Trước khi tìm hiểu về Đài Loan thì
mình chẳng biết gì về đất nước này, ngoài đôi cái tên như Đài Bắc, Tưởng Giới
Thạch và hình ảnh những cô gái tha thướt trong bộ xường xám mà mình mới gặp lại
trong bộ phim mình xem gần đây “Tâm trạng khi yêu/In the mood for love”, bộ
phim khiến mình cứ ngẩn ngơ mãi.
Theo kế hoạch, mình muốn dành buổi
chiều đầu tiên ở Đài Bắc để lên ngắm thành phố từ tháp Taipei 101 và dạo phố
đêm. Vậy nhưng một phút ngẫu hứng, chị H.A rủ bọn mình ra cảng cá Đạm Thủy/Tamsui
ngắm hoàng hôn và nếu kịp thì đi ngắm khu phố cổ Đạm Thủy. Xa ơi là xa, từ chỗ
mình ở là khu trung tâm phải đi gần 20 bến tàu điện ngầm, rồi tiếp tục thêm 20’
xe bus nữa. Ra đến nơi trời đã tối mò, chẳng còn ngắm được hoàng hôn, nhưng khu
cảng quả thật rất đẹp. Cây cầu tình yêu đổi sắc liên tục, con đường lát gỗ đi dạo
nơi cảng, dù hôm đó là thứ Bảy thì cũng không quá đông người và một ban nhạc
đang biểu diễn. Bầu không khí vừa hội hè, vừa thanh bình đến kỳ lạ. Mình trêu
chị H.A, chị ơi em muốn được zai nắm tay đi dạo cơ. Chị bảo, trời ơi, “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/Thì đường
trần mưa bay gió cuốn/Còn nhiều em ơi”. Thế là những câu hát của bài “Nhớ một
chiều xuân” của Nguyễn Văn Đông hiện về, mình đưa điện thoại vào tay chị H.A.,
bảo chị nhất định phải nghe bài này. Đoạn tiếp theo mới hay chứ. Trong lúc chị
H.A đang nghe bản nhạc, mình chụp cho cô bạn mấy kiểu ảnh, quay ra đã không thấy
chị H.A đâu rồi, vội lục túi tìm điện thoại để gọi. Lục lọi khắp túi mà chẳng
thấy điện thoại đâu, não cá vàng chẳng nhớ là vừa đưa chị ấy mấy phút trước, thế
là mình vội vàng quay ngược trở lại nhà hàng mà bọn mình ăn tối lúc nãy để hỏi
xem có quên điện thoại không. Đi được đôi trăm mét thì nhớ ra, lại quay về chỗ cũ, ặc ặc. Về đến khách sạn khi đã quá 10.30,
bọn mình đi ngủ ngay để chuẩn bị cho ngày khám phá thứ hai – Bảo tàng cố cung
và Longshan Temple.
Cây cầu tình yêu ở cảng cá Đạm Thủy, buổi tối cây cầu thay đổi sắc màu liên tục, rất đẹp
Đã thành thói quen, đến thành phố
nào mình cũng coi việc thăm các bảo tàng là ưu tiên lớn nhất, vậy nên ngay khi
thiết kế cho chuyến đi mình đã mua vé thăm bảo tàng qua Klook để tiết kiệm thời
gian khi đến đó. Sau chuyến đi đến Đạm Thủy tối hôm trước, giờ thì bọn mình đã
thông thạo hơn với việc đi lại nên sáng Chủ Nhật tụi mình đến được bảo tàng một
cách nhanh chóng và dễ dàng. Hoàn toàn xứng đáng với danh tiếng của mình – nơi
lưu trữ bộ sưu tập các món đồ cổ và châu báu lớn nhất của Trung Quốc, bảo tàng
thực sự là một nơi đáng đến. Mình lang thang rất lâu, ngắm nhìn những món đồ cổ,
nhiều món đã có từ trước công nguyên, chìm đắm trong tưởng tượng về những con
người, bối cảnh của những món đồ thời đó. Cứ như thể mình đang trôi trong một
thời gian nào xa xưa lắm. Mỗi căn phòng, mỗi món đồ lại mở một cánh cửa về quá
khứ xa xăm. Căn phòng chứa hai món bảo vật quý nhất – viên ngọc chạm hình cây cải
thảo và viên ngọc hình miếng thịt – hầu như lúc nào cũng đông nghẹt, thậm chí có
những thời điểm phải xếp hàng mới được vào xem. Đúng là kỳ lạ. Viên ngọc được
chạm thành hình cây cải thảo rất sống động, và viên ngọc hình miếng thịt thì giống
từ lớp mỡ trên bề mặt, tới những sợi lông, lớp da, lớp mỡ, lớp thịt… Lang thang
khá lâu trong bảo tàng, nhưng thực sự những gì mình nhìn thấy chỉ là một phần rất
rất nhỏ trong tổng số hơn 600.000 hiện vật. Do số lượng các hiện vật quá lớn, cứ
mỗi ba tháng một lần người ta lại thay đổi các món đồ trưng bày (trừ một số món
được trưng bày thường xuyên), vậy nên cả một đời người, dù cứ ba tháng đến đây
một lần thì cũng không được xem hết mọi món đồ. Câu chuyện về việc Tưởng Giới
Thạch làm thế nào để mang được kho báu sang Đài Loan cũng là một câu chuyện đầy
li kỳ khác.
Toàn cảnh bảo tàng cố cung, nơi lưu giữ tới hơn 630.000 hiện vật quý giá (Ảnh: Internet)
Hai viên ngọc hết sức độc đáo trong bảo tàng. Đủ cả rau và thịt, ấm no suốt đời :)
Longshan Temple/Đền Khổng từ, dù được
mọi tour du lịch quảng cáo, với mình chả để lại ấn tượng gì ngoài sự lòe loẹt,
họa tiết rối rắm đến nghẹt thở. Ấn tượng lớn nhất ở đó là dòng quảng cáo về khu
phố xem bói nằm ngay trong đường hầm cạnh đó. Bọn mình tò mò, muốn mục sở thị
xem các thầy bói làm việc thế nào nên lò dò đi tìm. Ra ngay. Một ông thầy ngồi
phòng trong, thư ký ngồi phòng ngoài. Cả hai thầy trò nhiệt tình chèo kéo tụi
mình, hứa hẹn sẽ cho bọn mình biết rõ khi nào thì sẽ có người yêu/bạn trai với
giá khoảng 600k. Ặc ặc. Trình kém quớ. Nếu hứa hẹn sẽ nói rõ khi nào con
gái/con trai mình có người yêu thì có khi mình cũng xem đấy :P
Biển quảng cáo phố bói toán, rất ấn tượng :)
Buổi chiều ngày thứ hai của mình kết
thúc bằng một tour dạo khu phố lịch sử Bopiliao/Bopiliao historical block, nơi
trong quá khứ chưa quá xa là một khu phố buôn bán, giờ được giữ lại làm khu
sinh hoạt cộng đồng với nhiều phòng đặt các món đồ chơi phát triển trí tuệ cho
trẻ cực thú vị. Mà chả cứ trẻ, bọn mình cũng xông vào, có trò chơi mãi mới được.
Dãy phố nhỏ xinh, gọn gàng, xứng đáng là một điểm check-in đẹp. Không bị nghiện
chụp ảnh nhưng mình thực sự thư giãn khi đi lang thang con phố, đọc những dòng
chú thích, chơi các trò chơi, cảm nhận một bầu không khí xưa cũ, khác hẳn một
Đài loan sôi động cách đó có vài bước chân.
Con hẻm yên bình, vắng lặng, chỉ cách những con phố sôi động của Đài Loan ngoài kia vài bước chân
Và những trò chơi rất thú vị trong mỗi căn nhà