của các con. Vào đúng ngày các bạn thi vào cấp III, tháng 6 năm 2016, anh Tuấn cùng con và bố đang sung sướng ngồi ở cáp treo Bà Nà. Đến lượt con bây giờ cũng vậy. Trong lúc các bạn khác miệt mài ôn tập, các bố mẹ lo lắng đủ thứ, thì nhà mình hoàn toàn thư giãn, chiều chiều con đi tập đàn. Con là đứa trẻ độc lập, hồ sơ thi nhạc viện con cũng tự mua, tự điền, mẹ chỉ để ý nhắc con nộp kẻo hết hạn.

Mẹ cũng không cần chúc con thi nhạc viện tốt, vì cô đã biết con quá rồi, việc con đỗ là đương nhiên. Có hôm gần đây mẹ hỏi con hôm nay con có đi tập không. Có chứ, cô mới cho con một bài hay ơi là hay, con phải tập chứ. Con sẽ cho các chị [năm trên] thấy sinh viên năm nhất trung cấp là thế nào 😊.

Chúc con gái cứ happy như vậy với lựa chọn của mình nhé. Yêu con!