18 tháng 9 2018

CON GÁI TRỞ THÀNH TÂN SINH VIÊN NHẠC VIỆN


Học đàn từ nhỏ nhưng con gái không hề có ý định theo đuổi nhạc chuyên nghiệp. Dù thế, vì có anh học nhạc viện nên con gái cũng loáng thoáng nghe qua về việc học ở đó, về việc anh phải tập bài khá nhiều cho mỗi kỳ thi, về chuyện bố mẹ bực bội khi thầy mải đi biểu diễn mà bỏ bê trò.... Có lần con gái tuyên bố con không học nhạc viện đâu, tập mệt lắm. Thế rồi khoảng đâu đó giữa năm lớp 6 con gái tuyên bố con muốn thi nhạc viện. Cũng chỉ là một lời nói chơi chơi, vài hôm rơi vào quên lãng. Gần đến cuối năm học thì con gái lại lôi chuyện đó ra, tuyên bố con muốn thi và học cả hai đàn, đơn giản vì lớp con có một đứa cũng như thế, nó làm được mà con không làm được à :). Một lý do nữa là để về sau kể cho con cháu nghe, bà Dương ngày xưa từng thi và đỗ vào mấy trường đàn cùng một lúc đấy, wow, oai chưa. Rồi con muốn được biết áp lực thi cử, con muốn có trải nghiệm học trong nhạc viện. Haha, toàn những lý do rất hoành tráng, mỗi tội không liên quan đến đam mê âm nhạc.

Thấy con gái bày tỏ mong muốn thì mẹ bảo okie để mẹ tìm hiểu thông tin. Con đòi học, đòi thi chứ có đòi ăn chơi đâu. Và quan điểm của mẹ là hỗ trợ con tối đa trong chuyện học hành. Vậy là mẹ bắt đầu bằng việc tìm hiểu các chương trình học ở nhạc viện và văn hóa nghệ thuật quân đội. Nhạc viện không cho học cùng một lúc hai nhạc cụ - chỉ có thể chọn một khoa – nhạc cụ dân tộc hoặc nhạc cụ phương Tây. Văn hóa nghệ thuật quân đội chỉ nhận học sinh đã học hết cấp III. Còn trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội nữa, mỗi tội xa quá, ở tận Hai Bà Trưng. Không sao, vụ đi học tính sau, cứ thi đã. Cuối cùng thì bố mẹ làm hồ sơ cho con thi nhạc viện – cả violin và đàn tranh, và thi đàn tranh ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội, vì violin ở đó không có chương trình phù hợp.

Con chẳng luyện tập gì nhiều. Cách ngày thi 1-2 tuần gì đó hai mẹ con thông báo với thầy dạy violin của con rằng con sẽ thi, đơn giản để hỏi thầy về các bài nên đánh trong buổi hôm đó. Đàn tranh ở nhạc viện cũng không luyện gì khác thường, vài ngày trước buổi thi cô giáo ngồi với con thêm một lúc. Rồi mẹ gọi điện hỏi thăm cô giáo ở văn hóa nghệ thuật Hà nội về các bài cần chuẩn bị để thi đàn tranh. Hôm con đi thi ở nhạc viện mẹ đưa con đi rồi ngồi chờ. Sáng thi đàn violin, chiều thi đàn tranh. Con mặc chiếc váy trắng hơi điệu đà một chút, trông xinh lắm. Nhiều bố mẹ chen chúc ngồi trong quán cà phê trong khuôn viên nhạc viện chờ con, bàn tán rôm rả, mẹ thì ôm theo cái máy tính, còn dịch được cho bác H. một mớ tài liệu. Thi môn nào xong con cũng bảo con đánh tốt, phần thi năng khiếu cũng tốt. Đến hôm thi vào cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì bố đưa con đi vì mẹ vướng chuyến công tác xa. Khi mẹ đi công tác về con kể, khi con thi phần năng khiếu cô giáo hỏi con, giọng tốt thế này sao không thi thanh nhạc 😊

