22 tháng 9 2018

NHỮNG CUỘC HỌP PHỤ HUYNH CỦA CÁC CON


Có hai đứa con đều đã vào tuổi teen, mẹ đã đi qua biết bao buổi họp phụ huynh. Buổi họp đầu tiên là khi Tôm bắt đầu đi học mẫu giáo ở trường mầm non thực hành Hoa Hồng khi con ba tuổi. Trải nghiệm đầu tiên và giống như vô vàn các buổi họp khác. Cô giáo đọc bản tổng kết năm học, phương hướng nhiệm vụ năm học mới, sau đó đến phần nhận xét về lớp, bạn nào ăn ngoan, ngủ ngoan, bạn nào không… Luôn luôn có một số bạn được khen, một số bạn bị chê, với tên tuổi từng bạn một, thậm chí cả những thông tin bạn nào bị sâu răng số bao nhiêu, và thậm chí có lần còn cả thông tin bạn nào bị hẹp bao quy đầu, ặc ặc. Tiếp theo là mau mau đóng góp tiền nong rồi đi về. Nội dung chung các buổi họp phụ huynh năm này qua năm khác trong suốt 2 năm đi học mẫu giáo của Tôm là như vậy, hoàn toàn không có một thay đổi nào.

Khi con sang Anh học lớp Một, buổi họp phụ huynh đầu tiên của mẹ, mà bên đó gọi là parent evening, khác hẳn. Nhìn giấy mời của cô giáo thì hình dung ngay đây là những buổi gặp cá nhân chứ không phải toàn bộ phụ huynh. Cô dành cho mẹ, và mọi phụ huynh khác mỗi người 15’. Mẹ đến hơi sớm, trong lúc ngồi hành lang ngoài cửa lớp chờ thì xem các cuốn vở, các sản phẩm là kết quả học tập của con (dù trước đó hầu như tuần nào con cũng mang đủ thứ sản phẩm về nhà rồi). Trong vòng 15’ dành riêng cho mẹ cô kể cho mẹ nghe kỹ hơn về con, những câu chuyện mà phụ huynh nào chắc hẳn cũng muốn nghe. Mẹ và cô đơn giản thân tình trao đổi về những chuyện liên quan đến con.

Quay trở về Việt Nam, những buổi họp phụ huynh của con trở về giống như trước. Ngày con học cấp Một mẹ hay đi họp hơn, sau đó mẹ “lỉnh” dần. Một phần vì bố mẹ phân công mỗi người “phụ trách” một đứa – mẹ phụ trách em cún, bố phụ trách con, một phần vì đến khi con bắt đầu nổi loạn ở cấp 2, mẹ thực sự ngại ngần khi gặp cô giáo con và có mặt trong các buổi họp. Buổi họp nào cũng có phần khen ngợi và kể “tội trạng” những em hư (theo ý các cô). Mà mẹ thì chả muốn nghe những thông tin đó trước lớp, nếu con mình được tuyên dương, mẹ sẽ thương cảm những người có con bị chê bai, nếu con mình bị chê bai, đương nhiên là cảm giác không thoải mái, cứ như thể mình là tội đồ, mình không biết dạy con làm khổ cô, làm ảnh hưởng chung cả lớp. Con thì hầu như toàn nằm trong nhóm được “bêu dương”.

Lớp em cún cũng chả là ngoại lệ. 5 năm học, mỗi năm đi họp cho con 2 lần, lần nào cũng như lần nào – kết quả, phương hướng nhiệm vụ - khen – chê. Cô giáo cứ độc diễn một bài dài lê thê (đọc toàn bộ văn bản, mặc dù đầu giờ họp đã phát tờ đó, cứ như thể 100% phụ huynh mù chữ ) rồi sau đó thu tiền. Mà phục các cô có “đầu từ” tốt thật, mẹ mà đơn ca nhiều như vậy thì chỉ hai hôm là bắt đầu khản giọng.

Năm ngoái con gái vào cấp II. Con học lớp tiếng Nhật. Cô giáo của con còn trẻ, xinh lắm, đi học ở Nhật về. Cô thực sự đã thổi một luồng gió mới vào lớp con. Buổi họp phụ huynh đầu tiên, các con tự trang trí lớp, tự phân công nhau chuẩn bị trình bày về tình hình chung của lớp, giới thiệu các giáo viên, kế hoạch, mục tiêu cho cả năm học, cho từng tháng.… Khi phụ huynh đến mấy bạn được phân công đứng hàng đôi trước cửa lớp cúi người chào bằng tiếng Nhật. Rồi biểu diễn các tiết mục văn nghệ đầu giờ… Phần việc của cô giáo hết sức nhẹ nhàng, một số thông tin chung về nhà trường và hỏi đáp với phụ huynh. Chấm hết. Đấy là lần đầu tiên đi họp phụ huynh mà mẹ không thấy ngán ngẩm và không bị buộc phải nghe giáo viên đơn ca bất đắc dĩ.

Hai buổi họp phụ huynh giữa kỳ rồi cuối kỳ của năm lớp Sáu của con cũng diễn ra tương tự. Các con quen với cô hơn, quen với việc làm MC trong các buổi họp phụ huynh hơn nên điều hành trôi chảy hơn. Kết quả học tập của từng em được cho vào từng phong bì riêng, để sẵn trên bàn cho từng học sinh và mẹ không phải nghe khen hay chê về bất cứ em nào. Để chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh cuối năm, con và mấy bạn trong lớp còn rủ nhau cùng tập một tiết mục trong đó hai bạn hát, con và một bạn khác nữa đệm đàn – con đệm violin, bạn kia đệm ghi ta. Và các con tập online với nhau 😊.
Một tiết mục của các con trong buổi họp phụ huynh cuối năm lớp 6
Buổi họp phụ huynh đầu năm nay, các con còn làm các bố mẹ choáng hơn nhiều. Ngoài một vài điểm khác như bàn ghế kê chữ U, đầu giờ các con mang nước và bánh kẹo vào mời từng phụ huynh thì phần game mới là tiết mục khiến phụ huynh choáng nhất. Game của các con tập trung vào chủ đề “Bố mẹ có hiểu con mình không”, bắt đầu với tiết mục nghe đôi ba câu trong một bài hát và nói tên bài hát. Phần lớn phụ huynh không biết những bài hát mà các con say mê nghe. Làm mẹ nhớ lại hồi năm ngoái có lần con bảo, bài này hay lắm mẹ ạ nhưng chỉ dành cho giới trẻ thôi 😊. Vào phần câu hỏi “Nếu bạn rất thích học một môn nhưng bố mẹ không ủng hộ bạn sẽ làm gì? Với các đáp án là a) kiên quyết theo đuổi, b) Cố gắng thuyết phục bố mẹ, c) Đành nghe lời bố mẹ nhưng ấm ức, mẹ chọn đúng đáp án của các con (a) và được các con thưởng cho một món quà là một nụ cười rất đáng yêu. Rồi các con đưa ra 10 vấn đề gồm việc học hành, thể thao, ăn uống, tiền, thời trang, ngủ… và đề nghị phụ huynh chọn vấn đề mà các con quan tâm nhất. Phụ huynh sai hết, điều các con quan tâm nhất là tiền, ặc ặc. Nói chung qua phần game của các con thì kết luận, dù chẳng ai đưa ra, vô cùng rõ ràng – phụ huynh hầu như không hiểu gì về con mình – các con thích gì, các con nghĩ gì, các con học gì.
Phần thưởng các bạn điều hành game tặng mẹ. Vậy nên con đừng bảo mẹ không hiểu gì con nhé :)

He he, đố các bố mẹ khác trả lời đúng những câu hỏi này
Dù mẹ luôn ý thức con đang ở tuổi nổi loạn và luôn trăn trở phải làm gì với con để con mở lòng với mình, buổi họp làm mẹ càng ý thức rõ hơn về việc này. Chắc chắn đây là buổi họp phụ huynh ý nghĩa nhất với mẹ từ trước tới nay. Cảm ơn cô giáo con. Cảm ơn các con. Mẹ đang cố gắng điều chỉnh mình để được làm bạn với con. Dù hơn nửa năm nay, từ khi con bắt đầu nổi loạn, mẹ thực sự đau đầu, nhưng chắc hẳn những niềm vui con mang lại cho bố mẹ, không nhất thiết phải trong giai đoạn này, vẫn rất xứng đáng để chịu đựng những cơn đau đầu các con khuyến mại bố mẹ, phải vậy không nhỉ 😊.

18 tháng 9 2018

CON GÁI TRỞ THÀNH TÂN SINH VIÊN NHẠC VIỆN


Học đàn từ nhỏ nhưng con gái không hề có ý định theo đuổi nhạc chuyên nghiệp. Dù thế, vì có anh học nhạc viện nên con gái cũng loáng thoáng nghe qua về việc học ở đó, về việc anh phải tập bài khá nhiều cho mỗi kỳ thi, về chuyện bố mẹ bực bội khi thầy mải đi biểu diễn mà bỏ bê trò.... Có lần con gái tuyên bố con không học nhạc viện đâu, tập mệt lắm. Thế rồi khoảng đâu đó giữa năm lớp 6 con gái tuyên bố con muốn thi nhạc viện. Cũng chỉ là một lời nói chơi chơi, vài hôm rơi vào quên lãng. Gần đến cuối năm học thì con gái lại lôi chuyện đó ra, tuyên bố con muốn thi và học cả hai đàn, đơn giản vì lớp con có một đứa cũng như thế, nó làm được mà con không làm được à :). Một lý do nữa là để về sau kể cho con cháu nghe, bà Dương ngày xưa từng thi và đỗ vào mấy trường đàn cùng một lúc đấy, wow, oai chưa. Rồi con muốn được biết áp lực thi cử, con muốn có trải nghiệm học trong nhạc viện. Haha, toàn những lý do rất hoành tráng, mỗi tội không liên quan đến đam mê âm nhạc.

Thấy con gái bày tỏ mong muốn thì mẹ bảo okie để mẹ tìm hiểu thông tin. Con đòi học, đòi thi chứ có đòi ăn chơi đâu. Và quan điểm của mẹ là hỗ trợ con tối đa trong chuyện học hành. Vậy là mẹ bắt đầu bằng việc tìm hiểu các chương trình học ở nhạc viện và văn hóa nghệ thuật quân đội. Nhạc viện không cho học cùng một lúc hai nhạc cụ - chỉ có thể chọn một khoa – nhạc cụ dân tộc hoặc nhạc cụ phương Tây. Văn hóa nghệ thuật quân đội chỉ nhận học sinh đã học hết cấp III. Còn trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội nữa, mỗi tội xa quá, ở tận Hai Bà Trưng. Không sao, vụ đi học tính sau, cứ thi đã. Cuối cùng thì bố mẹ làm hồ sơ cho con thi nhạc viện – cả violin và đàn tranh, và thi đàn tranh ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội, vì violin ở đó không có chương trình phù hợp.

Con chẳng luyện tập gì nhiều. Cách ngày thi 1-2 tuần gì đó hai mẹ con thông báo với thầy dạy violin của con rằng con sẽ thi, đơn giản để hỏi thầy về các bài nên đánh trong buổi hôm đó. Đàn tranh ở nhạc viện cũng không luyện gì khác thường, vài ngày trước buổi thi cô giáo ngồi với con thêm một lúc. Rồi mẹ gọi điện hỏi thăm cô giáo ở văn hóa nghệ thuật Hà nội về các bài cần chuẩn bị để thi đàn tranh. Hôm con đi thi ở nhạc viện mẹ đưa con đi rồi ngồi chờ. Sáng thi đàn violin, chiều thi đàn tranh. Con mặc chiếc váy trắng hơi điệu đà một chút, trông xinh lắm. Nhiều bố mẹ chen chúc ngồi trong quán cà phê trong khuôn viên nhạc viện chờ con, bàn tán rôm rả, mẹ thì ôm theo cái máy tính, còn dịch được cho bác H. một mớ tài liệu. Thi môn nào xong con cũng bảo con đánh tốt, phần thi năng khiếu cũng tốt. Đến hôm thi vào cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì bố đưa con đi vì mẹ vướng chuyến công tác xa. Khi mẹ đi công tác về con kể, khi con thi phần năng khiếu cô giáo hỏi con, giọng tốt thế này sao không thi thanh nhạc 😊

Sau hơn hai tuần thì con biết điểm. Ở nhạc viện về đàn tranh con đỗ thứ 3 trong tổng số 19 học sinh dự thi, 28/30 điểm. Violin kết quả không tốt, chỉ được 21/30. Con bực bội, bảo sao lại thế, con biết chắc con đánh tốt, điểm năng khiếu của con cũng tốt, nhất định có nhầm lẫn. Mẹ gọi điện hỏi, rồi nói bố lên nhạc viện hỏi, chẳng phải vì cay cú mà vì thương con. Về sau mẹ mới được thầy giáo nói, với những môn thi như vậy chưa thi giáo viên đã biết hết học trò rồi, nhiều nhà cho con học 2-3 thầy dạy ở khoa, đơn giản để lấy mối quan hệ. Thầy kết luận chả ai đi thi như nhà chị. Đã hiểu. Ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội con cũng đỗ cao, 25/30 điểm.

Bước tiếp theo là chọn trường. Ban đầu con định học violin ở nhạc viện, đàn tranh ở cao đẳng văn hóa nghệ thuật Hà Nội nhưng kế hoạch này giờ phải xem lại vì điểm violin vào nhạc viện không tốt, họ chuyển cho con sang một hệ khác mà hai mẹ con không thích. Đằng nào cũng chả có ý định theo nghiệp đàn hát, mẹ bảo con thôi mình học đàn tranh nhạc viện, rồi nếu con muốn, sau đây con có thể theo học violin hệ 4 năm khi đủ tuổi. Cô giáo ở CĐVHNT Hà Nội gọi điện cho mẹ, rất tha thiết muốn nhận con làm học sinh, thuyết phục mẹ mãi. Con thì rất tỏ vẻ bảo đã thi đỗ điểm cao mà không học, khổ thân các cô nhỉ. Quyết định cuối cùng vẫn là học đàn tranh nhạc viện. Violin thì tiếp tục học cùng thầy tại nhà.

Thứ Năm đầu tiên của tháng 9 mẹ đưa con đi nhập học. Cách đây 3 năm mẹ đã đưa anh Tuấn đi nhập học, và bây giờ đến lượt con. Khu vực làm thủ tục có mấy tấm biển chào đón tân sinh viên (kết hợp quảng cáo cho Vietinbank). Mẹ bảo chụp ảnh làm kỷ niệm con nhé, con bĩu môi, để quảng cáo cho Vietinbank à.

Giờ thì con đã trở thành tân sinh viên của nhạc viện rồi. Nghe oai phết. Đầu năm nay, khi đăng ký học thêm tiếng Nhật và Văn ở lớp, con láu lỉnh cười bảo con không học gì đâu, con còn bận làm tân sinh viên. Hehe. Rồi sau vụ đi thi ở CĐVHNT Hà Nội, con đòi mẹ cho con đi học thêm thanh nhạc. Okie, lại đăng ký một lớp thanh nhạc một thầy một trò. Con học thử một buổi và thích lắm. Mẹ hỏi vậy môn này mình học một thời gian ngắn cho vui hay lâu dài, con bảo phải lâu dài chứ. Mẹ bảo mẹ có thấy con tập đâu, con cãi ngay, sao mẹ biết con không tập. Rồi có lúc mẹ bảo vậy con học bài hát gì hát thử mẹ nghe nào, con không chịu, mẹ dọa, nhà tài trợ chi tiền mà không được biết chi tiền việc gì thì nhà tài trợ cắt. Đến đây thì con mới xuống nước bảo để từ từ rồi con hát mẹ nghe. Có lúc nghe mẹ nói đến chuyện đưa con đi học hát, con nhướng mắt nhìn mẹ hỏi “Hát??” mẹ phải chỉnh ngay, “Nhầm nhầm, đi học thanh nhạc”. Ôi ôi cô con gái tuổi teen của mẹ.

Chúc mừng con gái nhé. Mẹ hy vọng đã mang lại cho con một tuổi thơ thật nhiều niềm vui, một thời học trò con được học điều con thích và một tương lai rộng mở đang chờ con. Yêu cô con gái của mẹ thật nhiều dù rằng hơn nửa năm nay mẹ cũng đau đầu vô kể với những cơn nổi loạn tuổi teen của con!
Buổi học đầu tiên ở nhạc viện. Con gái đã trở thành thiếu nữ và chỉ cho mẹ chụp từ đằng sau thế này