14 tháng 7 2013

VỀ MẸ



Bài này cô bạn mình viết cách đây đã gần chục năm. Xin phép cô bạn đưa về trang của mình. Một bài viết thật cảm động, chứa chan tình cảm, chẳng nói gì to tát mà có thể khiến người đọc hiểu. Tôn trọng cô bạn, dù muốn chuyển màu phông chữ mình cũng không làm. Văn là người, người cũng là văn. Điều này thật đúng với cô bạn mình, giản dị, lặng lẽ nhưng không hề tầm thường. Nếu so sánh, mình sẽ muốn so sánh cô bạn mình với một bông hoa oải hương, đẹp giản dị mà đầy nồng nàn.

Bạn viết về mẹ của bạn, mà dường như có cả mẹ mình, mẹ biết bao người trong đó. Chẳng nói được thành lời, xin mượn lời cô bạn để tỏ tấm lòng với mẹ.

Về mẹ
Vũ Thị Thanh
Tôi rời mẹ xa nhà từ những năm mười hai mười ba tuổi để đi học lớp chuyên, những năm cấp ba trọ học, rồi hơn 6 năm học đại học ở nước ngoài. Về nước lại vào làm việc tận miền Trung. Đi lấy chồng cũng quê xa biền biệt. Đến bây giờ nhìn lại quãng thời gian đã sống ba mươi mấy năm của cuộc đời, ngậm ngùi thấy được gần mẹ không đầy một nửa.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên những hình ảnh khi tôi chừng 10 tuổi, chiều chiều thường bế em út chạy tận cầu sông đón mẹ đi dạy học về. Lúc ấy bao giờ mẹ cũng xuống xe, cho em út ngồi lên ghế sau xe và dắt bộ đi về cùng tôi. Dáng mẹ thanh thoát, mảnh dẻ, mùa đông mẹ hay mặc chiếc măng tô san màu vàng nhạt, là chấm điểm để tôi nhìn thấy mẹ từ xa trên bờ sông trước làng. Những năm ấy tôi nhớ trông mẹ vẫn còn trẻ lắm, dù là đã có 6 đứa con nheo nhóc vào cái thời mà cả nước khó khăn. Những lần mẹ nhào đất đóng cay để xây bếp, hai bắp chân trắng muốt bê bết đất. Những ngày chủ nhật, tôi và mẹ đội nón hái chè cả buổi sáng. Rồi mẹ lúi húi sao chè trong cái chảo to. Cái bếp lợp tranh khói um, mồ hôi trên mặt mẹ thi nhau giọt xuống như mưa. Có lẽ tôi chưa bao giờ thấy ai nhiều mồ hôi mặt như thế. Mùa hè những khi ở nhà mẹ hay vắt khăn mặt trên vai để lau mặt. Chiếc khăn lúc nào cũng ẩm mồ hôi của mẹ. Rồi mẹ đèo gạo cho tôi đi học chuyên xa nhà, mẹ vay tiền để cho các chị đi xem triển lãm Mỹ thuật ngoài Hà Nội. Đôi tay mảnh dẻ của mẹ hết đan thuê lại bóc lạc. Những năm học cấp hai tôi ốm liên miên, giữa đêm, những cơn hen xuyễn làm tôi không thở được, mẹ đỡ tôi ngồi dậy, bàn tay mẹ đấm nhẹ nhàng vào lưng cho tôi nhẹ thở. Sáng ra, cất cơn hen, mẹ nấu nước lá thơm rồi  tắm cho tôi như là tôi còn bé lắm. Thế mà ngày ấy dưới tôi còn những ba đứa em nhỏ.  Tôi không hiểu làm sao mà mẹ có thể kịp làm được tất cả mọi việc. Mẹ dạy tôi tập thêu, tập đan. Khi tóc tôi hơi bắt đầu dài mẹ mua riêng cho tôi chiếc lược sừng đen nhánh làm tôi sửng sốt vì mừng rỡ. Những buổi tối, mẹ vừa đan len vừa hát những bài hát Trầu Cau, Làng Tôi… cho chúng tôi nghe bằng giọng rất trong. Mẹ đọc thơ Mưa từ vòng ngọc của Phạm Thiên Thư, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, rồi những bài thơ đời Đường do Tản Đà dịch, mẹ kể chuyện về các hoạ sỹ mà mẹ được học ở trường… Rồi mẹ cười, ánh mắt rất tươi, hàm răng trắng loá.

Năm tháng trôi đi cùng những nỗi vất vả hằn trên vai mẹ. Đến lúc hai chị và cả tôi chớm thành thiếu nữ thì tôi bỗng bàng hoàng nhận ra mẹ đã già đi từ lúc nào chẳng rõ. Cái dáng thanh thoát mảnh dẻ của mẹ ngày nào thành tất tưởi, vội vã. Mẹ đi lúc nào cũng như chạy. Quần áo thì toàn màu tối. Phiếu vải mẹ dành may quần áo cho hai chị lớn. Tôi bấy giờ đã học lớp 11 rồi. Nhà có 3 chiếc áo gụ nâu, tôi cùng mặc chung với mẹ. Thế mà ở lớp bạn bè khen tôi mặc áo nâu đẹp vì da trắng, làm tôi cứ thích mặc mãi. Rồi bao nhiêu chuyện hồi ấy diễn ra: Hai chị thi trượt đại học tới năm thứ 2, nhà nước đổi tiền, bố hàng chục năm không có sổ gạo, rồi trượt giá … Cuộc sống ngày ấy sao mà khốn khó, thiếu ăn triền miên. Thế nhưng không thấy mẹ kêu than một lời, và không hề mắng các chị lúc biết tin thi trượt. Khi giận, mẹ chỉ mắng các em nhỏ hay nghịch thôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ giục chúng tôi học bài, hay mở vở kiểm tra bài của chúng tôi. Bao giờ mẹ cũng tin tưởng, để chúng tôi tự nguyện tự giác.
Không phụ lòng mẹ, cả 6 chị em chúng tôi đều đã nên người, ngoài chị cả đi xuất khẩu lao động ở Nga vào những năm khó khăn, năm chị em tôi đều vào đại học, ra trường có việc làm. Rồi cả 6 chị em lần lượt yên bề gia thất. Công mẹ thật trời biển.

Tôi là phận gái, tính tình đa cảm, nông nổi, cả tin. Đi ra cuộc đời vấp ngã không chỉ một lần, mất lòng tin không chỉ một lần, rồi lại tự gượng dậy, lại đi, lại vẫn thấy tin yêu cuộc sống. Mẹ hiểu hết, không một lời trách mắng, không một lần đả động. Dẫu có buồn, nhưng không bao giờ mẹ nói, cũng chẳng khuyên, như ngày thơ bé, mẹ luôn cho tất cả chúng tôi được tự ý trong mọi chuyện. Không phải mẹ đứng ngoài cuộc, mà tính mẹ là thế. Mẹ chỉ hiểu, chia sẻ, cảm thông. Nhưng không can thiệp. Nhà có 6 chị em mà không có dâu, rể nào do mẹ chọn lựa, không phải tất cả đều như ý, nhưng ai cũng được mẹ tôn trọng và thương như con đẻ.

Sau này, khi đã trưởng thành, đi làm, đặc biệt là khi về nhà chồng, tôi mới hiểu mẹ đã yêu chúng tôi biết chừng nào. Bởi vì khi cho chúng tôi tự định đoạt cuộc đời mình trong mọi chuyện, mẹ đã lần thứ hai ban cho chúng tôi cuộc sống. Tôi được chứng kiến bao nhiêu người khổ sở, u ám chỉ vì áp lực gia đình. Bạn bè tôi có những đứa được cha mẹ ấn định cho không chỉ ngành nghề, bạn chơi, mà còn cả chỗ làm cho đến việc chọn vợ chọn chồng, rồi cách nuôi dạy những đứa trẻ mới sinh và bao điều khác trong cuộc sống. Thế mà cái áp lực kinh khủng ấy lại luôn nhân danh tình yêu và trách nhiệm.

Tôi viết những dòng này khi đã làm mẹ, và đứa con đầu lòng của tôi cũng là con gái. Ở nơi xa, nghĩ về mẹ mà thấy rưng rưng: Mẹ đã không chỉ sinh ra tôi, mẹ còn cho tôi nguyên vẹn cuộc sống để tự tôi tìm ra vẻ đẹp của nó. Và càng đi xa, lòng tôi lại càng quay về với mẹ.

13 tháng 7 2013

VÀI DÒNG TẢN MẠN VỀ CAMBODIA


(Đăng lần đầu 9/11/2012)


Chưa từng đến Cambodia, trong hình dung của mình, đó là đất nước của điệu múa Chăm đầy quyến rũ mà mình đã được xem ở Mỹ Sơn, của Angko huyền bí đến nghẹt thở, của những truyền thuyết đầy mê hoặc, lôi cuốn.
 
Đối với mình, Cambodia là một điểm must be visited, nhưng cũng biết rằng bọn trẻ còn nhỏ, sẽ phải chờ tụi nó lớn hơn. Thật may, tổ chức mình có văn phòng ở Cambodia, và mấy ngày vừa rồi mình được lang thang ở Cambodia trong một chuyến công tác mang tính trao đổi, tìm hiểu công việc của hai văn phòng.

Vẫn chưa có máy bay thẳng từ Hà Nội đến Phnom Pênh, tụi mình phải bay qua Viengchan, một sân bay bé xíu xìu xiu, được cái chặng bay nào cũng rất ngắn, chỉ trên dưới một tiếng đồng hồ nên rời khỏi Hà Nội lúc gần 10 sáng thì chỉ đến 2h chiều tụi mình đã được check-in ở khách sạn. Tranh thủ lúc trên máy bay, mình đọc Lonely Planet, và phì cười với chỉ dẫn về tên đường phố và cách đánh số nhà ở Phnom Pênh, rằng đường phố theo kiểu bàn cờ, được đánh số nên khá dễ tìm, ngược lại, số nhà thì khác hẳn, đánh loạn xạ, ví dụ, có thể từ 416 hạ xuống 410 rồi nhảy vọt lên 460 chưa biết chừng, rồi tới mấy nhà cùng một số trên một con phố. Trên đường từ sân bay về, tụi mình ngay lập tức kiểm tra điều đó, đúng y chang như trong sách, và không chỉ trên một con phố mình đi qua :).

Ngày đầu tiên sang đến nơi sớm, tụi mình tranh thủ đi chợ Russian market mà mọi người bảo quần áo đẹp và rất rẻ. Thất vọng tràn trề, mình tự nhủ sẽ không bao giờ để bản thân bị cuốn vào mấy cái vụ mua sắm kiểu này nữa. Đã thế, cô bạn đồng nghiệp còn lôi mình đi chợ đêm bằng được. Đương nhiên là không có gì khá hơn. Chợ nhỏ xíu, hàng hóa nghèo nàn, được cái giá cả thì rẻ, vì chất lượng tương đương .

Hơi thất vọng chút với một Phnom Pênh tuy thông thoáng hơn Hà Nội chút nhưng lại khá bẩn thỉu. Con đường dọc bờ sông nhiều đoạn rất khai, rác rưởi nhiều, bờ sông chưa được kè. Phương tiện giao thông rất tệ, khách du lịch lẻ thường hay dùng tuk tuk, người dân thì đi lại hoặc bằng xe máy mà khá thường xuyên chẳng đội mũ bảo hiểm gì cả, hoặc thế này vì chưa có xe buýt:

Dù không quá nhiều ấn tượng nhưng rõ ràng vẫn có một số điểm ở Phnom Pênh rất đáng để xem. Tranh thủ những lúc có thể, mình đã đi thăm được Hoàng cung, chùa Vàng (mà chẳng hiểu sao sách hướng dẫn du lịch và bản đồ lại gọi là Silver Pagoda, hì hì), Bảo tàng Quốc gia và lượn lờ phố xá khá nhiều do mình ở một khách sạn ngay trung tâm.
Hai cây hoa thala/sala (còn gọi là hoa vô ưu) được trồng ngay trong cổng vào Hoàng cung. Đây là giống hoa thường trồng ở chùa, thân gỗ, hoa mọc theo thân và cả tít trên cành cao, rất đẹp, quả to như quả dừa:

Hoàng cung nhìn từ con đường phía bờ sông:
Một góc trong Hoàng cung:
Những bức tường được vẽ tranh trong Hoàng cung, hẳn ngày xưa vô cùng đẹp đẽ mà giờ đây đã bị thời gian hủy hoại, làm mình nhớ đến những bức tranh tường ở Vatican hay ở điện Lourve:

Toàn cảnh chùa vàng, với mô hình Angko Wat phía trước:
 Một ngọn tháp trong hoàng cung, nơi lưu giữ tro của nhà vua:

Bảo tàng quốc gia:

Những điểm du lịch nổi tiếng khác ở Phnom Pênh là Cánh đồng chết và nhà tù Toul Sleng, nhưng vốn nhát, mình không dám đến đó.
Ở Cambodia, hoa sen là hoa để dâng lên Phật. Hoa sen được trồng ở khá nhiều nơi. Có hoa sen giống Việt Nam, cũng có một loại sen khác mà đầu cánh hoa hơi khác với hoa tại Việt Nam. Tại các khách sạn/nhà hàng lớn, thường người ta cắm một bông sen vào cốc như thế này, trông đẹp một cách độc đáo, những cánh ngoài cùng được cuộn lại, tạo nên ấn tượng về một loài hoa lạ:
Đức Vua của Cambodia mới mất được vài tuần. Hàng ngày, rất nhiều người dân đến Hoàng cung dâng hoa sen lên cúng như thế này:
  Bán hoa để cúng trước cổng Hoàng cung:
Trước khi đến Phnom Pênh, mình cũng chẳng hề để ý đến một chi tiết khá thú vị về con sông Tonle Sap chảy qua thành phố này, con sông cứ mỗi năm lại thay đổi dòng chảy 2 lần, vào mùa mưa thì nước từ sông Mekong chảy vào đây, và vào mùa khô, nước từ sông Tonle Sap lại chảy ngược trở lại sông Mekong.
 
Không chỉ dừng ở Phnom Pênh, mình còn được đến 2 tỉnh khác, Prey Veng, cách Phnom Pênh khoảng 90km và Champong Kam, cách thủ đô khoảng 150 km. Phong cảnh trên đường đi đến Prey Veng và Champong Kam thật đẹp. Trải dài hai bên đường là những cánh đồng lúa điểm các hàng cây thốt nốt, một quang cảnh vô cùng đặc trưng của Cambodia và rất nhiều những đầm sen nho nhỏ.
Bình minh trên sông Mekong, đoạn chảy qua thị trấn Kampong Cham:
Cánh đồng lúa và thốt nốt:

 Cánh đồng lúa ở đây đã vàng hơn:


Rồi nào là sen:
Ở Cambodia tới hơn 5 ngày nhưng quả thực những gì mình xem được là quá ít. Mình vô cùng tiếc đã không quyết tâm đi  xem một buổi biểu diễn nào, cũng không muốn ở lại thêm để đi Siem Riệp ngắm Angko. Coi như đây là một chuyến try-out và dành những điều đó cho một chuyến đi trọn vẹn hơn với cả gia đình.

Hì hì, còn đây là làm hàng tý, sau khi đi chán chê, tụi mình tạo dáng chụp ảnh cho nhau. Ảnh chụp trong khuôn viên Viện Bảo tàng Quốc gia:
 Ừ, còn một chi tiết. Theo một bảng xếp hạng mình xem, mức độ tham nhũng của Cambodia còn khủng khiếp hơn ở Việt Nam nhiều, và mình cứ lẩn thẩn tự hỏi, chẳng nhẽ còn có thể tệ hơn Việt Nam, và tệ hơn là tệ hơn thế nào nhỉ?

PHÙNG CUNG_CON NÍU GIỌT MỒ HÔI ĐỨNG DẬY LÀM NGƯỜI

Mình đúng là tù nhân, bị nhốt trong nhà cả tuần rồi, trong khi hôm nay ở Sapa cả nhà rộn ràng mừng sinh nhật mẹ mình 70 tuổi. Chẳng như mọi khi, các bà chị không gọi điện "khoe đểu" gì, chỉ thương dì út hôm nay không được cùng gia đình. Nằm mãi, đọc mãi, hết truyện đến mấy thứ hết sức vớ vẩn trên mạng, mình dành thời gian post lại các bài cũ vậy. Đợt vừa rồi máy bị hỏng, tưởng không lấy lại được dữ liệu, mình đã rất phiền lòng, giờ thì tranh thủ post lại mau thôi.

PHÙNG CUNG_CON NÍU GIỌT MỒ HÔI ĐỨNG DẬY LÀM NGƯỜI
Đăng lần đầu 29/6/2012

Nếu có thể, mình chẳng bỏ qua những buổi giới thiệu sách vở. Dấu hiệu tuổi tác thể hiện rõ nét, giờ mình ít đọc những thứ best-seller mà thường thích đọc những thứ gai góc hơn chút. Vậy nên tối hôm qua, sau khi đã chờ đợi khá lâu buổi tọa đàm về Phùng Cung, lẽ ra phải được diễn ra từ 19/5 mà bị rời đến tận 28/6, sau giờ làm mình phóng xe đến Trung tâm Văn hóa Pháp. Một mình.
Là một nhân vật trong phong trào Nhân văn giai phẩm, theo nhiều người thì trước hết bị đập tơi bời với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh viết khi ông còn khá trẻ, Phùng Cung chưa bao giờ có được sự “chiêu tuyết” như một số nhà văn nhà thơ cùng thời khi đó. Nếu như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… sau này đã được rất nhiều người biết đến, thì Phùng Cung vẫn là một tên tuổi còn vô cùng xa lạ. Đảm bảo hỏi 10 sinh viên khoa Văn thì có lẽ phải đến 9 em hoặc hơn có lẽ chưa nghe tên ông bao giờ. Mình không quá ngưỡng mộ ông, theo cách mình ngưỡng mộ Phùng Quán hay Hoàng Cầm, nhưng mình thích tìm hiểu về ông, cũng như về nhiều văn nghệ sỹ của giai đoạn đó, tìm hiểu lịch sử của giai đoạn đó, vậy nên mình thích đi nghe những buổi tọa đàm như hôm qua.

Bác Phạm Xuân Nguyên vốn là một tên tuổi “hót” trong lĩnh vực “đọc báo giùm bạn”, vậy nên vẫn như mọi khi bác ấy làm người dẫn chính. Bên cạnh là nhà thơ Thái Kế Toại (bác này từng là đại tá công an, A25, đồng thời là nhà thơ với bút danh Lê Hoài Nguyên), rồi nhà giáo Phạm Toàn (bút danh nhà văn Châu Diên) và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một dàn mà theo ý kiến chủ quan của mình chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà thơ Thái Kế Toại đã có nhiều trải nghiệm với Phùng Cung, với nhiều nhà văn, nhà thơ khác trong vai trò công an văn hóa, vậy nên phần đầu đơn ca của bác, kéo dài tới khoảng 50 phút, khá thú vị và nhiều thông tin, dù không tránh khỏi có những giây phút bác bị sa đà, lạc đề. Mình không ấn tượng bao nhiêu với phần của bác Phạm Toàn, nói về “những con chữ hiện lên từ đáy chén trà”. Phần của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh nhiều đến nắng trong thơ Phùng Cung. Chỉ có vậy.

Hẳn nhiên, Phùng Cung được nhắc đến với bài thơ đầy khí phách “Bèo”:
Lênh đênh muộn dặm nước non/Lạc vào ao cạn/Vẫn còn lênh đênh.

Hay những câu thơ về mẹ trĩu nặng tình cảm, đọc lên khiến người ta rưng rưng:
Mồ hôi mẹ/ Tháng ngày đăm đăm/ nhỏ giọt/ Con níu-giọt mồ hôi/ Đứng dậy làm người

Hay những phân tích về ngôn ngữ vô cùng đẹp của miền quê. Thậm chí ở đoạn giao lưu với khán giả, có một chàng cướp mic, nói mình say mê Phùng Cung cỡ nào, thuộc bao nhiêu bài thơ có nắng của Phùng Cung ra sao, đòi đọc và phân tích 5 bài, nhưng nếu khán giả mệt thì xin phép được đọc 2 bài, bla bla. Tóm lại một anh chàng cuồng thơ nhưng rõ ràng là có hiểu biết và cũng khiến một số người bớt buồn ngủ. (Hì hì. Vụ này làm mình nhớ lại em bé cái hôm đi nghe tọa đàm về Quang Dũng, một em vô cùng dũng cảm đứng lên nói cháu thấy thơ cháu rất hay và mơ ước của cháu là được in thơ này nọ.)
Nhưng chỉ có vậy!

Mình vốn mọi khi chỉ ngồi nghe, không muốn lộ diện, nhưng hôm qua thì ngứa mồm quá. Vì những vấn đề được đưa ra còn rất hời hợt, người ta không đi đến tận cùng lý do tại sao Phùng Cung lại bị đánh đau đến thế, người ta không nhắc một chữ nào đến truyện ngắn Dạ ký, dù chưa từng được in ở Việt Nam, đã khiến ông lao đao, cũng chẳng nhắc đến những bài thơ đọc lên thấy rợn người của ông như bài Vay tuổi, bài “Thu xa”, bài “Đất nước”. Đấy chính là điều tối qua mình hỏi, nhưng đáp lại cũng chỉ là một câu trả lời của bác Phạm Xuân Nguyên, trả lời mà như chưa trả lời, vẫn né tránh. Hì hì, bác ấy còn bảo Dạ ký là tập truyện viết trong đêm nữa chứ. Thưa bác, đấy chỉ là một truyện ngắn thôi ạ. Bác ấy nói vì nó chưa được xuất bản ở Việt Nam nên nhiều người không biết, và vì vậy không nhắc đến. Trời ơi, khó quái gì, mời ai muốn thì google, một cú click chuột là ra tất. Còn phần trả lời của nhà giáo Phạm Toàn hay Nguyễn Thụy Kha về Nhân văn Giai phẩm thì không thể tệ hơn được, cảm giác như họ hiểu rất ít về phong trào này hoặc họ vẫn còn hết sức né tránh.

Dù sao mình vẫn enjoyed buổi tọa đàm theo cách của mình. Và mỗi lần đi nghe như vậy, mình đều thấy tiếc. Hội trường lịch sự, vấn đề thú vị, vậy mà chỉ có khoảng 100/300 ghế là có người ngồi. Cả một Hà Nội mênh mông, được coi là thủ đô lớn trên thế giới, với khoa Văn, khoa Báo chí trường Nhân văn, khoa Văn trường Sư phạm, Viện Văn học, rất nhiều nhà xuất bản, bao nhiêu tòa soạn báo, tạp chí…, tóm lại là rất nhiều người trong giới, vậy mà chỉ được một dúm người đến dự những sự kiện kiểu này.

Cứ bảo sao văn hóa đọc đi xuống!
Viết thêm: Mình mê cách Thụy Khuê phân tích về các nhà văn, nhà thơ, vô cùng sâu sắc và tinh tế. Cô ấy phân tích về Phùng Cung đây.
Còn đây là nhà văn Nhật Tuấn viết kỹ hơn về Dạ ký