Sau hơn hai tuần thì con biết điểm. Ở nhạc viện về đàn tranh con đỗ thứ 3 trong tổng số 19 học sinh dự thi, 28/30 điểm. Violin kết quả không tốt, chỉ được 21/30. Con bực bội, bảo sao lại thế, con biết chắc con đánh tốt, điểm năng khiếu của con cũng tốt, nhất định có nhầm lẫn. Mẹ gọi điện hỏi, rồi nói bố lên nhạc viện hỏi, chẳng phải vì cay cú mà vì thương con. Về sau mẹ mới được thầy giáo nói, với những môn thi như vậy chưa thi giáo viên đã biết hết học trò rồi, nhiều nhà cho con học 2-3 thầy dạy ở khoa, đơn giản để lấy mối quan hệ. Thầy kết luận chả ai đi thi như nhà chị. Đã hiểu. Ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội con cũng đỗ cao, 25/30 điểm.

Bước tiếp theo là chọn trường. Ban đầu con định học violin ở nhạc viện, đàn tranh ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội nhưng kế hoạch này giờ phải xem lại vì điểm violin vào nhạc viện không tốt, họ chuyển cho con sang một hệ khác mà hai mẹ con không thích. Đằng nào cũng chả có ý định theo nghiệp đàn hát, mẹ bảo con thôi mình học đàn tranh nhạc viện, rồi nếu con muốn, sau đây con có thể theo học violin hệ 4 năm khi đủ tuổi. Cô giáo ở CĐVHNT Hà Nội gọi điện cho mẹ, rất tha thiết muốn nhận con làm học sinh, thuyết phục mẹ mãi. Con thì rất tỏ vẻ bảo đã thi đỗ điểm cao mà không học, khổ thân các cô nhỉ. Quyết định cuối cùng vẫn là học đàn tranh nhạc viện. Violin thì tiếp tục học cùng thầy tại nhà.

Thứ Năm đầu tiên của tháng 9 mẹ đưa con đi nhập học. Cách đây 3 năm mẹ đã đưa anh Tuấn đi nhập học, và bây giờ đến lượt con. Khu vực làm thủ tục có mấy tấm biển chào đón tân sinh viên (kết hợp quảng cáo cho Vietinbank). Mẹ bảo chụp ảnh làm kỷ niệm con nhé, con bĩu môi, để quảng cáo cho Vietinbank à.

Giờ thì con đã trở thành tân sinh viên của nhạc viện rồi. Nghe oai phết. Đầu năm nay, khi đăng ký học thêm tiếng Nhật và Văn ở lớp, con láu lỉnh cười bảo con không học gì đâu, con còn bận làm tân sinh viên. Hehe. Rồi sau vụ đi thi ở CĐVHNT Hà Nội, con đòi mẹ cho con đi học thêm thanh nhạc. Okie, lại đăng ký một lớp thanh nhạc một thầy một trò. Con học thử một buổi và thích lắm. Mẹ hỏi vậy môn này mình học một thời gian ngắn cho vui hay lâu dài, con bảo phải lâu dài chứ. Mẹ bảo mẹ có thấy con tập đâu, con cãi ngay, sao mẹ biết con không tập. Rồi có lúc mẹ bảo vậy con học bài hát gì hát thử mẹ nghe nào, con không chịu, mẹ dọa, nhà tài trợ chi tiền mà không được biết chi tiền việc gì thì nhà tài trợ cắt. Đến đây thì con mới xuống nước bảo để từ từ rồi con hát mẹ nghe. Có lúc nghe mẹ nói đến chuyện đưa con đi học hát, con nhướng mắt nhìn mẹ hỏi “Hát??” mẹ phải chỉnh ngay, “Nhầm nhầm, đi học thanh nhạc”. Ôi ôi cô con gái tuổi teen của mẹ.

Chúc mừng con gái nhé. Mẹ hy vọng đã mang lại cho con một tuổi thơ thật nhiều niềm vui, một thời học trò con được học điều con thích và một tương lai rộng mở đang chờ con. Yêu cô con gái của mẹ thật nhiều dù rằng hơn nửa năm nay mẹ cũng đau đầu vô kể với những cơn nổi loạn tuổi teen của con!
Buổi học đầu tiên ở nhạc viện. Con gái đã trở thành thiếu nữ và chỉ cho mẹ chụp từ đằng sau thế này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét